Đường dẫn truy cập

Căng thẳng giữa các di dân gia tăng vì cáo giác hộ chiếu giả


Di dân tranh nhau leo lên một chuyến tàu để tránh cảnh sát tại các chốt kiểm soát tại Tovarnik, Croatia, ngày 20/9/2015.
Di dân tranh nhau leo lên một chuyến tàu để tránh cảnh sát tại các chốt kiểm soát tại Tovarnik, Croatia, ngày 20/9/2015.

Châu Âu đang đối mặt với vấn đề xét đơn của hàng trăm ngàn người xin tị nạn để xác định xem người nào thật sự cần được tái định cư. Theo tường thuật của thông tín viên Henry Ridgwell của đài VOA từ vùng biên giới Croatia-Serbia, có cáo giác cho rằng một số người di dân mang hộ chiếu Syria giả mạo, tạo ra những mối căng thẳng với các công dân Syria.

Hàng vạn di dân đã đi bộ dọc theo những đường mòn nằm giữa những cánh đồng trồng bắp và vượt qua biên giới giữa Serbia với Croatia trong vài ngày qua để tìm cách tới các nước Tây Âu. Phóng viên VOA đã nói chuyện với 3 người di dân trong độ tuổi 20. Những người không muốn nêu danh tánh này đã nhanh chóng bày tỏ sự tức giận đối với những người di dân khác.

"Có quá nhiều người ở đây có thẻ căn cước và hộ chiếu Syria giả mạo. Họ không phải là người Syria. Họ đến từ Pakistan, Afghanistan, Iraq, Li Băng, và nhiều nước khác. Tôi thật sự cảm thấy chấn động bởi vì đây là vấn đề của chúng tôi. Đây là trường hợp của chúng tôi."

Tuy nhiên, một người Iraq di dân tên Sadek nói với đài VOA rằng ông và gia đình ông nên được hưởng quyền tị nạn vì họ chạy trốn nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, là nhóm mà người Iraq gọi là Daesh.

"Quí vị, tất cả những người Châu Âu, phải biết thông tin này. Daesh không phải chỉ là người Syria, bởi vì Daesh là người đến từ Iraq và Syria, và tất cả mọi người, họ thù ghét tất cả mọi người."

Ông Mahamad, một người Afghanistan xin tị nạn, bày tỏ sự bất mãn đối với sự chú tâm dành cho người Syria.

"Đối với người Syria tị nạn, tất cả mọi thủ tục đều rất dễ dàng. Nhưng đối với người Afghanistan tị nạn thì không phải vậy. Tất cả mọi thứ đều dành cho người Syria, chứ không cho người Afghanistan."

Ai là người tị nạn thật sự chạy trốn xung đột và áp bức; và ai là người được gọi là di dân kinh tế, chạy trốn nghèo đói hay tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn?

Đó là sự khác biệt mà Hungary muốn Châu Âu phải làm rõ, trong lúc họ xây hàng rào ở biên giới phía nam để ngăn không cho người di dân đi vào nước họ.

Phát ngôn viên chính phủ Hungary, ông Zoltan Kovacs, phát biểu như sau.

"Một lực lượng chung của Châu Âu có thể ngăn chận nạn di dân bất hợp pháp và thiết lập một hình thức hay một tiêu chuẩn để chúng ta có thể tách biệt những người tị nạn thật sự cần được cung cấp nơi nương náu với những người chỉ là di dân kinh tế."

Các nhà lãnh đạo Châu Âu dự trù mở một cuộc họp khẩn vào ngày thứ tư tuần này để tìm cách giải quyết vụ khủng hoảng. Nhiều người cho rằng một phần của bất kỳ giải pháp nào sẽ là xác định ai là người tị nạn thật sự, nhưng các chuyên gia về vấn đề di dân nói rằng sự phân biệt đó rất ít khi có tính chất trắng đen rõ rệt.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG