Đường dẫn truy cập

Các nhà lập pháp Mỹ cân nhắc lợi, hại trong thỏa thuận hạt nhân với TQ


Một lò phản ứng hạt nhân và cơ sở liên hệ, một phần của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, được điều hành bởi Nhà máy Điện Hạt nhân Quảng Đông Trung Quốc, đang được xây dựng ở Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông, 17/10/13
Một lò phản ứng hạt nhân và cơ sở liên hệ, một phần của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, được điều hành bởi Nhà máy Điện Hạt nhân Quảng Đông Trung Quốc, đang được xây dựng ở Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông, 17/10/13

Các quan chức an ninh hạt nhân của Mỹ nói với các nhà lập pháp hôm thứ Ba rằng thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Trung Quốc là "cách tốt nhất" để Mỹ gây ảnh hưởng và cải thiện thành tích phổ biến hạt nhân của Trung Quốc.

"Nếu không cho thỏa thuận nối tiếp này đi vào hiệu lực, chúng ta sẽ mất một cơ chế hệ trọng để gây ảnh hưởng đến hành vi phổ biến hạt nhân của Trung Quốc," Trung tướng Không quân về hưu Frank Klotz, Thứ trưởng Bộ Năng lượng đặc trách An ninh Hạt nhân và Quản trị gia cho Cơ quan Quản trị An ninh Hạt nhân Quốc gia, NNSA, nói:

"Chúng ta sẽ mất đi những lợi thế kinh tế tiềm năng, và chúng ta sẽ mất đi sự thông hiểu của mình đối với chương trình hạt nhân của Trung Quốc, bao gồm nghiên cứu và phát triển hạt nhân của nước này," ông nói trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

Tổng thống Barack Obama kêu gọi Quốc hội cho phép gia hạn thỏa thuận này thêm 30 năm, nói rằng thỏa thuận sẽ cung cấp "một khuôn khổ toàn diện cho việc hợp tác hạt nhân hòa bình với Trung Quốc trên cơ sở cam kết chung đối với việc không phổ biến hạt nhân."

Cũng ra điều trần hôm thứ Ba còn có Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách An ninh Quốc tế và Không Phổ biến Hạt nhân Thomas Countryman.

"Chúng tôi sẽ không hoàn tất thỏa thuận này nếu tôi không hài lòng rằng đây là cách tốt nhất để cải thiện thành tích của Trung Quốc về việc không phổ biến hạt nhân, để duy trì khả năng của chúng ta gây ảnh hưởng đến thành tích đó," ông Countryman nói. Phát biểu của ông theo sau một câu hỏi của Chủ tịch Ủy ban, Thượng nghị sĩ Bob Corker, về việc tại sao gia hạn thỏa thuận này lại là lợi ích quốc gia của Mỹ.

Buổi điều trần hôm thứ Ba tập trung vào việc đánh giá "những rủi ro tiềm ẩn và lợi ích" của một thỏa thuận mới kéo dài 30 năm. Buổi điều trần diễn ra một ngày sau cuộc họp kín của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện với năm quan chức của chính quyền Obama về đề xuất gia hạn.

Một thỏa thuận mới sẽ cho phép Trung Quốc, thị trường điện hạt nhân lớn nhất thế giới, mua thêm các lò phản ứng hạt nhân do Mỹ thiết kế và công nghệ hạt nhân khác để tái xử lý plutonium từ nhiên liệu đã qua sử dụng.

Thỏa thuận 30 năm hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Quốc hội có 90 ngày để duyệt xét thỏa thuận. Nếu Quốc hội không hành động trước khi giai đoạn duyệt xét đáo hạn thì thỏa thuận này sẽ tự động đi vào hiệu lực. Những thành viên chủ chốt của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã hứa sẽ xem kỹ lưỡng những điều khoản, đặc biệt là vì Mỹ và Trung Quốc là hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG