Đường dẫn truy cập

Các hiệp định thương mại bị chỉ trích trong chiến dịch tranh cử Mỹ


Ông Donald Trump nhanh chóng đả kích công ty Ford về việc mở thêm một công xưởng ở phía nam biên giới và gọi hành động đó là 'đáng xấu hổ.'
Ông Donald Trump nhanh chóng đả kích công ty Ford về việc mở thêm một công xưởng ở phía nam biên giới và gọi hành động đó là 'đáng xấu hổ.'

Vấn đề ngoại thương mới đây lại một lần nữa trở thành tâm điểm của những cuộc tranh luận chính trị ở Mỹ sau khi công ty Ford Motor loan báo là họ sắp khai trương một xưởng nhỏ để lắp ráp xe hơi ở thành phố San Luis Potosi của Mexico. Theo kế hoạch xưởng này sẽ thu dụng 2.800 công nhân vào năm 2020. Tuy không có công ăn việc làm nào ở Mỹ bị dời sang, nhưng ứng viên tổng thống của phe Cộng hoà Donald Trump đã nhanh chóng đả kích công ty Ford về việc mở thêm một công xưởng ở phía nam biên giới và gọi hành động đó là "đáng xấu hổ." Thông tin viên Greg Flakus của đài VOA tại Houston gửi về bài tường thuật.

Sự đả kích của ông Trump nhắm vào công ty Ford mang âm hưởng của những sự chỉ trích mà ông đưa ra hồi tháng Sáu khi loan báo tranh cử. Ông nói rằng ông sẽ báo với ban quản trị công ty Ford là ông sẽ thu hồi biện pháp miễn thuế nhập khẩu trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Ông Trump phát biểu: "Mỗi một chiếc xe hơi và mỗi một chiếc xe tải và mỗi một món phụ tùng sản xuất tại xưởng này, khi nó được đưa qua biên giới vào Mỹ, chúng tôi sẽ bắt các ông đóng 35% thuế."

Tổng thống không có quyền áp đặt thuế suất vi phạm một hiệp định thương mại được thương lượng với các nước khác, được quốc hội phê chuẩn và được một vị tổng thống tiền nhiệm ký kết. Nhưng điều đó dường như không quan trọng đối với những người ủng hộ ông Trump.

Về phía đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của tiểu bang Vermont đã chỉ trích đối thủ của ông, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, về việc hậu thuẫn cho các hiệp định thương mại tự do.

Ông Sanders nói: "Chúng ta phải nâng cao mức sống của công nhân ở đất nước này và trên khắp thế giới. Thương mại là một việc tốt, nhưng nó phải dựa trên những nguyên tắc công bằng."

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của tiểu bang Vermont đã chỉ trích đối thủ của ông, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, về việc hậu thuẫn cho các hiệp định thương mại tự do.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của tiểu bang Vermont đã chỉ trích đối thủ của ông, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, về việc hậu thuẫn cho các hiệp định thương mại tự do.

Về phần mình, bà Clinton đã ngưng ủng hộ Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Tổng thống Barack Obama chủ xướng mà bà từng tán thành khi còn giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao.

Ông Mark Jones, một nhà phân tích chính trị của Đại học Rice, cho biết lời lẽ chống thương mại tự do nhận được sự tán đồng của những người bị mất công ăn việc làm vì những sự thay đổi trong nền kinh tế, những người thất nghiệp và những người lo sợ sẽ bị thất nghiệp.

Ông Jones cho biết: "Ông Sanders và ông Trump đang lợi dụng cái nhìn của một số khá đông người Mỹ là mặc dù tự do thương mại có thể có ích cho nền kinh tế nói chung nhưng nó không tốt cho tình hình của riêng họ."

Ông Jones cho rằng một phần của vấn đề là 5 triệu công ăn việc làm mà các nhà kinh tế cho là do hiệp định NAFTA tạo ra không có dính líu một cách rõ ràng với thương mại tự do, ngay cả đối với những người đang có những việc làm đó.

Ông Jones nhận định: "Rất dễ tìm thấy những người bị mất việc làm vì thương mại tự do, nhưng khó tìm ra những người có được những việc làm do thương mại tự do tạo ra."

Bà Clinton đã ngưng ủng hộ Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Tổng thống Barack Obama chủ xướng mà bà từng tán thành khi còn giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao.
Bà Clinton đã ngưng ủng hộ Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Tổng thống Barack Obama chủ xướng mà bà từng tán thành khi còn giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao.

Ông Tom Long, phó chủ tịch Quỹ Phát triển Kinh tế San Antonio, là một trong những người cho rằng thương mại tự do có ích cho nước Mỹ.

Ông Long nói: "Chúng ta đang sống và làm việc trong một nền kinh tế toàn cầu, cho nên thương mại tự do, theo quan điểm của tôi, làm cho hệ thống thương mại toàn cầu đó trở nên có hiệu suất cao hơn, có hiệu quả nhiều hơn."

Thành phố San Antonio được hưởng lợi một cách trực tiếp từ hiệp định NAFTA vì đây là thành phố lớn nằm gần nhất với cửa khẩu quan trọng ở Laredo. Thành phố này có những mối liên hệ kinh tế và văn hoá lâu đời với Mexico, và theo ông Long, nhờ NAFTA mà những mối liên hệ đó đã trở nên vững mạnh hơn. Ông cũng cho rằng nhờ thái độ cởi mở của San Antonio đối với thương mại tự do mà nhiều công ty Á châu, như công ty xe hơi Toyota, đến đây để lập nhà máy.

VOA Express

XS
SM
MD
LG