Đường dẫn truy cập

Các cường quốc thế giới tìm cách thu hẹp khác biệt tại hội nghị về Syria


Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái), Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria Staffan de Mistura và Ngoại trưởng Hoa Kỳ (phải) phát biểu trong buổi họp báo sau cuộc họp tại Vienna, Áo, ngày 30/10/2015.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái), Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria Staffan de Mistura và Ngoại trưởng Hoa Kỳ (phải) phát biểu trong buổi họp báo sau cuộc họp tại Vienna, Áo, ngày 30/10/2015.

Rối loạn chính trị ở Syria và bạo động do nhóm Nhà nước Hồi giáo gây ra sẽ nằm cao trong chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong lúc ông lên đường công du Tunisia, Áo và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Áo, ông Kerry và các vị ngoại trưởng của những nước khác sẽ tiếp tục tìm kiếm một giải pháp chính trị cho Syria, tiếp theo vòng đàm phán đầu tiên bao gồm Hoa Kỳ, Nga và Ả rập Xê út.

Trong lúc các lực lượng trên bộ của Syria và của những thế lực ngoại quốc tiếp tục giao chiến với nhóm Nhà nước Hồi giáo, và hàng triệu thường dân Syria phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, các cường quốc thế giới đang chuẩn bị nhóm họp một lần nữa để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vụ khủng hoảng Syria.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết Washington đang tìm cách thu hẹp những sự bất đồng với Nga và Iran.

Ông Kerry nói: "Ông Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Zarif và tôi đồng ý với nhau là chúng tôi có ý kiến bất đồng. Lập trường của Hoa Kỳ là không có cách nào mà Tổng thống Assad có thể đoàn kết và cai trị Syria".

Các nhà ngoại giao cũng tìm kiếm những cách thức để giúp đỡ cho người dân Syria.

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura, phát biểu: "Một trong những sự giúp đỡ đó là giảm bớt bạo động. Hay nói một cách khác, phải có một loại hay một hình thức nào đó của sự giảm thiểu xung đột".

Trong khi đó, tại một cuộc họp báo chung với nhà vua của Kuwait, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết các cường quốc thế giới cần phải đồng ý với nhau về một danh sách các tổ chức khủng bố ở Syria, trong khuôn khổ của một kế hoạch rộng lớn hơn để xác định những nhóm chống đối hợp pháp.

Các nhà phân tích cho rằng đó là một việc không dễ dàng. Ông Anthony Cordesman của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết: "Không có một phe chống đối ôn hoà có ý nghĩa. Có những người có một số uy tín nào đó như những người Syria có chủ trương ôn hoà. Phần lớn những người này đang sống lưu vong. Họ không phải là những chiến binh. Họ không đại diện cho phe nhóm nào một cách rõ rệt hay đại diện cho đa số người dân Syria".

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng thành phần tham dự cuộc đàm phán tại Vienna có thể góp phần mang lại tiến bộ cho vấn đề này.

Ông Perry Cammack, một nhà nghiên cứu của Quỹ Hoà bình Quốc tế Carnergie ở Washington, nhận định: "Cuộc đàm phán Vienna tự nó là một căn lều lớn. Cho nên tôi nghĩ rằng chúng ta cần áp dụng nguyên tắc đó cho cả phe chống đối, để qui tụ càng nhiều phe nhóm càng tốt".

Ông Cammack nói thêm rằng cả Washington lẫn Moskova đều nôn nóng muốn có một thoả thuận, nhưng ông không tin là sự mong muốn đó có thể nhanh chóng mang lại kết quả.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG