Đường dẫn truy cập

Miến Ðiện: Bà Suu Kyi gặp giới chức chính phủ


Bộ trưởng Lao Động và An Sinh Xã Hội Aung Kyi (phải) đọc một tuyên bố sau cuộc họp với bà Suu Kyi
Bộ trưởng Lao Động và An Sinh Xã Hội Aung Kyi (phải) đọc một tuyên bố sau cuộc họp với bà Suu Kyi

Lãnh đạo phe dân chủ tại Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, đã gặp một giới chức chính phủ mới lần đầu tiên kể từ khi bà được trả tự do sau thời gian bị giam giữ tại nhà. Cuộc gặp này nêu lên hy vọng về một cuộc đối thoại đều đặn giữa bà và chính phủ do phe quân thống lãnh. Nhưng vẫn có những hoài nghi không biết những cuộc thảo luận này sẽ có dẫn tới cải tổ thật sự hay không.

Bộ trưởng Lao Động và An Sinh Xã Hội Aung Kyi nói rằng ông và nhà lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi đã thảo luận về vấn đề pháp trị, và sự hợp tác để phục vụ quyền lợi của đất nước và nhân dân. Đọc một tuyên bố trước các nhà báo, sau cuộc hội họp hôm thứ Hai, ông Aung Kyi nói rằng cả ông lẫn bà Suu Kyi đều coi cuộc thảo luận này là tích cực và sẽ mở cuộc họp trở lại.

Đây là lần đầu tiên một giới chức chính phủ họp với bà Aung San Suu Kyi kể từ khi bà được phóng thích sau cuộc bầu cử hồi năm ngoái.

Bà đã mưu tìm một cuộc đối thoại với chính phủ để bàn về việc cải thiện thành tích nhân quyền kém cỏi của nước này cũng như những nỗ lực về dân chủ.

Ông Zin Lynn, một phát ngôn viên của chính phủ lưu vong Miến Điện tại Thái Lan, nói rằng có những lo ngại là cuộc họp này, cũng giống như những cuộc họp trong quá khứ, chỉ là để trình diễn. Ông nêu lên trường hợp 2 nhân vật này đã họp với nhau 9 lần khi bà Aung San Suu Kyi còn bị giam giữ tại nhà, mà không thấy có kết quả gì nhiều cả.

Ông nói: “Nếu họ thật sự theo đuổi con đường dân chủ, họ sẽ phải trả tự do cho các tù nhân chính trị .. Họ phải phóng thích các tù nhân chính trị và ngưng các cuộc giao tranh chống lại những người sắc tộc. Và trước hết họ cũng phải cải tổ hệ thống luật pháp và trật tự. Tại Miến Điện, không có luật lệ nào hết."

Cuộc họp vừa kể đã diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hoa Kỳ Hillary Clinton kêu gọi đối thoại giữa hai phía tại hội nghị của khối ASEAN ở Indonesia.

Miến Điện hy vọng sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên của khối ASEAN vào năm 2014. Ông Zin Linn nói rằng có thể chính phủ muốn làm dịu bớt sự chống đối của quốc tế về ý kiến này.

Ông nói: ”Vì lý do áp lực của Hoa Kỳ, và cũng vì có đề nghị của họ với khối ASEAN để được giữ chức vụ chủ tịch luân phiên năm 2014, tôi nghĩ rằng, để vượt qua được những khó khăn như vậy, nên Miến Điện đã tỏ ra có lập trường mềm mỏng trong cuộc thảo luận lần này.”

Mặc dầu có những hoài nghi như thế, người ta đã thấy những dấu hiệu về cải thiện quan hệ giữa chính phủ Miến Điện và bà Aung San Suu Kyi.

Hồi đầu tháng này, các giới chức đã mời bà tới dự một buổi lễ vinh danh thân phụ quá cố của bà, một anh hùng tranh đấu cho nền độc lập của Miến Điện.

Chính phủ dân sự trên danh nghĩa của Miến Điện đã nhậm chức vào tháng Ba sau nhiều thập niên Miến Điện bị quân đội trực tiếp cai trị.

Nhưng cuộc bầu cử hồi tháng 11 đã bị lên án là một trò giả mạo được ngụy trang để quân đội tiếp tục cầm quyền .

Bà Aung San Suu Kyi đã bị cấm không được tham gia và chính phủ đã giải tán Liên Minh Toàn Quốc Đấu Tranh cho Dân chủ, nhóm đối lập lớn nhất, vì nhóm này đã tẩy chay cuộc bầu cử.

Một đảng do quân đội hậu thuẫn đã thắng trong cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi giữa trong lúc có những tin về gian lận bầu cử tràn lan và những vụ hăm dọa cử tri.

Liên Minh Toàn Quốc Đấu Tranh cho Dân chủ đã thắng với đa số áp đảo trong cuộc bầu cử lần trước của Miến Điện vào năm 1980 nhưng quân đội đã từ chối không chịu để cho liên minh lên cầm quyền.

Sau đó chính phủ quân nhân Miến Điện đã bắt giữ các nhà lãnh đạo đối lập, và nhiều người đã bị buộc phải chạy trốn khỏi nước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG