Đường dẫn truy cập

‘Lực lượng khủng khiếp’ của quân đội Miến Ðiện tiến vào cuộc bầu cử


Các chuyên gia cho rằng việc tái tổ chức cùng các động thái chính trị của quân đội Miến Điện mới đây nhằm mục đích bảo đảm là quân lực của nước này sẽ tiếp tục nắm giữ quyền hành sau cuộc bầu cử ngày 7 tháng 11 sắp tới. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben từ Bangkok, các chuyên gia nói rằng quân đội Miến Điện đang cấu trúc cơ sở quyền lực theo đường lối tương tư như Indonesia duới thời cựu tổng thống Suharto hồi thập niên 1960.

Công cuộc tái tổ chức gần đây nhất của quân đội Miến Điện, có liên quan đến hơn 70 sĩ quan cấp cao, là động thái quan trọng lần thứ nhì của các thành viên trong chính phủ quân nhân cầm quyền nước này năm nay.

Hôm 27 tháng 5, nhiều giới chức cấp cao, trong đó có thủ tướng, Tướng Thein Sein, đã hồi hưu chức vụ trong quân đội và dự kiến gia nhập đảng Phát triển và Đoàn kết Liên đoàn được quân đội hậu thuẫn.

Chuyên gia phân tích quốc phòng Carl Thayer, thuộc trường Đại học New South Wales, nói rằng các động thái vừa kể nằm trong khuôn khổ một sách lược rộng lớn hơn của quân lực Miến Điện nhằm củng cố quyền lực trước cuộc bầu cử ngày 7 tháng 11.

Ông Thayer cho biết: “Cuộc cải tổ quan trọng thành phần quân đội đã đuợc tiến hành. Họ sẽ gia nhập Đảng Phát triển và Đoàn kết Liên đoàn, còn gọi tắt là USDP, là tổ chức đã sáp nhập với Hiệp hội Phát triển và Đoàn kết Liên đoàn gồm trên 27 triệu công nhân viên chức. Với sự thành lập của một lực lượng khủng khiếp như thế, và với các hạn chế bầu cử đã được thiết lập và loan báo trong tháng này, tổ chức đó sẽ thẳng tiến và đoạt thắng lợi trong cuộc bầu cử.”

Hơn 40 đảng tham gia cuộc bầu cử. Nhưng đảng đối lập chính là Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ dưới sự lãnh đạo của khôi nguyên giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi đang tẩy chay cuộc bầu cử để phản đối các quy định ngăn cản bà và các đồng chí tham gia bầu cử.

Ông Thayer tin rằng lãnh tụ chính phủ quân nhân, tướng Than Shwe có phần chắc sẽ được bổ nhiệm làm tổng thống sau cuộc bầu cử.

Ông Thayer cũng nói rằng quân đội Miến Điện dường như theo khuôn thức ‘Trật tự mới’ của Indonesia dưới thời cựu tổng thống Suharto hồi thập niên 1960.

Tổng thống Suharto đã đoan chắc là quân đội nắm vai trò trung tâm trong chính phủ và kiểm soát các tổ chức chính trị và xã hội. Trật tự mới này cũng chỉ huy việc đàn áp hữu hiệu những thành phần chống đối.

Các chuyên gia cho rằng ‘trật tự mới’ chugn cuộc sẽ bị phá hoại bởi chủ nghĩa độc tài, tham nhũng và những mưu đồ đã dẫn tới việc mất sự hậu thuẫn dành cho ông Suharto.

Một nữ phát ngôn viên của tổ chức nhân quyền Mạng lưới Thay thế ASEAN, bà Debbie Stodhardt, nói rằng các tổ chức nhân quyền và nhiều nước trong cộng đồng quốc tế đã bác bỏ cuộc bầu cử giả hiệu này. Bà Stodhardt nói rằng cuộc bầu cử nhắm mục đích khoác cho quân đội một lớp vỏ hợp pháp ở trong nước.

Bà Stodhardt nói: “Điều quan trọng là nhận thức rằng chế độ không những chỉ mưu tìm tính hợp pháp quốc tế, mà càng ngày càng rõ là cuộc bầu cử này được tổ chức để cho chế độ có được một mức độ hợp pháp nào đó ngay trong nước. Trong thâm tâm họ muốn chứng tỏ là giới lãnh đạo quân đội đã được bầu lên để lãnh đạo chính phủ.”

Lâu nay, quân đội Miến Điện vẫn nói họ cần phải chế ngự môi trường chính trị vì các phong trào ly khai trong nước. Nhưng một số chính phủ, trong đó có Hoa Kỳ, đã áp đặt các biện pháp chế tài Miến Điện vì các vụ vi phạm nhân quyền và đàn áp chính trị.

Mới đây, Hoa Kỳ đã dành sự ủng hộ cho một cuộc điều tra về những tội ác chiến tranh và các tội ác chống lại nhân loại của quân đội Miến Điện trong những thập niên vừa qua.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG