Đường dẫn truy cập

ASEAN không thể đoàn kết trong phán quyết về Biển Đông


Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 khai mạc ở Vientiane, Lào, Chủ Nhật, 24/7/2016.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 khai mạc ở Vientiane, Lào, Chủ Nhật, 24/7/2016.

Các ngoại trưởng của hiệp hội Đông Nam Á đã không thể nhất trí về vấn đề biển Đông trong một tuyên bố chung của ASEAN, và bộc lộ thêm sự chia rẽ trong khối 10 quốc gia trong khu vực đang có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc.

Đây là cuộc họp mặt đầu tiên của ASEAN sau khi tòa trọng tài quốc tế ở La Haye ra tuyên bố bác bỏ những tuyên bố chủ quyền không có cơ sở của Trung Quốc trên hầu hết biển Đông – nổi bật là đường lưỡi bò 9 đoạn ôm trọn hải lộ chiến lược trung chuyển lượng thương mại toàn cầu trị giá 5.000 tỷ đô la mỗi năm.

Những bất đồng giữa các quốc gia thành viên, chủ yếu là giữa Philippines, Việt Nam – là 2 nước có tuyên bố chủ quyền và lớn tiếng nhất, và Campuchia – là nước có quan hệ rất chặt chẽ với Trung Quốc, theo như nguồn tin của Kyodo từ các nhà ngoại giao có thông tin trực tiếp về những thảo luận kín trong cuộc họp tại Vientiane ở Lào hôm 24/7. Theo các nhà ngoại giao, Campuchia đã kiên quyết yêu cầu các nước thành viên không nhắc tới phán quyết của tòa quốc tế chống lại Trung Quốc trong tuyên bố chung.

Do đó trong thông cáo chung ra ngày 25/7, các ngoại trưởng ASEAN đã tránh không đưa ra những chỉ trích gay gắt về tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc trên biển Đông và không đề cập tới Bắc Kinh. Tuyên bố chỉ nói rằng nhóm “vẫn tiếp tục quan ngại sâu sắc về những tiến triển tiếp tục gần đây” và tái khẳng định “tầm quan trọng của việc duy trì và ủng hộ hòa bình, an ninh, sự ổn định, an toàn và tự do hàng hải trên biển và trên không phận của biển Đông.”

Vào năm 2012, Campuchia – một đồng minh thân cận của Trung Quốc và là nước chủ nhà của hội nghị này tại Phnompenh – cũng đã ngăn cản các nhà lãnh đạo ASEAN ra một tuyên bố chung.

Phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hôm 12/7 trong đó Philippines giành thắng lợi trước Trung Quốc – một quyết định mà Bắc Kinh từ chối công nhận – đã hoàn toàn không được nhắc tới trong tuyên bố chung. Ông John Blaxland, một chuyên viên cao cấp và chuyên gia về an ninh của Trường Đại học Quốc gia Úc, nói với Victor Beattie của VOA rằng cuộc họp không chỉ là một phép thử cho ASEAN mà còn cho cả Trung Quốc.

Chuyên gia này nói các phương diện chính trị, kinh tế và xã hội của ASEAN sẽ tiếp tục nhưng trong một thế yếu hơn. Ông cho rằng tương lai của khối này hiện đang đứng trước rủi ro bởi các mối quan hệ giữa các nước có tuyên bố chủ quyền ngày càng trở nên mong manh hơn và tình thế ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.

Ông Blaxland giải thích thêm rằng trong khi các vấn đề về hàng hải ít được Lào và Campuchia chú ý, thì các thành viên khác của hiệp hội như Việt Nam và Philippines lại có thể tìm cách tăng cường những tuyên bố hàng hải của họ thông qua các mối quan hệ mật thiết với Mỹ và các cường quốc có cùng quan điểm như Nhật, Úc và Ấn Độ.

Trung Quốc đã thể hiện được ảnh hưởng đối với khối ASEAN khi làm cho tuyên bố chung này biểu lộ sự hợp tác của Bắc Kinh trong vấn đề ủng hộ “hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau và tự chủ” về vấn đề biển Đông. Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và các đối tác của khối ASEAN đã nhất trí như vậy trong tuyên bố chung của hội nghị lần thứ 49 của khối.

An ninh và những xung đột trên biển Đông là các vấn đề chính được thảo luận trong hội nghị kéo dài 3 ngày ở Vientiane. Tuyên bố chung ra ngày 25/7 được xem là khúc dạo đầu cho một loạt các thảo luận đến hết ngày 26/7 giữa các thành viên hiệp hội và các đối tác của khu vực bao gồm Trung Quốc, Nhật và Mỹ.

Trong khi đó, tại Bắc Kinh, cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ Susan Rice nói với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm 25/7 rằng Washington sẽ làm việc với Bắc Kinh về các vấn đề và những thách thức này “một cách ngay thẳng và cởi mở.”

Theo Kyodo, Reuters, VOA.

XS
SM
MD
LG