Đường dẫn truy cập

Bộ luật bảo hiểm y tế của TT Obama vấp phải trở ngại pháp lý


Thẩm phán Ruth Bader Ginsburt nói vụ quyết định này có khả năng gây ảnh hưởng sâu rộng, nó sẽ đặt nhân viên không đồng ý với quan điểm tôn giáo của chủ nhân vào một thế bất lợi
Thẩm phán Ruth Bader Ginsburt nói vụ quyết định này có khả năng gây ảnh hưởng sâu rộng, nó sẽ đặt nhân viên không đồng ý với quan điểm tôn giáo của chủ nhân vào một thế bất lợi

Tổng thống Barack Obama vừa vấp phải một trở ngại chính trị và pháp lý do quyết định của Tối cao Pháp viện trong một vụ được theo dõi sát có liên quan đến bộ luật chăm sóc y tế đặc biệt của ông và những tuyên bố về tự do tôn giáo. Thông tín viên VOA Jim Malone ghi nhận chi tiết về tác động chính trị và pháp lý của phán quyết đưa ra hôm nay ở Washington.

Với số phiếu cách biệt xít xao 5 thuận 4 chống, Tối cao Pháp viên tuyên phán rằng một số công ty có lý trong việc viện ra những phản đối về tôn giáo đối với những yêu cầu trong bộ luật bảo hiểm sức khỏe của ông Obama đòi hỏi các doanh nghiệp phải chi trả phí tổn cho các biện pháp ngừa thai khẩn cấp dành cho các nữ nhân viên.

Ða số bảo thủ trong tòa án với 5 thành viên nói rằng phán quyết này giới hạn cho các công ty nhỏ thuộc quyền sở hữu của vài người và chỉ áp dụng cho các điều khoản kiểm soát sinh nở trong bộ luật bảo hiểm y tế. Ý kiến của phe đa số nói rằng không có gì bảo đảm rằng những phản đối về mặt tôn giáo đối với việc tiêm chủng, tiếp máu hay các thủ tục y khoa được bảo hiểm chi trả sẽ được ủng hộ.

Phe bảo thủ ca ngợi phán quyết của tòa án tối cao như một thắng lợi quan trọng về pháp lý và chính trị. Bà Helen Alvare là một giáo sư luật học tại trường Ðại học George Mason ở Virgina. Bà phát biểu tại các bậc thềm của Tối cao Pháp viện.

“Chúng tôi hết sức vui mừng là tòa đã bênh vực quyền tự do tôn giáo. Chúng tôi đặc biệt vui mừng rằng tòa tiếp tục cho phép các gia đình và các doanh nghiệp Mỹ được níu giữ quyền của lương tâm mình. Ðây là một ngày vĩ đại cho cả cánh tả và cánh hữu chính trị bởi vì cho dù chính quyền nào tại chức, thì quyền tự do tôn giáo không thể bị vi phạm.”

4 thẩm phán cấp tiến của Tối cao Pháp viện bất đồng trong vụ này. Thẩm phán Ruth Bader Ginsburt gọi vụ này là “có khả năng gây ảnh hưởng sâu rộng” và nói nó sẽ đặt nhân viên không đồng ý với quan điểm tôn giáo của chủ nhân vào một thế bất lợi.

Sự bất đồng cũng được bày tỏ tại Tòa Bạch Ốc, thông qua phát ngôn viên của Tổng thống, ông Josh Earnest:

“Tổng thống Obama tin rằng phụ nữ nên thực hiện các quyết định về chăm sóc sức khỏe cá nhân của riêng mình thay vì các cấp trên quyết định cho họ. Quyết định hôm nay gây phương hại cho sức khỏe của phụ nữ được các công ty này tuyển dụng.”

Nhiều đoàn thể phụ nữ và các tổ chức tranh đấu cho quyền phá thai lên án phán quyết của Tối cao Pháp viện trong một cú điện đàm hội thoại với các phóng viên. Bà Cecile Richards là chủ tịch của Quỹ Hành động Kế hoạch hóa Gia đình. Bà nói:

“Quyết định này, không phải vô cớ do 5 vị thẩm phán thuộc phái nam này, đề ra một tiền lệ nguy hiểm cho phép các công ty can thiệp vào các quyết định về y tế cho nhân viên vô tình là phụ nữ, và chính phủ nữ sẽ phải trả giá.”

Về mặt pháp lý, phán quyết có thể dẫn đến những đơn kiện khác của các doanh nghiệp chống lại bộ luật bảo hiểm y tế đã được 4 năm tuổi. Cách đây 2 năm, Tối cao Pháp viện đã chuẩn y bộ luật trong một quyết định mà lá phiếu quyết định là của Chánh án John Roberts.

Về mặt chính trị, phán quyết cũng cố cơ may rằng bộ luật bảo hiểm y tế sẽ là một vấn đề hàng đầu trong cuộc bầu cửa quốc hội giữa kỳ năm nay.

Chủ tịch Hạ viện thuộc phe Cộng hòa, ông John Boehner nói phán quyết của Tối cao Pháp viện là “một thất bại nữa” của “các mục tiêu Chính phủ to lớn” của chính quyền Obama.

Các tổ chức nữ quyền nói họ dự định nêu bật phán quyết trong nỗ lực vận động các nữ cử tri đi bỏ phiếu vào tháng 11 để giúp phe Dân chủ giữ được thế đa số tại Thượng viện.

Phe Cộng hòa có lợi thế giữ nguyên hay mở rộng thế đa số ở Hạ viện và các chuyên gia chính trị nói là họ có một cơ may rất tốt là chiếm được 6 ghế cần thiết để lấy lại quyền kiểm soát Thượng viện.

VOA Express

XS
SM
MD
LG