Đường dẫn truy cập

Bỉ hứa cải tổ an ninh để chống chế những lời chỉ trích


Cảnh sát và binh sĩ Bỉ tăng cường tuần tra an ninh ở Brussels, sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Paris tuần rồi, ngày 20/11/2015.
Cảnh sát và binh sĩ Bỉ tăng cường tuần tra an ninh ở Brussels, sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Paris tuần rồi, ngày 20/11/2015.

Chính phủ Bỉ tuần này thú nhận đã để lọt ra ngoài vòng kiểm soát một quận xập xệ ở Brussels có liên hệ tới một loạt những vụ tấn công ở Bỉ và nước láng giềng Pháp, kể cả những vụ vừa xảy ra hôm thứ Sáu tuần trước ở Paris. Nhưng trong khi chính phủ hứa “tảo thanh” khu phố Molenbeek, đó sẽ là một công tác to lớn cho các cơ quan an ninh manh mún và mất tinh thần của nước này.

Và Molenbeek, nơi ít nhất 3 trong những thủ phạm tấn công Paris sinh sống, không phải là khu phố duy nhất có vấn đề.

Bà Roberta Bonazzi thuộc Dự án Chống Cực đoan, một tổ chức phi lợi nhuận, đưa ra lời cảnh báo: “Có nhiều khu phố và thị trấn khác ở Bỉ cũng có những mức độ cao tương tự về cực đoan hóa”. Bà nói sự pha trộn độc hại giữa lòng căm hận của thế hệ di dân thứ hai và thứ ba, tội phạm vặt vãnh và hoạt động thánh chiến đã được để cho mặc sức hoành hành.

Bà nói: “Thái độ của các giai cấp chính trị trong 20 năm qua là đừng can thiệp thì dễ hơn và họ đã chọn phó mặc cho chính quyền địa phương. Ta phải hiểu cơ chế khá phức tạp, và riêng trong khu vực Brussels ta có tới 19 cộng đồng riêng rẽ với các chính quyền địa phương, các thị trưởng và quản lý công an khác nhau, và điều đó đã có tác động khi bàn đến việc tìm cách chống lại tình trạng cực đoan hóa”.

Ủy ban tại Quốc hội Bỉ phụ trách dịch vụ an ninh tuần này đã mở một cuộc điều tra về những thất bại tình báo và thi hành công lực dẫn tới vụ tấn công khủng bố ở Paris, làm 120 người thiệt mạng và 352 người bị thương. Ủy ban sẽ tập trung vào những câu hỏi cắc cớ, tỷ như vì sao các cơ quan an ninh Bỉ không theo dõi gắt gao hơn các phần tử chủ chiến, khi họ đã nhận diện được ít nhất 3 người trong bọn là các phần tử hồi giáo quá khích. Ủy ban cũng sẽ tìm hiểu vì sao dịch vụ an ninh của Bỉ không chia sẻ thông tin về những người này với đối tác Pháp.

Khu vực Molenbeek, ngoại ô Brussels, Bỉ.
Khu vực Molenbeek, ngoại ô Brussels, Bỉ.

Hồi đầu năm 2015, 2 trong 3 anh em Abdeslam dính líu vào âm mưu khủng bố ở Paris đã bị nhà chức trách Bỉ thẩm vấn sau khi một người trong bọn tìm cách đi Syria. Ibrahim Abdeslam, 31 tuổi, người anh lớn đã nổ bom tự sát bên ngoài quán cà phê Comptoir Voltaire ở Paris và điều hành một quán rượu ở Molenbeek, đã chạy xa tới Thổ Nhĩ Kỳ, mà các giới chức Bỉ nói là họ không có đủ lý do để bắt giữ y lúc trở về vì không có bằng chứng y dính líu đến khủng bố.

Tuy nhiên, các giới chức tình báo Bỉ thú nhận với đài VOA rằng họ có biết rằng Ibrahim Abdeslam thường đi Paris trong những tuần lễ trước khi xảy ra những vụ khủng bố hôm thứ Sáu. Cho dù vậy, họ đã không báo động với các cơ quan chống khủng bố của Pháp. Sở an ninh Bỉ cũng đã theo dõi Bilal Hadfi, một trong những thủ phạm tấn công sân vận động Pháp hôm thứ Sáu tuần trước.

Một hồ sơ về Hadfi đã được mở hồi đầu năm nay sau khi y đi Syria, theo một người phát ngôn Bộ Tư pháp. Người Bỉ đã công bố trát bắt quốc tế cho Hadfi, nhưng không rõ được tung tích của y cho đến tuần trước, khi y nổ bom tự sát bên ngoài sân vận động ở Paris.

Trong các cuộc họp khẩn hôm 20/11 tại Brussels, các bộ trưởng nội vụ và tư pháp từ khắp nơi trong Liên hiệp châu Âu thỏa luận cách thức cải tiến chia sẻ thông tin và phối hợp tốt hơn các hoạt động chống khủng bố. Nhưng nhiều sơ suất về an ninh trước các vụ tấn công ở Paris có thể truy nguyên tới Bỉ.

Và sự kiện này nêu ra những vấn đề khó khăn cho người Bỉ - không những về thành tích của các cơ quan tình báo và thi hành công lực, mà còn về cách thức cấu trúc và điều hành, thường là theo đường lối cạnh tranh hơn là hợp tác.

Ảnh các nghi phạm khủng bố của vụ tấn công Paris hôm 13/11/2015.
Ảnh các nghi phạm khủng bố của vụ tấn công Paris hôm 13/11/2015.

Các giới chức Pháp đã đưa ra những nhận định gay gắt trong tuần này về điều họ coi là những thất bại của Bỉ. Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders đã chống chế những lời chỉ trích và trong một cuộc họp báo đã nêu ra rằng tình báo Pháp đã theo dõi Nemmouche Mehdi, 29 tuổi, người Pháp gốc Algeri, nhưng hắn ta vẫn thực hiện được vụ nổ súng ở Viện bảo tàng Do Thái tại Brussels hồi tháng 5 năm 2014.

Nhưng không phải chỉ có người Pháp chê trách về cách thức các cuộc tấn công Paris được hoạch định và âm mưu ở Molenbeek mà an ninh Bỉ không biết tới. Cả các nhà lập pháp Bỉ cũng chỉ trích. Nhà lập pháp đảng Xanh Stefaan Van Hecke nói: “Người ta phải tự hỏi vì sao những người này không bị theo dõi đích đáng”.

Ngay trước khi xảy ra những vụ tấn công hôm thứ Sáu, và những khuyết điểm bị phơi bày trong nỗ lực chống khủng bố của Bỉ, tình trạng thiếu phối hợp giữa các lực lượng cảnh sát địa phương, cảnh sát liên bang và an ninh quốc gia là một bí mật công khai. Chỉ vài tuần trước, một trưởng ngành an ninh sắp rời chức giám sát một cơ quan phối hợp tình báo đã công khai ta thán về cách thức chia sẻ và phân tích tình báo.

Bà Bonazzi thuộc Dự án Chống Cực đoan, nói: “Trở ngại thứ nhất là rào cản ngôn ngữ. Mọi công chức đều được yêu cầu nói được tiếng Pháp và Hà Lan, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Rồi ta lại có tình trạng đối đầu và không tin cậy giữa các cộng đồng ngôn ngữ, và thông tin không phải luôn luôn được trao đổi và thấu hiểu giữa các cơ quan nói tiếng Pháp và tiếng Flamand”.

Hôm thứ Năm, Thủ tướng Bỉ Charles Michel cam kết thực hiện một cuộc trấn áp an ninh và dành thêm 427 triệu đôla tài trợ cho các cơ quan an ninh. Chính ông cũng đáp lại lời chỉ trích của Pháp về nỗ lực chống khủng bố của Bỉ.

Ông nói với quốc hội: “Tôi không chấp nhận lời chỉ trích tìm cách bêu riếu dịch vụ an ninh của chúng tôi, hiện đang làm một công tác khó khăn và gay go”. Nhưng ông đã hứa tu chính các luật lệ để có thể bỏ tù các chiến binh từ Syria trở về, và để đề xuất các biện pháp cho phép chính quyền cấm đoán các giáo sĩ rao giảng thù hận, đóng cửa các đền thờ Hồi giáo không đăng ký hoạt động, và mở các cuộc bố ráp vào bất cứ giờ nào trong ngày. Hiện các cuộc lục soát tư gia chỉ được phép tiến hành từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối.

Tuy nhiên, giới chỉ trích nói sau một cuộc nổ súng giữa cảnh sát và phần tử thánh chiến ở thị trấn Verviers ở miền đông nước Bỉ hồi tháng 1 năm ngoái, chính phủ đã loan báo một loạt các biện pháp mới và hứa tuyển mộ thêm nhân viên an ninh nhà nước, nhưng không thực hiện đến nơi đến chốn.

Trong tình trạng Bỉ rõ ràng là tiền trường cho khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở bắc Âu, chính phủ không có được thời gian cần thiết. Bà Roberta Bonazzi thuộc Dự án Chống Cực đoan cho rằng các phần tử thánh chiến chọn Molenbeek bởi vì có những mạng lưới tội phạm vững mạnh ở đó tham gia vào việc buôn bán ma túy và rửa tiền, và bởi vì địa điểm quá thuận tiện.

Bà nói: “Khu này nằm cách các cơ sở EU và chính quyền trung ương ở trung tâm Brussels có 4 trạm xe điện ngầm. Chỉ cần 1 tiếng rưỡi đồng hồ là có thể đến Paris, 2 tiếng đồng hồ là đến Cologne hay Amsterdam”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG