Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo G-20 cam kết ấn định thời biểu tiết giảm thâm hụt ngân sách


Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Toronto, Canada đồng ý rằng các nước công nghiệp hóa tiên tiến nhất thế giới nên tiết giảm thâm hụt ngân sách xuống một nửa trong vòng 3 năm, và áp dụng thêm các biện pháp cắt giảm nợ nần so với sản lượng kinh tế trước năm 2016.

Nhóm G-20, gồm các cường quốc công nghiệp hóa lớn thuộc nhóm G-8 cộng với các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ, đã đồng ý về một thời biểu cụ thể để tiết giảm thâm hụt ngân sách trong khi dành cho các chính phủ sự cơ động để điều chỉnh tiến độ thay đổi dựa vào tình hình riêng của từng nước.

Một kế hoạch do nước chủ nhà Canada đề xuất muốn các nước tiên tiến nhất cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống một nửa trước năm 2013. Đến năm 2016, thì các chính phủ được yêu cầu ổn định hóa hoặc cắt giảm tỷ lệ nợ nần so với tổng sản phẩm quốc dân, tức trị giá của tất cả hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia.

Thủ tướng Canada Stephen Harper, người đã tuyên bố trong phát biểu khai mạc hội nghị rằng các quốc gia đang đứng trước một tình hình rất gay go về kinh tế, nêu ra rằng tuyên ngôn của khối G-20 có dự phòng cho các biện pháp kích hoạt liên tục và các bước nhằm kéo thấp mức nợ nần xuống.

Ông Harper nói: “Tất cả các nhà lãnh đạo đều thừa nhận rằng củng cố và tập hợp tài chính tự thân không phải là một mục tiêu. Sẽ có một vai trò tiếp nối cho các biện pháp kích hoạt đang diễn tiến trong đoản kỳ, trong khi chúng ta khai triển khung sườn cho sự tăng trưởng mạnh, bền vững và quân bình.”

Bản tuyên ngôn gọi sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tính đến nay vẫn còn mong manh và chưa đồng đều, với tỷ lệ thất nghiệp còn ở mức cao không thể chấp nhận được tại nhiều nước. Bản tuyên ngôn nói rằng các biện pháp kích hoạt tài chính và tiền tệ được phối hợp toàn cầu chưa từng có từ trước đến nay đóng một vai trò quan trọng trong việc góp phần phục hồi nhu cầu và cho vay tiền trong khu vực tư nhân.

Nói rằng vẫn còn những thách thức nghiêm trọng, các nhà lãnh đạo G-20 thừa nhận các rủi ro đối với việc phục hồi từ sự điều chỉnh tài chính rộng khắp trong nhiều nền kinh tế lớn. Nhưng họ thêm rằng nếu không thực thi được sự củng cố tài chính ở những khu vực cần thiết thì có thể gây phương hại đến lòng tin và ngăn trở sự tăng trưởng.

Tổng thống Barack Obama và các giới chức khác của Hoa Kỳ đã tranh luận rất gắt gao tại hội nghị thượng đỉnh, chống lại bất cứ biện pháp nào kéo chậm sớm mức chi của chính phủ để kích hoạt vì cho rằng sự kiện này có thể gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu lần thứ nhì.

Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Tổng thống Hoa Kỳ được hỏi về những chia rẽ trong vấn đề này. Ông nói rằng bản tuyên ngôn phản ánh các chính sách mà Hoa Kỳ đã quảng bá và đề cập đến một loạt các nhu cầu.

Ông Obama phát biểu: “Ở mỗi nước, điều chúng ta phải thừa nhận là sự phục hồi vẫn còn mong manh, rằng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để sự phục hồi được bền vững. Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng nếu các thị trường không ổn định và không có sự tin tưởng rằng chúng ta có thể giải quyết những vấn đề gay go về nợ nần và thâm hụt trung và dài hạn, thì điều đó cũng sẽ gây phương hại đến sự phục hồi của chúng ta.”

Tổng thống Hoa Kỳ nói bản tuyên ngôn chứng tỏ các nước G-20 có thể san bằng cách biệt và phối hợp các đường lối trong khi tiếp tục tập trung và sự tăng trưởng bền vững đã đem lại công ăn việc làm cho dân chúng và mở rộng sự thịnh vượng.

Tuyên ngôn G-20 thừa nhận các mối quan ngại của Hoa Kỳ và nói rằng sự phục hồi kinh tế bền vững đòi hỏi các quốc gia phải tuân thủ thực hiện các kế hoạch kích hoạt hiện hữu, trong khi cố gắng kiến tạo các điều kiện cho nhu cầu vững mạnh của khu vực tư nhân.

Về những vấn đề then chốt khác, các quốc gia Aâu châu như Anh, Pháp và Đức đã không tranh thủ được thỏa thuận của G-20 về các sắc thuế mới đánh vào các ngân hàng trong khuôn khổ các nỗ lực nhằm ngăn tránh việc giao dịch liều lĩnh quá mức có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính khác. Tuyên ngôn để cho các thành viên riêng rẽ tự quyết định về khoản thuế đó.

Về những vấn đề gây quan ngại cho các nước nghèo nhất, G-20 nói rằng thu ngắn khoảng cách biệt về phát triển và giảm nghèo là điều cấp thiết cho một mục tiêu rộng lớn hơn là đạt được một sự tăng trưởng vững, bền và quân bình.

Trong các cuộc họp song phương cuối cùng tại hội nghị G-20, hôm chủ nhật ông Obama đã gặp Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono của Indonesia, Thủ tướng Manmohan Singh của Ấn Độ, và Thủ tướng Naoto Kan của Nhật Bản.

Sau cuộc họp G-20, Tổng thống Obama trở về Washington, nơi ông sẽ chờ Quốc hội đưa ra chấp thuận chung quyết cho dự luật áp dụng các luật lệ mới đối với hệ thống tài chính của Hoa Kỳ.

Các nhà lãnh đạo G-20 cho biết họ trông đợi kỳ họp tới ở Seoul, Nam Triều Tiên vào tháng 11 và năm tới tại Pháp. Mexico sẽ đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của khối G-20 vào năm 2012.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG