Đường dẫn truy cập

Tham nhũng trong hợp đồng đóng tàu tuần duyên Australia-Philippines


Báo chí Australia tiết lộ cáo buộc tham nhũng hợp đồng đóng tàu tuần duyên với Philippines, trong khi tòa án Melbourne tiếp tục xét xử vụ hối lộ in tiền nhựa Polymer tại Việt Nam.

Hôm qua, thứ Hai 24 tháng 9, hai nhật báo lớn trong Tổ hợp Truyền Thông Fairfax Media Australia – là The Sydney Morning Herald và The Melbourne Age – lại tiết lộ cáo buộc tham nhũng trong hợp đồng đóng tàu tuần duyên với Philippines.

Đây là vụ tham nhũng lớn thứ nhì, có thể làm mất uy tín của chính phủ Australia, trong khi 8 cựu viên chức Úc có quan hệ đến các vụ hối lộ để tranh thủ hợp đồng in tiền nhựa Polymer ở nước ngoài – kể cả Việt Nam – đang bị truy tố trước tòa án hình sự ở Melbourne.

Trong xã hội dân sự Australia, các cơ quan truyền thông hoàn toàn độc lập với chính quyền và có sức mạnh đáng kể trong việc phanh phui những sai trái của chính phủ và viên chức chính phủ các cấp.

Trong vụ tham nhũng in tiền nhựa polymer qua hợp đồng với Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam và các nơi khác trên thế giới, hai ký giả Richard Baker và Nick McKenzie thuộc Toán Nhà Báo Điều Tra (Investigative Unit) của Tổ Hợp Truyền Thông Fairfax, đã phát hiện những cáo buộc tham nhũng ở nước ngoài, kể cả tại Việt Nam, từ tháng 5 năm 2009 và những tiết lộ trên báo chí đã dẫn đến cuộc điều tra chính thức của Cảnh sát liên bang Australia.

Tuy nhiên, trong vụ đóng tàu tuần duyên qua hợp đồng với chính phủ Philippines, cảnh sát liên bang Úc đã tiếp nhận nguồn tin từ một công ty nước ngoài và đã mở cuộc điều tra mật từ nhiều tháng nay. Hai ký giả Richard Baker và Nick McKenzie đã sử dụng một phương tiện săn tin khác trong thể chế tự do dân chủ là yêu cầu giới chức thẩm quyền phổ biến những tài liệu liên hệ đến những cáo buộc này, chiếu theo Luật Liên Bang về Tự Do Thông Tin (Freedom of Information Act).

Sở dĩ vấn đề hối lộ viên chức nước ngoài trong việc tranh thủ hợp đồng thương mại là quan trọng đối với Australia, vì Australia tôn trọng nghĩa vụ pháp lý đối với các công ước quốc tế chống tham nhũng mà Australia đã là thành viên kết ước. Đó la Công Ước Chống Hối Lộ của tổ chức OECD [OECD Anti-Bribery Convention] được ký hồi năm 1997 và có hiệu lực kể từ năm 1999. Công Ước này có 39 thành viên kết ước mà mục tiêu chính nhằm giảm hẳn tệ nạn tham nhũng tại những quốc gia đang mở mang như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và The Philippines.

Văn kiện pháp lý thứ nhì là Công Ước Liên Hiệp Quốc Chống Tham Nhũng gọi tắt là UNCAC [United Nations Convention Against Corruption] được ký hồi năm 2003 và hiện nay có 161 thành viên kết ước đã phê chuẩn, 11 quốc gia đã ký kết nhưng chưa phê chuẩn và 5 nước chưa ký kết, kể cả Bắc Triều Tiên ở Châu Á và Somalia ở Châu Phi.

Australia đã ký Công Ước UNCAC hồi tháng 12 năm 2003 và phê chuẩn hồi tháng 12 năm 2005. Philippines và Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng đã ký Công Ước này hồi tháng 12 năm 2003 và phê chuẩn hồi tháng 11 năm 2006 và tháng 8 năm 2009.

Sau khi được Quốc Hội liên bang ở Canberra phê chuẩn, Luật quốc tế chống hối lộ và tham nhũng trở thành luật quốc nội tại Australia. Cơ sở pháp lý các cuộc điều tra của Cảnh Sát Liên Bang Úc và truy tố trước tòa án tại Úc là luật Hình sự liên bang như đã được tu chính theo các công ước quốc tế nói trên.

Cũng như trong vụ hối lộ hợp đồng in tiền nhựa polymer, các bước hối lộ hợp đồng đóng tàu tuần duyên với Philippines dính líu nhiều viên chức hoặc cựu viên chức phụ vụ trong ngành Hải Quân, Bộ Ngoại Giao và Thương Mại (DFAT) và tổ chức khuyến mại Austrade của chính phủ liên bang Australia.

Theo cáo buộc trên báo Sydney Morning Herald và The Melbourne Age, căn cứ vào những công điện ngoại giao mật và nay đã được giải mã, nhiều viên chức chính phủ Úc đã liên hệ đến hợp đồng trị giá 150 triệu đô la giữa công ty Tenix và Philippines trong việc đóng 6 chiếc tàu tuần duyên. Chính phủ Úc đã bảo đảm cho hợp đồng này và đã cho Philippines vay nhẹ (soft loan) để thỏa hiệp thương mại được hoàn tất.

Tenix là công ty hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng lớn nhất của Úc trước khi Tenix được bán cho một công ty Anh Quốc (BAE Systems) với giá 775 triệu đô la hồi năm 2008. Chính công ty chủ nhân mới này đã cảnh báo hồi năm 2009 với giới chức thẩm quyền Australia về những nghi vấn hối lôi trong hợp đồng với Philippines.

Cảnh sát liên bang Úc đã bố ráp vài cơ sở và tư gia của một số cựu viên chức Tenix cũng như thẩm vấn các viên chức của Austrade đã từng phục vụ tại Đại sứ quán Úc ở Manila từ thập niên 1990. Các khoản tiền chi trả đang bị kiểm tra gồm nhiều triệu đô la chuyển đến ông Romela Bengzon, một luật sư có nhiều quan hệ chính giới tại Manila, kể cả những người chung quanh Tổng thống Arroyo lúc bấy giờ, và cũng là một giám đốc của chi nhánh công ty Tenix tại Philippines.

Một chính trị gia khác, ông Roilo Golez còn cáo buộc rằng ông đã bác đề nghị của Tenix nhằm chi trả cho ông hàng trăm ngàn đô la phí tổn tranh cử. Tuy nhiên, hồi đầu năm nay, chủ nhân cũ của Tenix đã khẳng định là một cuộc điều tra nội bộ cho thấy công ty Tenix đã không có hành vi gì sai trái trong hợp đồng đóng tàu với Philippines.

Vào năm 2003 và 2004, công ty Tenix đã chuyển giao cho Philippines bốn chiếc tàu cứu hộ (search and rescue vessels) dài 35 mét và hai chiếc dài 56 mét, nhưng Philippines vẫn chậm trễ trong việc hoàn trả ngắn khoản vay mượn 109 triệu đô la mà Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc đã bảo đảm.

Cũng theo các công điện được giải mật, vào tháng 4 năm 2005, Đại sứ Australia tại Manila đã hội kiến với Bộ trưởng Giao thông Philippines và được biết rằng hợp đồng đặt hàng nguyên thủy cho sáu chiếc tàu tuần duyên và cứu hộ “đã không được chuẩn chi theo ngân sách quốc gia và không được Quốc hội tại Manila chấp thuận.”

Giới chức thẩm quyền tại Australia từ chối xác nhận ngân khoản mà Philippines còn thiếu, nhưng vào năm 2007, số tiền này được ước tính là khoảng 100 triệu đô la.

Vào năm 2008, Quốc hội Philippines thông qua Luật cấm đoán chính phủ trả tiền lời trên số nợ còn thiếu vì hợp đồng thương mại đóng tàu bị coi là “không minh bạch, phung phí hoặc vô ích.”

Cuộc điều tra của cảnh sát liên bang Úc còn tiếp tục, nhưng khác với vụ tai tiếng hội lộ in tiền polymer tại Việt Nam và các nước khác, cho đến nay chưa ai bị truy tố hình sự trong vụ hợp đồng Tenix đóng tàu tuần duyên cho Philippines.

Trong vụ tai tiếng hợp đồng in tiền polymer tại Việt Nam, vấn đề không những bao gồm các cáo buộc hối lộ hàng chục triệu đô la cho viên chức Bộ Công an mà báo chí của tổ hợp truyền thông Fairfax nhận diện là Đại tá tình báo Lương Ngọc Anh, mà còn có những tình tiết li kì khác qua liên hệ tình ái cá nhân giữa nhà ngoại giao Úc, cô Elizabeth Masamune, lúc bấy giờ đảm nhiệm chức vụ quan trọng là Trưởng Ủy viên Thương mại (Senior Trade Commissioner) tại Đại sứ quán Úc ở Hà Nội và ông Lương Ngọc Ánh.

Tám cựu viên chức chịu trách nhiệm, trước kia phục vụ trong công ty Securency và Note Printing Australia (gọi tắt là NPA), là hai công ty con do Ngân hàng Trữ Kim Úc RBA lập nên để khai thác thương mại phát minh tiền nhựa polymer của RBA, đang bị truy tố trước tòa án hình sự ở Melbourne. Cho đến nay, chính phủ liên bang Úc từ chối mở cuộc điều tra, với lý do là vấn đề đang nằm trong tay cảnh sát liên bang và đang được tòa án thụ lý.

Tuy nhiên, công luận dần dần trở nên bất lợi cho Ngân Hàng Trữ Kim RBA và đặc biệt là Thống đốc Glenn Stevens. Nhật báo Sydney Morning Herald đã bình luận là đến lúc chính phủ cần thiết lập một cuộc điều tra tư pháp để làm sáng tỏ vai trò của RBA và giới lãnh đạo RBA trong vụ tai tiếng tiền nhựa polymer. Chính phủ Julia Gillard vẫn tiếp tục từ chối mở cuộc điều tra tư pháp, nhưng Thống đốc RBA Glenn Stevens sẽ phải trình diễn trước Liên Ủy – ban Quốc hội ngày 4 tháng 10 sắp tới để điều trần về những cáo buộc hành vi tham nhũng của công ty Securency và NPA.

Trong cả hai vụ tai tiếng nói trên, các hành vi tham nhũng, nếu có, là để đem lại thương vụ cho các công ty Úc, với sự giúp đỡ của tổ chức khuyến mại của chính phủ Úc là Austrade, chứ không đem lại lợi nhuận riêng tư gì cho các cá nhân viên chức chịu trách nhiệm.

Ngọc Hân tường trình từ Sydney, Australia.

VOA Express

XS
SM
MD
LG