Đường dẫn truy cập

Phát triển nhanh chóng tại Bali có nguy cơ mất hấp dẫn cho đảo này


Du khách ngắm hoàng hôn trên bãi biển ở đảo Bali
Du khách ngắm hoàng hôn trên bãi biển ở đảo Bali

Hòn đảo Bali của Indonesia với phong cảnh nên thơ là nơi Hội nghị thượng đỉnh Đông Á sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm nay; theo dự kiến Tổng thống Barack Obama sẽ đến tham dự. Địa điểm du lịch hàng đầu của nước này đang tìm cách kinh doanh lớn về ngành du lịch sau một thập niên khó khăn do hai vụ khủng bố tấn công và bệnh dịch SARS lẫn cúm gia cầm. Nhưng hiện nay người ta đang lo ngại là thành công của Bali lại đi kèm theo với tình trạng phát triển quá mức.

Trong làng Kendran, ở ngay giữa đảo Bali, khung cảnh đều một màu xanh ngắt. Những cây mạ non nhú lên ở những thửa ruộng bậc thang. Những bụi chuối chen nhau dọc theo một con đường. Những khu vườn đầy bóng mát trang hoàng cho lối vào những ngôi đền và nhà cửa của người dân. Nhưng cho dù bề ngoài trông xanh tươi như vậy, ngôi làng này gặp tình trạng thiếu nước.

Ông Made Ruta, một trong những nông dân trồng lúa, giải thích rằng nhà máy nước PDAM của chính phủ sở hữu 2 trong số 3 nguồn nước tọa lạc trên đất làng.

Ông cho biết chính phủ địa phương đòi phải dành ưu tiên cấp nước cho thị trấn du lịch Ubud ở gần đó, vì vậy theo ông, trong 5 năm qua không có đủ nước trong mùa khô để dẫn vào các ruộng lúa.

Chuyên gia về môi trường Wayan Gendo Suarna, chủ tịch của tổ chức phi chính phủ Walhi đặc trách Bali, cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng vì thiếu nước đang có nguy cơ xảy đến.

Ông Wayan cho biết mặc dù là mức tiêu thụ cao nhất ở phía nam đảo Bali, là nơi tập trung đông đảo du khách, ở đó lại không có nguồn nước.

Giờ đây tình trạng thiếu nước đang diễn ra tại vùng quê và nơi vùng núi phía bắc, gần các nguồn nước. Ông cho biết chính sách địa phương chỉ định là ngành du lịch, đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế của hòn đảo, cần phải được ưu tiên hơn là các nông gia trồng lúa.

Ông Bayu Susila, giám đốc tổ chức phi chính phủ Bali Fokus, cho biết người dân ở khắp đảo Bali đều cảm nhận thấy điều này. Ông nói:

“Trong làng tôi, tất cả những người trẻ đều làm việc ở thành phố. Chỉ có những người già cả, thế hệ lớn tuổi mới sống ở làng quê. Chỉ khi nào lễ tết họ mới trở về làng một, hai hay ba ngày rồi lại trở về thành phố nơi đời sống tốt đẹp hơn. Điều này ảnh hưởng đến lối sống của chúng tôi.”

Nền văn hóa Ấn giáo và lối sống đặc thù lấy nông nghiệp làm căn bản là điểm hấp dẫn nhất đối với du khách. Vì vậy ông Bayu cảnh báo nếu để cho nếp sống cổ truyền bị mai một, nó sẽ mang đến những hậu quả tai hại.

Ông nói: ”Là một người dân đảo Bali, tôi không muốn thấy những nhà đầu tư mới đến đây. Tôi đề nghị: quí vị làm ơn mang vốn đầu tư đi chỗ khác, đến các tỉnh khác và khuếch trương ở đấy. Quí vị càng đem tư bản đến đây đầu tư bao nhiêu lại càng có nhiều người đổ đến Bali, rồi chúng tôi sẽ chết cứng. Một khi không còn truyền thống địa phương nữa thì ai cần để ý?"

Bali là một đảo nhỏ, cỡ tiểu bang nhỏ tí teo Rhode Island của nước Mỹ. Với hơn 3 triệu 500 ngàn cư dân và chừng 2 triệu du khách mỗi năm, các giới chức cho hay Bali đã quá chật chội.

Nhưng trước mắt không có chỉ dấu nào cho thấy chính phủ sẽ áp đặt lệnh ngưng phát triển. Một trung tâm đồ sộ dùng để tổ chức hội nghị được dự tính xây trong nay mai để phục vụ cho hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2013.

Nhiều dự án lớn khác cũng rải rác khắp phía nam của đảo này. Một hệ thống lớn chuyên xây cất các nơi nghỉ mát đang xây khu sang trọng Nusa Dua trên bãi biển Geger.

Ngành du lịch thành công đã biến Bali thành một trong những tỉnh giàu nhất ở Indonesia. Mặc dù ít cư dân Bali muốn kìm hãm lại nhịp độ phát triển, một số lo ngại mức phát triển rồi ra sẽ lấn át mất vẻ đẹp thiên nhiên, yếu tố tố nguyên thủy thu hút du khách đến đảo này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG