Đường dẫn truy cập

Indonesia xác nhận quan chức Việt tới đảo Natuna giáp biển Đông


Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) đi trên boong tàu Hải quân Indonesia KRI Imam Bonjol cùng một số thành viên trong nội các của ông, ở Natuna, Indonesia, 23/6/2016.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) đi trên boong tàu Hải quân Indonesia KRI Imam Bonjol cùng một số thành viên trong nội các của ông, ở Natuna, Indonesia, 23/6/2016.

Indonesia cho biết rằng một thứ trưởng của Việt Nam thăm Natuna, nơi từng bùng ra căng thẳng giữa Jakarta với Trung Quốc, khiến Tổng thống Widodo phải lên tàu chiến để thị uy.

Bộ trưởng phụ trách Ngư nghiệp và Hàng hải của Indonesia, Susi Pudjiastuti, mới cho VOA Việt Ngữ biết rằng Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Vũ Văn Tám tới thăm quần đảo tiền tiêu nằm tiếp giáp với biển Đông ở quốc gia Đông Nam Á này.

Ông Tám công du tới Indonesia giữa tháng trước, và tin cho hay, đôi bên đã soạn biên bản ghi nhớ mà dự kiến sẽ được ký vào giữa tháng này tại Jakarta, trong đó có việc “thiết lập đường dây nóng để xử lý các vụ việc đột xuất xảy ra trên biển”.

Khi được hỏi về tầm quan trọng của quan hệ hàng hải giữa Indonesia và Việt Nam, bà Pudjiastuti nói rằng “đây là sự hợp tác hết sức chiến lược”.

Quan chức phụ trách về ngư nghiệp của Việt Nam tới Natuna ít lâu sau khi Tổng thống Indonesia cùng các quan chức an ninh, ngoại giao và quốc phòng đi thị sát quần đảo hẻo lánh, đồng thời họp nội các ngoài khơi nơi này nhằm chuyển thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh sau khi xảy ra va chạm trên biển giữa tàu Indonesia và Trung Quốc.

Chuyến thăm ngắn ngày của ông Tám diễn ra trong bối cảnh chính quyền quốc gia cùng nằm trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á bắt giữ rồi đánh chìm nhiều tàu thuyền của Việt Nam bị cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng lãnh hải của Indonesia.

Theo tin báo chí của cả hai nước, đây cũng là một trong những chủ đề chính được mang ra thảo luận.

Nữ Bộ trưởng của Indonesia nói với VOA Việt Ngữ:

“Chúng tôi mới vừa thả khoảng 200 ngư dân. Những người vẫn còn bị giữ mới bị bắt. Chúng tôi đã phóng thích tất cả những người đã bị bắt giữ trước đó”.

Bà Pudjiastuti nói thêm rằng việc đánh đắm các tàu nước ngoài “hết sức hiệu quả trong việc ngăn chặn hàng trăm tàu bè khỏi lãnh hải của chúng tôi”, nhấn mạnh rằng “đây là cách tốt nhất”.

Indonesia sẽ đánh đắm nhiều tàu của Việt Nam
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:30 0:00

Trao đổi với VOA Việt Ngữ, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá, xác nhận rằng 228 người đã trở về Việt Nam từ tuần trước trên tàu của lực lượng kiểm ngư Việt Nam.

Quan chức này nói thêm:

“Việc ngư dân ra nước ngoài đánh bắt là một điều đáng tiếc, nhưng vẫn phải hỗ trợ để cho bà con ngư dân trở về có cuộc sống bình thường, nhưng khó lòng mà bình thường được bởi vì vi phạm luật pháp của nước khác thì như vậy là đã bị tịch thu tàu bè hết rồi, tài sản cũng mất hết. Hội chúng tôi động viên bà con về thì tương thân tương ái thế thôi. Còn ở dưới địa phương ai ở nghiệp đoàn, hội nghề cá, các chỗ đấy người ta giúp đỡ cụ thể gì thì tôi chưa nắm được”.

Ông Thắng nhận định thêm rằng việc đánh bắt trái phép của các ngư dân Việt Nam mang tính “tự phát”, và chưa xác định được rằng đó là “việc làm có hệ thống”.

Thành viên cấp cao của tổ chức bảo vệ ngư dân này nói rằng “chúng tôi luôn luôn vận động cho bà con ngư dân, tuyên truyền cho bà con ngư dân, kiến thức biển, luật pháp của biển Việt Nam cũng như luật pháp biển của các nước lân cận”.

Không chỉ Indonesia, mà nhiều nước như Philippines, Thái Lan, Palau hay thậm chí Australia thời gian qua đã bắt nhiều ngư dân Việt, sau khi cáo buộc họ đánh bắt hải sản trái phép.

Khi được hỏi ý kiến về những nhận định trên mạng rằng “chính việc Trung Quốc ngăn chặn đánh bắt ở vùng biển truyền thống của Việt Nam trên biển Đông, nên ngư dân Việt phải đi các vùng biển của nước khác để đánh bắt”, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nói:

“Có thể có nhiều người suy nghĩ như thế này, như thế nọ. Còn đối với phía chúng tôi vẫn khẳng định rằng vùng biển một triệu km vuông đặc quyền kinh tế của chúng tôi vẫn được đảm bảo để bà con ngư dân đánh bắt. Các cơ quan chấp pháp của chúng tôi như là kiểm ngư, hải quân cũng như bộ đội biên phòng thì luôn luôn cố gắng hiện diện để bảo vệ ngư trường truyền thống của bà con. Chúng tôi cũng tổ chức đoàn đội để giữ vững ngư trường của mình, cũng không để đến nỗi có một suy nghĩ như thế. Còn những việc tàu bè Trung Quốc va đập, húc tàu của Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa của Việt Nam thì có chứ không phải không, nhưng không thể nào làm bà con ngư dân chùn bước, không đánh bắt ở vùng biển của mình”.

Tháng trước, Indonesia kỷ niệm Lễ Độc lập bằng việc đánh đắm hơn 60 tàu cá nước ngoài, trong đó có của người Việt, bị chặn bắt ngoài khơi đảo Natuna vì bị cáo buộc hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của Indonesia.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, “tại đảo Natuna, đoàn đã dự lễ kỷ niệm Ngày độc lập lần thứ 71 của Indonesia”, tuy nhiên, bản tin này không đề cập tới việc nước này mạnh tay với tài sản của ngư dân Việt.

Trước đó, Bộ Ngoại giao từ Hà Nội đã “bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc lực lượng chức năng Indonesia đánh chìm một số tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển của Indonesia", và kêu gọi chính quyền Jakarta xử lý ngư dân Việt vi phạm lãnh hải của Indonesia “trên tinh thần nhân đạo và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, cùng là thành viên của ASEAN”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG