Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên cảnh cáo các cuộc tập trận Mỹ-Hàn


Đại sứ Ji Jae Ryong tại một cuộc họp báo hiếm có ở Bắc Kinh, ngày 29/1/2014.
Đại sứ Ji Jae Ryong tại một cuộc họp báo hiếm có ở Bắc Kinh, ngày 29/1/2014.
Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo hiếm có để lên tiếng cảnh cáo Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ chớ tiến hành những cuộc tập trận chung trên bán đảo Triều Tiên. Từ Bắc Kinh, các thông tín viên đài VOA gởi về bài tường thuật chi tiết sau đây.

Đại sứ Ji Jae Ryong nói với các ký giả được chọn lọc tại cuộc họp báo hiếm có ở Bắc Kinh rằng Bình Nhưỡng quyết tâm theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa. Nhưng ông nói rằng nước ông muốn Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên thỏa hiệp về những cuộc tập trận chung hàng năm. Năm ngoái, những cuộc thao dượt này đã làm bùng ra những mối căng thẳng và những lời đe dọa về chiến tranh hạt nhân từ Bình Nhưỡng.

Sau đây là phát biểu của nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Triều Tiên tại Bắc Kinh.

"Lần này, chúng tôi một lần nữa đề nghị Nam Triều Tiên lập tức ngưng chỉ tất cả những hành động quân sự thù nghịch mà họ thực hiện chung với các cường quốc nước ngoài để chống lại đồng bào của mình. Trước tình hình này, tôi yêu cầu Nam Triều Tiên thực hiện một quyết định chính trị để chấm dứt những cuộc tập trận hàng năm mà họ gọi là có tính chất phòng vệ, như các cuộc diễn tập Key Resolve và Foal Eagles bắt đầu từ cuối tháng hai."

Washington và Seoul cho biết các cuộc thao dượt chung, nằm trong những cuộc tập trận lớn mà hai nước thực hiện mỗi năm, sẽ được tiến hành như kế hoạch đã định.

Bắc Triều Tiên thường xuyên lên án những cuộc thao dượt diễn ra vào khoảng tháng 3 mỗi năm là phần dạo đầu của một cuộc xâm lăng. Seoul và Washington cho rằng những chương trình này chủ yếu là nhắm vào việc tăng cường khả năng phòng vệ.

Ông Lữ Siêu, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Triều Tiên của Viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh ở Trung Quốc, nói rằng cuộc họp báo hôm nay là một cách để Bình Nhưỡng khuyếch đại lời cảnh báo của họ đối với các cuộc tập trận.

"Những tuyên bố của Ủy ban Quốc phòng có trọng lượng nhiều hơn ở Bắc Triều Tiên. Vào thời điểm này, Nam Triều Tiên chưa có đáp ứng tích cực đối với đề nghị của Triều Tiên cho nên miền bắc muốn thu hút thêm sự chú ý của công chúng đối với vấn đề này."

Bắc Triều Tiên thường đưa ra những tuyên bố công khai, trong đó trộn lẫn những lời đe dọa với những cử chỉ hòa giải, và điều đó làm cho khó suy đoán là Bình Nhưỡng có ý định làm cho căng thẳng gia tăng hay không.

Giáo sư Lữ Siêu nói rằng cuộc họp báo hôm nay không phải là ngoại lệ.

"Chỉ nhìn vào một tuyên bố thì khó có thể biết được những hành động nào mà Bắc Triều Tiên sẽ thực hiện trong tương lai hay biết được họ có thực hiện những hành động khiêu khích chống lại Nam Triều Tiên hay không.'

Năm ngoái, trong hàng loạt những sự kiện mà các nhà phân tích nói là nêu bật tính chất không thể tiên đoán của chế độ Bắc Triều Tiên, lãnh tụ Kim Jong Un đã đưa ra những tuyên bố mềm dẻo về việc cải thiện quan hệ với Nam Triều Tiên, nhưng không lâu sau đó, ông lại ra lệnh thực hiện một cuộc thử nghiệm hạt nhân, bất chấp các nghị quyết của Liên hiệp quốc.

Nam Triều Tiên đã có thái độ thẳng thắn hơn trong việc khẳng định quyền tiến hành các cuộc tập trận. Họ nói rằng các hoạt động này sẽ tiếp tục cho tới khi nào Bắc Triều Tiên ngưng phát triển vũ khí hạt nhân.

Đại sứ Ji Jae Ryong cho biết nước ông đồng ý thực hiện cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân.

Cuộc đàm phán bị đổ vỡ vào năm 2009, sau khi Bắc Triều Tiên đã đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ và bảo đảm về an ninh.

Hoa Kỳ đã đưa ra một điều kiện tiên quyết để thực hiện cuộc đàm phán 6 bên - (đó là) Bình Nhưỡng phải thực hiện những bước tiến có thể kiểm chứng được để tháo dỡ chương trình hạt nhân. Bình Nhưỡng tiếp tục bác bỏ đòi hỏi này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG