Đường dẫn truy cập

Australia dùng mạng Internet để ngăn cản người xin tỵ nạn


Hơn 6.000 người xin tị nạn đã tới Australia bằng đường biển hồi năm ngoái
Hơn 6.000 người xin tị nạn đã tới Australia bằng đường biển hồi năm ngoái

Các giới chức di trú của Australia cho hay họ có một kế hoạch mới để can ngăn những người xin tỵ nạn đến Australia bằng tàu thuyền. Bộ di trú cho hay sẽ quay phim nhóm người xin tỵ nạn đầu tiên được làm thủ tục theo một thỏa thuận mới trao đổi người xin tỵ nạn với Malaysia và sẽ phổ biến băng hình trên trang YouTube. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer gửi về bài tường thuật sau đây.

Hải quân Úc đã bắt giữ 54 người hồi sớm Chủ nhật. Họ là các thuyền nhân đầu tiên bị câu lưu kể từ khi Canberra đồng ý gửi 800 người xin tỵ nạn qua Malaysia.

Đổi lại, Kuala Lumpur sẽ chuyển qua Australia 4.000 người tỵ nạn đã được chấp thuận đơn xin. Giới hữu trách ở Australia cho biết thỏa thuận sẽ ngăn những người xin tỵ nạn thực hiện hành trình đầy hiểm nguy bằng tàu thuyền vào vùng biển phía bắc Australia và sẽ gây gián đoạn cho các hoạt động của các tay buôn người.

54 người vừa tới Australia đã được đưa đến một trại tạm giữ ngoài khơi trên đảo Christmas, một lãnh địa hẻo lánh của Australia trong Ấn Độ Dương. Họ sẽ được quay phim lúc được đưa lên máy bay chở từ hòn đảo này tới Malaysia, một sự kiện dự trù sẽ diễn ra vào tuần tới.

Băng video ghi hình cuộc hành trình của họ sẽ được phổ biến trên trang YouTube. Các giới chức di trú Úc hy vọng các cộng đồng người nước ngoài ở Australia, gồm người Iran, Iraq, Afghanistan và Sri Lanka sẽ xem phim và can ngăn gia đình và bạn bè đang tính thực hiện cuộc hành trình.

Một người phát ngôn của bộ di trú Úc nói cuốn phim phổ biến trên Internet sẽ là một thông điệp rất mạnh mẽ cho thấy sự “vô ích” của việc tìm cách đến Australia bằng đường biển, chỉ để bị đưa lên máy bay qua Malaysia.

Vì các lý do an ninh, gương mặt của những người xin tỵ nạn sẽ bị làm mờ đi. Chính phủ cho hay 10 đoạn phim ngắn phổ biến trên mạng internet sẽ có thể được xem và nghe bằng 8 thứ tiếng là tiếng Anh, tiếng Tamil, tiếng Ả Rập, tiếng Dari, Farsi, Pashto, Sinha và Bahasa.

Thủ tướng Julia Gillard nói những người được gửi qua Malaysia có thể sẽ bị cưỡng bách hồi hương.

Bà Gillard nói: “Tuân hành các chỉ dẫn ở đây không phải là một vấn đề tự nguyện. Chúng tôi nhất quyết giải quyết việc này. Cảnh sát Liên bang Úc có thể nói về các vấn đề vận hành, nhưng chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để bảo đảm rằng những người phải được đưa qua Malaysia sẽ được đưa đi. Có nghĩa là chúng tôi sẽ tiến hành các biện pháp thích nghi để đưa mọi người lên máy bay và ra khỏi máy bay ở điểm đến.”

Các tổ chức nhân quyền đã chỉ trích thỏa thuận với Malaysia, và nhấn mạnh rằng Australia có thê vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của mình. Cũng có người lo ngại về việc những người xin tỵ nạn có thể bị ngược đãi tại Malaysia, là nước đã không ký vào Công ước người tỵ nạn và áp dụng các hình thức trừng phạt gắt gao đối với việc nhập cảnh bất hợp pháp, kể cả biện pháp đánh bằng roi.

Bảo vệ biên giới là một ưu tiên cao đối với cử tri Úc, mặc dầu các số liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy nước này nhận chưa đầy 0,5 phần trăm những người xin tỵ nạn trên khắp thế giới.

Australia cấp khoảng 13.000 thị thực vì lý do nhân đạo mỗi năm. Trong số những người được hưởng thị thực này có người tỵ nạn từ Miến Điện, Iraq và Bhutan.

Một phần tư dân số Úc sinh ở nước ngoài. Australia thu hút nhiều dân di trú từ New Zealand và Vương quốc Anh, là nước bảo hộ cũ của Australia. Trong những năm gần đây, số người di trú từ châu Á đã gia tăng đáng kể.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG