Đường dẫn truy cập

Giới chức cấp cao LHQ chỉ trích chính sách tị nạn của Australia


Các nhà hoạt động cho quyền của người tị nạn biểu tình bên ngoài trung tâm tạm giam Villawood ở Sydney (hình chụp tháng 4, 2011)
Các nhà hoạt động cho quyền của người tị nạn biểu tình bên ngoài trung tâm tạm giam Villawood ở Sydney (hình chụp tháng 4, 2011)

Cách đối xử của Australia với người tìm đường tị nạn theo chính sách gay gắt về việc bắt buộc tạm giữ đã bị một đại diện hàng đầu của Liên hiệp quốc chỉ trích. Cuối chuyến đi thăm 6 ngày, bà Navi Pillay, cao ủy viên Liên hiệp quốc (LHQ) về nhân quyền, nói rằng chính sách này vi phạm nghĩa vụ về nhân quyền quốc tế của Australia. Bà cũng cảnh báo rằng có nhiều phần chắc kế hoạch của Canberra chuyển 800 người xin tị nạn sang Malaysia là vi phạm luật tị nạn. Từ Sydney, thông tín viên Phil Mercer của đài VOA gởi về bài tường trình sau đây.

Trong chuyến đi thăm ngắn đến Australia, cao ủy viên Liên hiệp quốc đã giành thời gian làm việc tại hai trung tâm tạm giữ di dân tại thành phố Darwin ở miền bắc.

Bà Navi Pillay cho biết bà chứng kiến điều được bà mô tả là "sự vô vọng sâu sa của những người xin tị nạn" phải chờ đợi hàng tháng để được thả ra. Tại cuộc họp báo ở thủ đô Canberra, bà Pillay nhấn mạnh rằng hệ thống của Australia tự động giam giữ người xin tị nạn trong khi điều tra đơn xin của họ là vi phạm nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của nước này.

Giới chức cấp cao này của Liên hiệp quốc đến thăm Australia theo lời mời của chính phủ cũng nhắm vào kế hoạch của Canberra sẽ chuyển hàng trăm người xin tị nạn sang Malaysia để làm nhẹ bớt áp lực quá tải tại các trại tạm giữ, và để tìm cách ngăn chặn dòng thuyền nhân tị nạn tiếp tục kéo đến.

Các giới chức chính phủ nói rằng theo thỏa thuận này, Malaysia sẽ chuyển sang Australia 4 ngàn người xin tị nạn dài hạn có đơn xin được bảo vệ đã được chấp thuận. Họ nói thỏa thuận này sẽ phá vỡ hoạt động những kẻ vận chuyển người tị nạn. Hy vọng của Canberra là bằng cách cắt đứt cơ hội của những đường dây tội phạm bảo đảm với những người muốn vượt biên là họ sẽ được vận chuyển thẳng đến Australia, cách làm ăn đó của bọn chúng sẽ không còn thực hiện được nữa.

Tuy nhiên bà Pillay tin rằng kế hoạch đó là sai luật.

Bà Pillay nói: “Nếu Australia thực sự làm theo kế hoạch chuyển 800 người xin tị nạn sang Malaysia, thì tôi cho rằng Canberra vi phạm luật tị nạn. Australia không thể chuyển người xin tị nạn đến một quốc gia chưa tham gia công ước cấm tra tấn, và công ước về người tị nạn. Vì sẽ không có sự bảo vệ cho những người đó ở Malaysia. Và, trên tất cả mọi người, Australia là nước vốn tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế, không nên hợp tác trong những kế hoạch như vậy.”

Bà Pillay đã mở các cuộc thảo luận mà bà mô tả là “trực tiếp và thẳng thắn” về kế hoạch Malaysia với Ngoại trưởng Kevin Rudd của Australia.

Dòng thuyền nhân kéo đến vùng biển hẻo lánh ở miền bắc Australia đã trở thành một nỗi bực bội lớn cho chính phủ của Đảng Lao động. Chính phủ đang phải đương đầu với những cáo buộc từ các đối thủ chính trị cho rằng họ không kiểm soát được biên giới – một vấn đề gây tiếng vang đến nhiều cử tri.

Cao ủy viên Liên hiệp quốc về nhân quyền cũng đi thăm một cộng đồng người bản thổ ở Yarrabah ở gần thành phố Cairns thuộc bang Queensland. Bà nói rằng mặc dù Australia "có thành tích tốt về nhân quyền" cách đối xử của nước này với người thổ dân vẫn kém.

Bà Pillay nói rằng các nỗ lực giúp cho những người có hoàn cảnh bất lợi nhất tại quốc gia này bị hạn chế bởi những chính sách không công nhận quyền tự quyết của người bản thổ Australia.

Người bản thổ chiếm khoảng 2% dân số, nhưng họ lại chiếm một tỉ lệ cao mất cân đối trong những lãnh vực như sức khỏe yếu kém, bị ở tù, và thất nghiệp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG