Đường dẫn truy cập

Hội nghị Bộ trưởng ASEAN khai mạc tại Hà Nội


Ngày hôm nay, các vị bộ trưởng ngoại giao từ 10 nước Đông Nam Á đã khai mạc hội nghị kéo dài một tuần lễ ở Việt Nam. Các nhà lãnh đạo khu vực sẽ tham dự hội nghị cùng những người đồng nhiệm từ các quốc gia phương Tây cũng như châu Á Thái Bình Dương và dự kiến họ sẽ bày tỏ quan ngại về vấn đề Bắc Triều Tiên cũng như Miến Điện. Từ Hà Nội, thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường trình sau đây.

Ngày hôm nay, hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đã khai mạc hội nghị an ninh cấp bộ trưởng thường niên tại Hà Nội.

Trong 4 ngày hội nghị, các vị ngoại trưởng sẽ thảo luận về vấn đề tăng cường an ninh khu vực cùng các hình thức hợp tác khác giữa các nước trong khu vực cũng như các nước châu Á và phương Tây khác.

Diễn đàn ASEAN được coi là một cơ chế xây dựng niềm tin vốn đưa ra rất ít các quyết định mang tính cách ràng buộc, nếu có.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đọc bài diễn văn khai mạc. Phát biểu thông qua một người thông dịch viên, ông Dũng nói rằng ASEAN đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình ở Châu Á Thái Bình Dương.

Thủ tướng Việt Nam nói “Duy trì hoà bình và an ninh khu vực Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương là nguyện vọng thiết tha và quyết tâm mạnh mẽ của các nước thành viên ASEAN cũng như các nước khác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò là nhân tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị-an ninh, vì hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.”

Mười quốc gia thành viên ASEAN gồm Brunei, Miến Điện, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam.

Các quốc gia Đông Nam Á sẽ tổ chức các cuộc họp song phương trong suốt tuần này.

Vào ngày thứ Sáu, các bộ trưởng ASEAN sẽ gặp những người đồng nhiệm đến từ 17 quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, cũng như Australia, Canada, Liên hiệp Aâu Châu, Aán Độ, New Zealand và Hoa Kỳ.

Theo dự kiến, trong các cuộc họp này quan ngại về những căng thẳng liên quan đến Bắc Triều Tiên và Miến Điện sẽ được các đại biểu tham dự đề cập đến.

Nam Triều Tiên đã qui trách nhiệm cho Bắc Triều Tiên về vụ chìm một tàu hải quân hồi tháng Ba.

Một cuộc điều tra quốc tế kết luận rằng một quả ngư lôi của Bắc Triều Tiên đã tấn công con tàu này, làm 46 thủy thủ trên tàu thiệt mạng. Bắc Triều Tiên đã bác bỏ mọi trách nhiệm và tiếp tục phản đối yêu cầu của quốc tế đòi họ ngưng chương trình hạt nhân của mình.

ASEAN phản đối việc phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, các vị bộ trưởng dự kiến sẽ không đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ nào trực tiếp lên án Bình Nhưỡng về vụ chìm tàu.

Mặt khác, các phái đoàn tham dự hội nghị cũng đã hối thúc bộ trưởng ngoại giao Miến Điện bảo đảm rằng nước ông sẽ tổ chức một cuộc bầu cử công bằng, tự do và khả tín trong năm nay. Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan phát biểu với các phóng viên ngày hôm nay rằng Ngoại trưởng Miến Điện Nyan Win đã “phải nghe rất nhiều lời chỉ trích” tại một buổi họp vào bữa tối ở Hà Nội hôm thứ Hai.

Ông Surin nói rằng các đại biểu tham dự đã nói với ông Nyan Win rằng cuộc bầu cử có thể đem lại những kết quả tích cực hay tiêu cực cho ASEAN.

Cuộc bầu cử đầu tiên trong 2 thập niên qua mà Miến Điện dự kiến sẽ tổ chức trong năm nay đã bị chỉ trích nặng nề rằng đó chỉ là một sự giả bộ để chính quyền quân nhân tiếp tục duy trì quyền lực.

Các tổ chức nhân quyền đã hối thúc ASEAN lên án công tác chuẩn bị bầu cử và không công nhận kết quả. Tuy nhiên, ASEAN vẫn duy trì chính sách không can thiệp vào nội bộ của các nước thành viên và không muốn chỉ trích Miến Điện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG