Đường dẫn truy cập

Ảnh hưởng kinh tế, chính trị trong quan hệ Pháp-Châu Phi


Tổng thống Pháp Francois Hollande bắt tay các binh sĩ tại Bangui, Cộng hòa Trung Phi, ngày 10/12/2013.
Tổng thống Pháp Francois Hollande bắt tay các binh sĩ tại Bangui, Cộng hòa Trung Phi, ngày 10/12/2013.
Khoảng 2/3 trong số 8,400 binh sĩ Pháp tham gia các hoạt động ở nước ngoài, đóng tại Châu Phi, nhất là ở Mali và Cộng hòa Trung Phi. Tổng Thống Pháp Francois Hollande mới đây tuyên bố rằng ông muốn tăng gấp đôi kim ngạch mậu dịch với Châu Phi. Những diễn tiến này có thể là dấu hiệu cho thấy Pháp, từng là một cường quốc thực dân ở Châu Phi, đang một lần nữa tìm cách củng cố ảnh hưởng của mình trên châu lục này. Thông tín viên Pam Dockins của Đài VOA có bài tường thuật sau đây

Pháp đã thực hiện hơn 10 chiến dịch quân sự can thiệp trên lục địa Phi Châu, tính từ những năm đầu của thập niên 1990, tại các nước trong đó có Chad, Côte D’Ivoire, và Libya.

Năm nay, Pháp lại gây chú ý về vai trò nổi bật của Paris trong vụ can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Mali, và giờ đây tại nước Cộng hòa Trung Phi.

Ông Peter Phạm, Giám đốc Trung tâm Phi Châu của Hội đồng Đại Tây Dương ở thủ đô Washington, nói Pháp có nhiều động cơ để thực hiện những chiến dịch quân sự tại Châu Phi.

Phát biểu trên chương trình Encounter của Đài VOA, ông Phạm nói một lý do là Tổng Thống Francois Hollande đang mất sự ủng hộ ở trong nước.

“Mức độ ủng hộ của cử tri dành cho ông Hollande đã suy sụp, và một trong những lĩnh vực hiếm hoi còn lại mà ông vẫn được cử tri Pháp hậu thuẫn, là chính sách đối ngoại của ông. Hành động can thiệp tại Mali được ủng hộ rộng rãi và chắc chắn ông đã được hoan nghênh nhiều về vụ can thiệp vào Cộng hòa Trung Phi.”

Ngoài những động cơ chính trị, ông Phạm nói Pháp còn có nhiều quyền lợi kinh tế và nhân đạo tại Châu Phi.

Ông Paul Melly, một nhà báo và phân tích gia về các vấn đề Phi Châu tại tổ chức nghiên cứu Chatham House, nói ông không tin rằng Pháp đang dốc toàn lực để thực hiện một chiến dịch nới rộng ảnh hưởng tại Châu Phi.
Ông nói:

“Tôi không tin đây là một cố gắng thô thiển thông thường để tái lập hoặc củng cố ảnh hưởng của nước Pháp. Tôi tin rằng đây là một quan điểm – có thể nói là trưởng thành hơn, có suy xét hơn. Về lâu về dài, nó phục vụ quyền lợi của Pháp, cũng như quyền lợi của Châu Âu nói chung, để Châu Phi được ổn định và thịnh vượng.”

Trong tháng này, Tổng Thống Hollande đã tiếp khoảng 40 nhà lãnh đạo Phi Châu tại một hội nghị thượng đỉnh ở Paris.

Trước hội nghị, ông Hollande nói ông muốn tăng gấp đôi lượng xuất khẩu của Pháp sang Châu Phi trong 5 năm tới.

Lời phát biểu của ông được đưa ra vào một thời điểm khi mà Trung Quốc đang ngự trị các giao dịch thương mại với Châu Phi, và các nước trong đó có Brazil và Ấn Độ cũng đang tìm cách xâm nhập lục địa này.

Bà Aline Leboeuf là một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Pháp. Bà nói rằng trong khi nước Pháp đang tìm cách tăng ảnh hưởng kinh tế của mình tại Châu Phi, điều đó không nhất thiết có nghĩa là Pháp tìm cách đối đầu với Trung Quốc.

Bà Leboeuf nói rằng điều mà Paris muốn thực hiện là tăng sự hiện diện của Pháp trong lĩnh vực kinh tế tại Châu Phi nói chung, và đặc biệt tại các quốc gia sử dụng tiếng Anh ở châu lục này.

Theo bà, thì Pháp đặc biệt muốn tăng cường sự hiện diện thương mại của mình tại các quốc gia Phi Châu lớn, như Kenya, Nigeria và Nam Phi.

Ông Lansin Kaba là một giáo sư môn lịch sử tại đại học Carnegie Mellon và là cựu Chủ tịch của Hội nghiên cứu Châu Phi tại Đại học Rutgers. Ông nói rằng có một sự khác biệt rõ rệt giữa sự can dự của Trung Quốc tại Châu Phi, và điều mà nước Pháp đang làm tại châu lục này.

“Quan hệ với Châu Phi của Trung Quốc tại thời điểm này, không thể và không nên được so sánh –tại thời điểm này- với quan hệ của nước Pháp. Trung Quốc không can thiệp quân sự tại bất cứ nơi nào trên khắp lục địa Phi Châu. Người Trung Quốc chủ yếu chỉ đầu tư mà thôi.”

Giáo sư Kabe nói Pháp đang làm điều mà nước này biết cách làm tại Châu Phi, và đó là phát triển các quan hệ có ý nghĩa với các nước Phi Châu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG