Đường dẫn truy cập

Howard Spiegler, một luật sư không giống ai


Nước Mỹ có rất nhiều luật sư, mỗi người có những chuyên ngành khác nhau, mức thu nhập cũng khác nhau. Câu chuyện sau đây nói về một luật sư rất hiếm thấy tại Mỹ.

Khi tốt nghiệp trường luật Columbia năm 1974, Howard Spiegler chỉ có tâm niệm phục vụ lợi ích quần chúng:

“Lúc bấy giờ có ông thầy bói nào bảo tôi ‘trong tương lai anh sẽ là một luật sư mỹ thuật’ thì tôi sẽ trả lời luật sư mỹ thuật là cái quái gì?”

Bởi vì lúc đó không có luật sư nào thuộc chuyên ngành này. Ông và hai người bạn bèn lập ra.

Trong thế chiến thứ 2, nhiều gia đình châu Âu giàu có đã bị tịch thu rất nhiều bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật quý giá trong lúc nước họ bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Một số đơn vị quân đội đồng minh giải phóng châu Âu khỏi tay Đức Quốc Xã cũng có hành vi hôi của.

Hậu quả tới bây giờ, rất nhiều tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp nằm rải rác trong các viện bảo tàng danh tiếng; hoặc trong tay các nhà sưu tập tư nhân hữu ý hoặc vô ý; trong lúc những người chủ chính đáng, hợp pháp vẫn tranh đấu để đòi lại tài sản.

Nhiều người chủ này đã tìm đến Howard Spiegler.

Trong vụ đầu tiên, được giải quyết vào năm 1982, Spiegler và hai đồng nghiệp đã thu hồi được 2 bức chân dung cho chính phủ Đông Đức. Trong thế chiến thứ 2, các giới chức của Đức đã dấu hai bức chân dung này trong một lâu đài. Binh sĩ Mỹ đến giải phóng Đức đã lấy đi hai tác phẩm sau khi chiến tranh chấm dứt và đem bán ở Mỹ.

Thắng lợi này của văn phòng luật sư Spiegler đánh dấu lần đầu tiên một chính phủ nước ngoài thắng kiện tại Mỹ để đòi lại tài sản văn hóa.

Năm 1993, Spiegler nhận được lời cảm ơn của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vì đã giúp thu hồi được các tài sản bằng vàng và bạc của thế kỷ thứ 6 đã bị các tay săn kho tàng đánh cắp và bán cho một viện bảo tàng ở New York.

Ngoài chuyện thu hồi tài sản cho người chủ chính đáng, các vụ kiện còn tạo tiền lệ về 'provenance', từ trong nghề nói về những chứng từ cho thấy lai lịch thực sự của một tác phẩm nghệ thuật, buộc những người trong nghề phải chú ý nhiều hơn vào nguồn gốc của tác phẩm, tránh được những tác phẩm giả mạo, những bức tranh nhái; đồng thời giúp xác định được tác phẩm đó có phải thực sự đã bị đánh cắp hay không.

Dĩ nhiên, các tác phẩm nghệ thuật bị Đức Quốc Xã đánh cướp chiếm nhiều thời giờ của văn phòng Spiegler.

Tháng này, văn phòng luật Spiegler vừa thắng được một vụ kéo dài dai dẳng, thân chủ là con cháu của một nhà buôn tranh người Áo gốc Do Thái.

Vào năm 1938, khi nước Áo bị sáp nhập vào Đức Quốc Xã, một đảng viên của Hitler đã đánh cắp bức “Portrait of Wally” của nhà buôn tranh, do Egon Schiele vẽ. Sau đó tranh được trưng bày tại viện bảo tàng Vienna. Theo yêu cầu của luật sư, chính phủ Mỹ đã sai áp bức tranh khi nó cho viện bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở New York mượn.

Cuối cùng, con cháu của nhà buôn tranh được bồi thường 19 triệu đôla, viện bảo tàng ở Vienna được tiếp tục trưng bày bức tranh và phần giới thiệu tranh cũng có ghi rõ đã từng bị Đức Quốc Xã đánh cướp.

Sau nhiều năm tìm cách thu hồi tài sản nghệ thuận cho người khác, giờ đây Spiegler và bà vợ cũng sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật. Họ mua các loại mặt nạ và quạt của những quốc gia mà họ đặt chân đến.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG