Đường dẫn truy cập

Al-Qaida Indonesia ở Aceh bị kiệt quệ


Giới hữu trách Indonesia đang biết được rất nhiều điều về một liên minh chủ chiến mới tự xưng là al-Qaida Indonesia ở Aceh. Kể từ hồi tháng 2, lực lượng an ninh đã phát hiện một trại huấn luyện chủ chiến ở Aceh, và đã hạ sát 8 nghi can và bắt giữ 48 người khác. Nhưng các chuyên gia về an ninh cho rằng cần phải có nhiều biện pháp hơn để theo dõi các nghi can và ngăn ngừa các phần tử cực đoan tuyên truyền bạo động. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Brian Padden gửi về bài tường thuật sau đây.

Chuyên gia an ninh Ken Conboy nói trước khi xảy ra vụ tấn công hai khách sạn ở Jakarta hồi tháng 7 năm ngoái, đã có một thời kỳ tương đối yên tĩnh ở Indonesia để các tổ chức khủng bố tái tổ chức.

Ông Conboy cho biết: “Trong suốt 4 năm đã không có chuyện gì xảy ra và tôi nghĩ đã có tình trạng hơi tự mãn trong một số các lực lượng an ninh. Nhiều người cứ tưởng là phần lớn các phần tử cực đoan nguy hiểm đã về hưu rồi. Bọn chúng không làm gì cả. Thế rồi bỗng dưng có lời cảnh tỉnh vào tháng 7 năm 2009, năm ngoái, khi họ nhận ra rằng chẳng những bọn chúng vẫn còn hiện diện và hoạt động, mà còn tập hợp một chiến dịch tương đối tinh vi ngay trước mũi mọi người ở thành phố.”

Lực lượng an ninh Indonesia đã truy lùng thủ phạm các vụ đánh bom khách sạn, kể cả tay chủ mưu Noordin Top, đã bị hạ sát trong một vụ bố ráp của cảnh sát hồi tháng 9.

Trong khuôn khổ các nỗ lực phá tan các cuộc tấn công mới, hồi tháng 2 vừa qua cảnh sát đã phát hiện một liên minh khủng bố mới điều hành một trại huấn luyện ở Aceh. Trong cuộc trấn át tiếp theo đó, 48 nghi can đã bị bắt và 7 tên bị hạ sát. Trong số những kẻ bị giết có Dulmatin, một trong các nghi can khủng bố bị truy nã gắt gao nhất ở Indonesia vì vai trò của hắn ta trong các vụ đánh bom ở Bali đã làm 202 người thiệt mạng.

Chuyên gia về khủng bố, bà Sidney Jones thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế. Bản phúc trình mới của bà cung cấp chi tiết nhiều thông tin tình báo về tổ chức khủng bố mới này, tự xưng là al-Qaida Indonesia ở Aceh.

Bà Jones nói: “Nhóm này về nhiều mặt ít quá khích hơn nhóm của Noordin Top ở điểm là bọn chúng tin rằng mục tiêu phải là thiết lập luật Hồi giáo, chứ không phải chỉ phá nổ mọi thứ. Nhưng bọn chúng còn tin rằng trong quá trình thiết lập luật Hồi giáo, thì được phép thực hiện những vụ tấn công vào bất cứ ai đứng ra cản đường.”

Bà Jones nói nhóm này tán thành việc ám sát các nhà lãnh đạo dân cử của Indonesia chống lại việc áp dụng luật Hồi giáo hay Sharia. Các thành viên của nhóm còn tán đồng việc điều hành từ cơ sở mà họ dựng lên tại Acheh một phần bởi vì vùng bán tự trị này của Indonesia đã thực thi luật Sharia.

Bà Jones cho biết cư dân ở Aceh, là những ngưòi vào năm 2005 đã chấm dứt một cuộc nổi dậy ly khai kéo dài 30 năm, đã báo cáo với nhà chức trách về trại này.

Bà Jones nói tiếp: “Đó là một sự tính toán sai lầm rất lớn. Tại sao họ lại nghĩ rằng họ sẽ được sự ủng hộ tại một nơi như Aceh, là nơi vừa phục hồi sau các vụ bạo động, tôi không thể biết được, ngoại trừ việc có hai người có kinh nghiệm lâu dài ở Aceh nằm trong liên minh này.”

Vụ trấn áp tiếp theo đó, theo bà Jones, đã có tác dụng tiêu hủy chiến dịch ngay lúc này.

Bản phúc trình của bà ghi rõ chi tiết một số đề nghị nhằm ngăn chặn sự phát triển của các phong trào chủ chiến mới. Một đề nghị chính là gia tăng việc thanh tra tù nhân và cựu tù nhân đã có liên can đến việc tuyển mộ và kế hoạch khủng bố.

Ông Conboy cho rằng muốn thực hiện hữu hiệu việc đó, cảnh sát sẽ cần thêm các nguồn lực và huấn luyện.

Ông Conboy nói: “Đã có hàng trăm phần tử khủng bố bị bắt giữ trong nhiều năm qua và theo dõi tất cả bọn chúng là một công tác khá khó khăn. Vì thế tôi nghĩ họ sẽ phải làm công việc theo dõi và định ra những kẻ nào là các thủ phạm có phần chắc sẽ tiếp tục hoạt động, hay những kẻ nào dứt khoát không hối hận khi bị bắt và theo dõi bọn chúng.”

Bà Jones cũng nói rằng giới hưu trách phải truy lùng các tổ chức ngày càng nhiều đang phát tán các thông điệp quá khích. Tuy nhiên, theo bà, chính phủ không nên kiểm diệt các tài liệu đó, mà phải theo dõi chúng, đoan chắc là chúng có đăng ký với chính quyền và đóng thuế.

Bà Jones cho biết: “Trong một quốc gia vừa phục hồi sau một chế độ độc tài, và đang có thành tích rất tốt trong việc thành lập các cơ chế dân chủ, thì điều chót muốn làm là bắt đầu áp dụng lại việc kiểm duyệt và hạn chế quyền tự do phát biểu. Vì thế điều khó khăn là có thể có biện pháp như thế nào với cơ quan truyền thông cực đoan này? Và một câu trả lới là hãy nhìn kỹ vào các luật lệ hiện hành có liên quan đến các cơ sở phát hành, và xét xem liệu mỗi cơ sở này có tuân thủ luật pháp đến nơi đến chốn hay không, và nếu không thì phải trừng phạt họ hoặc giam giữ họ về tội vi phạm các luật lệ đó.”

Bà Jones nói rằng Indonesia đã đạt được thành quả lớn trong việc sử dụng các cơ quan công lực cảnh sát để trấn áp khủng bố nhưng vẫn có thể tiến hành thêm các biện pháp trong một xã hội dân chủ cởi mở để ngăn chặn các hành vi bạo lực.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG