Đường dẫn truy cập

Tầm quan trọng của mậu dịch đối với ASEAN.  - 2004-12-02


ASEAN đã phát triển từ nguyên thủy là một nhóm nhỏ các nước tương đối nghèo, để trở thành một trong các khối mậu dịch quan trọng trên thế giới. Tại hội nghị thường niên ASEAN được tổ chức vào ngày 29 và 30 tháng 11 ASEAN đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc để đi đến việc thành lập khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới. Từ Hong Kong, Thông tín viên Kate Pound Dawson của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ tìm hiểu về tầm quan trọng của mậu dịch đối với ASEAN.

Trong vòng 5 năm, một thỏa thuận mậu dịch mới giữa ASEAN, tức Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á, với Trung Quốc sẽ bao gồm hơn 1 tỉ 700 triệu người. Chưa gì kim ngạch mậu dịch giữa hai bên đã lên tới 100 tỉ đôla một năm.

Thỏa thuận mới sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho tất cả 10 nước ASEAN xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Một số doanh nghiệp ASEAN bày tỏ quan tâm về nguy cơ có thể bị lấn áp bởi các công ty chế tạo hàng hóa khổng lồ, phí tổn thấp của Trung Quốc. Nhưng rất nhiều nhà kinh tế cho rằng thỏa thuận này là có lợi cho các nước Đông Nam Á, và là một điềm báo trước những thuận lợi trong tương lai.

Ông Ifzal Ali là kinh tế gia trưởng của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, một cơ sở cho vay bất vụ lợi trụ sở tại Manila. Ông Ali nói rằng trong lúc nền kinh tế của Trung Quốc đang phát triển và lương bổng gia tăng trong nước, thì một số công việc thuộc ngành chế tạo sản xuất sẽ dời chuyển sang các nước nghèo hơn của ASEAN. Sau đây là phát biểu của kinh tế gia Ali:

Cho nên điều mà chúng ta sẽ thấy là giữa lúc Trung Quốc thăng tiến tiến mạnh, một số những gì mà Trung Quốc hiện đang làm, sẽ được chuyển sang các nước như Việt Nam và các nước khác trong vùng Mêkông … Tôi cho rằng đây là một tình trạng mọi bên cùng có lợi, hơn là một trò kẻ được người thua.

Thỏa thuận với Trung Quốc không phaỉ là thỏa thuận mậu dịch cuối cùng của ASEAN. Hiệp Hội này đã thảo luận với Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Ấn Độ về việc thành lập các liên minh mậu dịch khác. Ngoài ra, nhiều quốc gia ASEAN đã ký thỏa thuận mậu dịch song phương với các nước khác, như Singapore ký hiệp ước thương mại với Thái Lan, và cả hai nước này đều có hiệp ước thương mại với Hoa Kỳ.

Hoạt động thương mãi vốn là nguồn sống của Châu Á, khởi sự với Nhật Bản và Nam Triều Tiên, hai nước mà hồi thế kỷ trước, đã xây dựng một nền kinh tế năng động từ đống tro tàn của chiến tranh. Tương tự, mỗi nước trong khu vực đều đã tìm cách gầy dựng sự sung túc bằng cách xuất khẩu đủ mọi thứ, từ gỗ cho đến các con chip điện toán.

Gồm một số nước nghèo nhất trên thế giới như Campuchia, Miến Điện, Lào và Việt Nam, ASEAN tự nó đã là một khối mậu dịch lớn. Khối này xuất khẩu một lượng hàng hóa trị giá hơn 400 tỉ đôla mỗi năm, đồng thời nhập khẩu một lượng hàng trị giá hơn 360 tỉ đôla.

Trong bối cảnh Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đạt được những tiến bộ chậm chạp trong tiến trình tự do hóa mậu dịch toàn cầu, giới lãnh đạo ASEAN đã xác định rõ họ sẽ đeo đuổi các hiệp ước thương mại tự do để bảo đảm mức độ phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh giác rằng các hiệp ước thương mại đó, gọi tắt tiếng Anh là FTA, có những rủi ro đi kèm.

Một vấn đề đối với các nước nhỏ là vì quá háo hức trong việc ký kết hiệp ước thương mại với các quốc gia lớn, giàu mạnh hơn, các nước này có thể nhượng bộ quá nhiều, phương hại đến quyền lợi riêng của chính quốc gia họ.

Ông Mark Thirlwell là một nhà phân tích thương mại làm việc cho Viện Lowy, một Viện nghiên cứu Chính Sách Quốc Tế độc lập tại Asutralia. Ông Thirlwell cảnh giác rằng nguy cơ lớn nhất là các hiệp ước thương mại tự do có thể gây phương hại đến các lợi ích toàn cầu của hệ thống Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Nhà phân tích này nói rằng hàng chục hiệp ước thương mại tự do tròng chéo, có thể đưa đến tình trạng xung đột và gây thêm quá nhiều phức tạp cho các luật lệ mậu dịch hiện hành . Ông Thirlwell nhận định tiếp như sau:

Ngoài ra còn có nguy cơ các hiệp ước song phương có thể phá hoại nền mậu dịch thế giới. Bởi vì mục đích của một hệ thống đa phương chính là để chúng ta có thể đi đến thỏa thuận ở cấp toàn cầu và trung ương, để có thể vượt khỏi những sai lệch có thể xảy ra trong việc đeo đuổi các thỏa thuận cấp vùng hoặc hai chiều.

Nhưng cho dù các hiệp ước thương mại có quân bình và không phương hại đến các nỗ lực của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đi nữa, chúng vẫn có thể khiến cho nhiều doanh nghiệp phải vất vả cạnh tranh với nhau.

Ông Teofilo Aquila nghiên cứu vấn đề phát triển kinh tế của các nước Đông Nam Á tại Đại Học Quốc Gia Singapore, ông nói rằng rất nhiều nước ASEAN có thể thua trong cuộc cạnh tranh, khi hiệp ước thương mại với Trung Quốc được áp dụng theo từng giai đoạn vào năm tới. Ông Aquila đưa ý kiến rằng các chính phủ và các doanh nghiệp ASEAN có thể giảm thiểu những trở ngại , nếu họ hợp tác với nhau. Ôâng Aquila giải thích:

Bằng cách hợp lực với nhau, nhiều công nghiệp trong khối ASEAN, tính cả về vật chất lẫn nhân lực, có thể thành lập các công ty có tầm cỡ quy mô hơn, để cho các doanh nghiệp hạng nhỏ và hạng trung có thể hạ thấp được rất nhiều mức độ rủi ro.

Các chính phủ ASEAN, và nhiều nhà kinh tế tin rằng các hiệp ước thương mại tự do mang lại lợi lộc nhiều hơn là bất lợi. Ông Ali thuộc Ngân Hàng Phát Triển Á Châu lưu ý rằng các hiệp ước này có thể thúc đẩy các chính quyền phải cải thiện hệ thống pháp lý và ngân hàng, để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các hoạt động mậu dịch, và để triển khai ngân sách vững vàng hơn về mặt tài chánh. Về vấn đề này, ông Ali nói:

Thị trường sẽ trừng phạt các quốc gia nào không theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô thỏa đáng cả về phương diện tài chánh lẫn tiền tệ, và trừng phạt các nước không theo các chính sách kinh tế vi mô, hiểu theo nghĩa để bảo đảm một môi trường mậu dịch công bằng cho tất cả.

Rốt cuộc, theo ông Ali, nếu ASEAN ký một hiệp ước tự do mậu dịch với Ấn Độ trong vòng vài năm tới, ngoài hiệp ước đã ký với Trung Quốc trong năm nay, thì có phần chắc ASEAN sẽ có triển vọng được đóng một vai trò trụ cột trong công cuộc phát triển kinh tế chưa từng thấy tại Châu Á.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG