Đường dẫn truy cập

Bạo động tại miền Nam Thái Lan - Do ai giật dây? - 2004-05-03


Lời dẫn: Ngày thứ Tư 28 tháng Tư vừa rồi, các phần tử đấu tranh ở miền Nam Thái Lan đã phát động một loạt các cuộc tấn công có phối hợp, nhắm vào 15 đồn cảnh sát Thái Lan tại 3 tỉnh miền Nam. Giới hữu trách đã phản ứng bằng vũ lực áp đảo, kết quả là 108 phần tử nổi dậy bị thiệt mạng, trong một ngày được coi là đẫm máu nhất trong đợt bạo động ở miền Nam Thái Lan hồi gần đây. Giới phân tích không đồng ý với nhau về liệu những vụ xáo trộn này có liên hệ với các tổ chức khủng bố như al-Qaida hoặc nhóm khủng bố khu vực Jemaah Islamiyah hay không. Một số chi tiết về những diễn tiến ở miền Nam Thái Lan sẽ được trình bày trong Tiết mục Nhìn về Á Châu do Hoài Hương phụ trách sau đây.

Các tỉnh miền Nam Thái Lan, gồm có Pattani, Yala và Songkla -một địa danh đã trở nên rất quen thuộc với người Việt tỵ nạn- nằm sát biên giới Malaysia. Không như những khu vực khác trên lãnh thổ Thái Lan, một nước có đại đa số theo Phật giáo, phần lớn cư dân miền Nam Thái Lan theo đạo Hồi. Trong những năm của thập niên 1970, phong trào Hồi giáo đòi ly khai lên tới cao điểm, với số thành viên lên tới 20 ngàn người. Mục tiêu của phong trào này là tranh đấu để thành lập một nước Hồi giáo độc lập ở miền Nam Thái Lan. Thế nhưng phong trào này hầu như đã tàn lụi trong những thập niên 1980 và 1990, và tình hình tại miền Nam Thái Lan trở nên tương đối yên ổn, có lẽ mãi cho tới đầu năm nay, tình hình đã trở nên sôi động trở lại với một cuộc tấn công táo bạo do một toán vũ trang lạ mặt thực hiện, đánh vào một căn cứ quân sự của chính phủ Thái Lan. Trong vụ này, 4 binh sĩ chính phủ Thái Lan đã bị giết chết và hàng trăm khẩu súng bị cướp mang đi.

Bangkok đã phản công bằng cách đổ quân về miền Nam, hy vọng dùng sức mạnh quân sự áp đảo để bình định khu vực đã trở nên xáo trộn trong thời gian gần đây. Hôm thứ Tư, nhiều toán vũ trang với dao, mã tấu và gậy gộc, đã tấn công nhiều đồn cảnh sát Thái Lan, trong một hành động mà giới truyền thông cho không khác gì một cuộc tấn công tự sát. Quân đội chính phủ đã phản công mạnh mẽ, kết quả là hàng trăm phần tử nổi loạn, phần lớn là thanh thiếu niên, bị thiệt mạng.

Thế nhưng ai, tổ chức hay phe nhóm nào đã giật dây và đưa những thanh niên này vào chỗ chết, thì chưa ai có thể đoan quyết 100%.

Có nhà phân tích cho rằng tình hình bạo động tại miền Nam Thái Lan có lẽ là do một sự phối hợp của phong trào Hồi giáo đòi ly khai, có sự trợ giúp từ bên ngoài Thái Lan, với các hoạt động tội phạm ẩn sau chiếc bình phong tôn giáo.

Giáo sư Ron May thuộc Đại Học Quốc Gia Australia là một chuyên gia về các phong trào ly khai Hồi Giáo ở Đông Nam Á. Giáo sư May nhận định rằng phong trào Hồi giáo ở Thái Lan là một phong trào tự phát tại địa phương, nhưng rất có thể phong trào này đã được sự hỗ trợ của các nhóm Hồi giáo khác, như Jemaah Islamiyah, một nhóm khủng bố Hồi Giáo trong khu vực. Giáo Sư May phát biểu:

“Theo tôi thì không ai nghi ngờ gì về chuyện nhóm Jemaah Islamiyah và các nhóm khác đã từng hoạt động tại miền Nam Thái Lan, và lẽ đương nhiên khi quân đội Thái Lan được điều động đến khu vực này thì các cuộc xung đột ngày càng xảy ra thường xuyên hơn.”

Quả vậy, có lẽ chúng ta chưa quên là Hambali, nhân vật được coi là trưởng ban hoạt vụ của Jemaah Islamiyah, người từng được tặng biệt danh là Osama Bin Laden của Đông Nam Á, đã bị bắt giữ ở Thái Lan hồi năm 2003. Ngoài ra, còn có nhiều bằng chứng cho thấy các nhóm Hồi Giáo Thái Lan, đặc biệt là Tổ Chức Đoàn Kết Giải Phóng Pattani, gọi tắt là PULO, đã được huấn luyện bởi các nhóm khủng bố ở Afghanistan và Pakistan.

Ngoài nhóm này, 2 nhóm Hồi giáo địa phương khác có thể cũng đã can dự vào làn sóng bạo động mới đây, gồm có Tổ Chức Cách Mạng Quốc Gia Barisan, gọi tắt là BRN, và tổ chức Hồi giáo Mujahedeen Gerakan Pattani, gọi tắt là GMIP. Các tổ chức này từ lâu đã tranh đấu để đòi tái lập một nước Hồi Giáo, như cách đây một thế kỷ, trước khi vùng lãnh thổ này bị Thái Lan sát nhập.

Nhưng một số nhà phân tích cảnh giác rằng bên cạnh các nhóm Hồi giáo đòi ly khai, còn có bàn tay của một số cá nhân và tổ chức khác. Ông Panitan Wattanayagorn thuộc Viện Nghiên Cứu An Ninh và Quan Hệ Quốc Tế thuộc Đại Học Chulalongkorn ở Thái Lan, nhận định:

“Nhóm đầu tiên, lẽ đương nhiên, là những cá nhân đang cầm đầu các trại huấn luyện, những kẻ hoạt động trong các phong trào cực đoan ở miền Nam. Nhóm thứ hai là thủ lãnh các tổ chức tội phạm có tổ chức… Và nhóm thứ 3 là các sĩ quan cấp cao. Ở cấp quốc gia, thì có một số đại biểu Quốc Hội, một vài chính khách lớn cũng có liên lụy trong các cuộc bạo động này. Một số đã bị bắt giữ.”

Một số nhà phân tích cho rằng bất luận các cuộc bạo động là do phe nhóm nào thực hiện đi chăng nữa, điều quan trọng hơn là phải tìm hiểu những nguyên do sâu xa đưa đến bạo loạn. Đồng thời giới phân tích lo ngại rằng, với sự hiện diện của quân đội Thái Lan tại miền Nam, sẵn sàng dùng vũ lực quân sự áp đảo để dẹp loạn, cái hố cách biệt văn hóa giữa người dân miền Nam theo Hồi giáo, với đại đa số tín đồ Phật Giáo ở những nơi khác trên lãnh thổ Thái Lan, sẽ càng sâu rộng hơn, kéo dài tình trạng bất ổn tại đây.

Trong khi đó, chính phủ Thái Lan đang chịu áp lực phải cung cấp một giải pháp cho các cuộc bạo động. Giáo Sư Perayot Rahimulla, thuộc đại học Pattani ở miền Nam Thái Lan, nói rằng nếu chính phủ Thái Lan không tìm ra được câu giải đáp cho vấn đề này, thì tình trạng bất ổn sẽ lan rộng. Ông nói:

“Trách nhiệm của chính phủ là tìm ra ai là kẻ phải chịu trách nhiệm về các cuộc bạo động, nhóm tranh đấu đòi ly khai, hay là tổ chức tội phạm. Chúng ta cần phải có những bằng chứng rõ rệt về vấn đề này.”

Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc và một số nước lân bang, như Malaysia, đã cáo buộc chính phủ của Thủ Tướng Thaksin Shinawat là đã quá mạnh tay trong chiến dịch bình định miền Nam, và khuyến cáo rằng, nếu chính phủ Thái Lan không lắng nghe nguyện vọng chính đáng của đa số cư dân miền Nam Thái Lan, khu vực này có thể trở thành một môi trường thuận lợi để những nhóm khủng bố quốc tế như Jemaah Islamiyah và al-Qaida tuyển mộ chiến binh, và như vậy thì cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu sẽ còn kéo dài.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG