Đường dẫn truy cập

Chứng bệnh trầm uất ở các sinh viên Hoa Kỳ. - 2004-04-05


Trong một nỗ lực nhằm nhận diện chứng bệnh trầm uất ở các sinh viên trước khi chứng bệnh này đưa tới những hậu quả tai hại hơn, Hội Ngăn Ngừa Tự Tử Hoa Kỳ đã thực hiện một chương trình thí điểm nhằm sàng lọc trước những ca bệnh trầm uất ở đại học. Cho đến nay, chương trình này chỉ được thực hiện ở hai trường đại học là Đại học Emory ở tiểu bang Georgia, và Đại học North Carolina.

Cô Ashley, một sinh viên 21 tuổi, theo học ngành Nghệ thuật Phim ảnh ở Đại học Emory, cho biết như sau:

Tôi đã nhận được e-mail đó, có lẽ là vào tháng 10 năm ngoái. Và tôi đã tham gia cuộc trắc nghiệm trên mạng, chỉ vì tôi thích làm trắc nghiệm trên mạng.

E-mail mà cô Ashley vừa nói đã được gởi tới cho tất cả các sinh viên bậc cử nhân ở trường Emory. Các sinh viên được mời làm một cuộc trắc nghiệm giấu tên, trong đó họ trả lời các câu hỏi về thói quen ăn uống, ngủ nghỉ cùng với các câu hỏi về những trạng thái tâm lý; như họ có cảm thấy cô đơn, buồn chán hay không...

Những câu trả lời đó sẽ được các nhà tâm lý học phân tích, và những sinh viên nào có dấu hiệu mà họ cho là có nguy cơ mắc bệnh trầm uất sẽ được mời tới phòng mạch của trường để nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên viên tư vấn xã hội.

Cô Ashley cho biết tiếp như sau về những gì đã xảy ra sau khi cô làm xong cuộc trắc nghiệm:

Tôi có được kết quả ngay lập tức, và người ta báo cho tôi biết là tôi cần đến gặp một chuyên viên tư vấn của trường; vì dựa trên kết quả của cuộc trắc nghiệm, họ nghĩ là tôi rất có thể mắc bệnh chán đời.

Cô Ashley nói rằng: lúc đầu, cô không nhận lời mời; nhưng sau vài tuần lễ, cô lại nhận được một e-mail khác mời cô đến gặp bác sĩ, và lần này, cô đã lấy hẹn đến phòng mạch của trường. Hiện giờ, cô được bác sĩ kê toa để dùng các loại thuốc trị bệnh trầm uất và cô đến nói chuyện với chuyên viên xã hội mỗi tuần một lần. Cô Ashley cho biết: trước khi nói chuyện với các chuyên gia tâm lý, cô cũng cảm thấy là tình trạng tâm lý của mình có gì không ổn, nhưng khi đó cô không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Bây giờ thì cô đã hiểu ra, và cô biết thêm rằng những bạn bè cùng trường cũng có một số người gặp phải tình trạng tương tự. Cô giải thích như sau:

Thời gian học đại học là một thời gian mà mọi việc không có gì là chắc chắn. Chúng tôi phải chịu sức ép đến từ cha mẹ. Và rồi chúng tôi lại tự đặt ra cho mình rất nhiều câu hỏi; như lớn lên mình sẽ làm gì, bây giờ mình phải học những gì, ý nghĩa thực sự của việc học đại học là gì, và sau khi học xong thì sao? Những ai không ứng phó thỏa đáng đối với những áp lực như thế thì chắc là có một lúc nào đó họ sẽ cảm thấy chán đời hay bị trầm cảm. Và theo tôi nghĩ, những người trẻ mới lớn, không phải ai cũng có khả năng để tự thoát ra khỏi trạng thái chán chường.

Một cuộc nghiên cứu mới được thực hiện hồi gần đây tại Đại học Tiểu bang Kansas cho thấy rằng tỉ lệ mắc bệnh trầm uất trong giới sinh viên ở Mỹ đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, và số sinh viên nghĩ đến chuyện tự tử đã tăng gấp 3 lần. Hiện nay, trong giới sinh viên, tự tử là nguyên do gây tử vong đứng hàng thứ nhì, chỉ sau các tai nạn.

Bà Jill Rosenberg là người phụ trách chương trình sàng lọc trước những sinh viên mắc chứng trầm uất ở Đại học Emory. Bà cho biết: tuy chưa hiểu rõ tất cả những nguyên do đưa tới sự gia tăng đó, nhưng các bác sĩ tâm lý hiện nay đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong việc nhận diện những vấn đề tình cảm, tâm lý của thanh thiếu niên. Bà Rosenberg nói thêm rằng: trong số những sinh viên nhận e-mail mà chương trình của bà gởi tới, có khoảng 10% đã tham gia cuộc trắc nghiệm; và nhờ vào sự tiện lợi của việc làm trắc nghiệm ẩn danh trên mạng, bà đã có thể tiếp xúc với những sinh viên cần giúp đỡ, những người mà nếu không có chương trình sàng lọc trước này thì họ không bao giờ tự ý đến phòng mạch để gặp các chuyên gia tâm lý. Cô Ashley, sinh viên khoa Nghệ thuật Phim ảnh, tán đồng nhận xét vừa kể.

Tôi nghĩ rằng đó là một cách rất có hiệu quả để tìm ra những người cần được giúp đỡ. Và đặc biệt là ở những trường có tỉ lệ sinh viên mắc bệnh trầm uất hay tỉ lệ tự tử ở mức cao, thì đây chương trình là một chương trình rất tốt. Sự tiện lợi và dễ dàng của việc làm trắc nghiệm trên mạng rất thích hợp cho giới sinh viên, là giới vốn có những người rất lười biếng.

Tháng giêng năm ngoái, Hội Ngăn Ngừa Tự Tử Hoa Kỳ đã thực hiện một chương trình thứ nhì ở Đại học North Carolina. Các viên chức của hiệp hội nói rằng chương trình này không tốn kém là bao nhiêu, và cho dù chỉ có giúp đỡ được một số rất ít sinh viên đi chăng nữa, thì sự tốn kém đó cũng rất xứng đáng. Mặc dù vậy, hiệp hội này hiện đang chờ để có được những dữ liệu rõ ràng về tính chất có hiệu quả của chương trình trước khi phát khởi một phong trào để vận động tất cả các đại học ở Mỹ thực hiện chương trình sàng lọc trước bệnh trầm uất của sinh viên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG