Đường dẫn truy cập

Trung Quốc: Đầu Tàu Kinh Tế của Khu Vực. - 2004-02-18


Lời dẫn: Thưa quý thính giả, Nhìn Về Á Châu, thì Trung Quốc đã bắt đầu đảm nhận một vai trò mới: nước này đã trở thành một thị trường lớn và đầu tàu kinh tế của khu vực Á Châu, với nhiều nước trong khu vực đang trở nên ngày càng lệ thuộc hơn vào thị trường Trung Quốc. Một số chi tiết quanh đề tài này, và tác động của bất cứ thay đổi nào trong đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đối với các nền kinh tế khu vực, sẽ được phân tích trong Tiết mục Nhìn Về Á Châu do Hoài Hương phụ trách sau đây.

Một phúc trình do Liên Hiệp Quốc công bố ngày thứ Tư 11 tháng Hai vừa rồi, nói rằng sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu trong năm ngoái đã được đánh dấu bởi sức mạnh tài chánh đang lên của hai quốc gia đông dân nhất thế giới: Ấn Độ và Trung Quốc. Mức tăng trưởng của cả hai quốc gia này nhanh gấp đôi mức tăng trưởng trung bình của các nước khác trên thế giới, và theo những đánh giá của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, sức tăng trưởng mạnh của hai nền kinh tế Ấn Độ-Trung Quốc sẽ có lợi cho nền kinh tế toàn cầu, và giúp đẩy mạnh nỗ lực xóa đói giảm nghèo, đồng thời là một tấm gương mà các nước đang phát triển có thể noi theo. Trong khuôn khổ mục Nhìn về Á Châu tuần này, chúng tôi chỉ xin tập trung vào một trong hai đầu tàu kinh tế đó: Trung Quốc.

Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành một trung tâm thương mại ở Châu Á, và ngay cả trở thành một đầu tàu để kéo theo nền kinh tế của Nhật Bản, một nước từng chiếm ngôi vị cường quốc kinh tế số Một Châu Á, và vốn vẫn đóng vai trò đầu tàu kinh tế cho khu vực trong quá khứ, cho tới khi nền kinh tế Nhật lâm vào tình trạng suy đồi trong một thập niên trở lại đây. Trong thời gian nền kinh tế Nhật bị suy thoái, thì ngôi sao kinh tế của Trung Quốc lại sáng dần, rồi nổi bật, để giờ đây, người Trung Hoa không còn dấu giếm vẻ tự hào, khi khẳng định chính Trung Quốc đã có công đưa nền kinh tế khu vực ra khỏi tình trạng èo uột, đến chỗ đạt được mức tăng trưởng khả quan hiện nay. Sau đây là phát biểu của Thủ Tướng Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo, về vấn đề này:

“Một nước Trung Quốc phát triển và hùng cường sẽ mang lại những cơ hội phát triển và lợi ích rõ rệt cho mỗi nước Á Châu, và đóng góp lớn lao cho hòa bình và phát triển ở Châu Á.”

Lời phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc không phải là lời nói suông, mà quả thực, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc và những đóng góp của nền kinh tế Trung Quốc cho Châu Á đã được một số nhà phân tích đánh giá là đáng kinh ngạc. Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của phần lớn các nước Đông Á và Đông Nam Á. Ông Jonathan Anderson, một kinh tế gia chuyên về Trung Quốc, nhận định:

“Trung Quốc giờ đây đã trở thành nước đóng góp nhiều nhất vào sự hồi phục của lĩnh vực xuất khẩu trong khu vực Á Châu. So sánh với Nhật Bản cách đây 10 năm về trước, nước Nhật chiếm 20% các mặt hàng xuất khẩu của khu vực và cung cấp 1 phần 3 các số tiền vay cho khu vực. Nay Trung Quốc đã đảm nhận vai trò đó, nước này mua đến 31% số lượng hàng hóa xuất khẩu của khu vực, và đang chuẩn bị để trở thành nước tài trợ cho các hoạt động kinh tế trong khu vực.”

Trong năm 2003, từ 40% đến 50% hàng xuất khẩu của Châu Á đã được xuất sang Trung Quốc. Toàn bộ mức tăng xuất khẩu của Đài Loan và Philippine được quy cho các đơn đặt hàng từ Trung Quốc. Trong khi đó các nước như Nhật Bản, Malaysia, Nam Triều Tiên và Australia cũng thừa nhận rằng Trung Quốc chịu trách nhiệm về ít nhất phân nửa mức tăng xuất khẩu của họ trong năm 2003. Tổng sản lượng nội địa của Malaysia, Singapore và Đài Loan tăng lên hơn 7%, cũng là nhờ các hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.

Theo các số liệu của Bộ Thương Mại Trung Quốc, thì trong 11 tháng đầu năm 2003, Trung Quốc nhập một số lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 42 tỉ phẩy 44 triệu đôla từ các nước ASEAN, tăng 52,1% so với năm trước, 2002. Trong các trao đổi này, mức thâm hụt mậu dịch từ phía Trung Quốc lên đến 15 tỉ 11 triệu đôla. Như vậy, hầu hết mọi trao đổi mậu dịch giữa Trung Quốc với khu vực đều mang lợi lộc về cho các nước Á châu.

Đây là một hiện tượng tương đối mới mẻ. Hồi năm 1990 chẳng hạn, Trung Quốc chỉ nhập có 6,8% hàng xuất khẩu của khu vực.

Ông Chi Lo, một kinh tế gia làm việïc tại Hong Kong, tác giả của quyển sách "Khi Châu Á gặp Trung Quốc trong Thiên Niên Kỷ Mới", nói:

“Trong năm 2001, mức thâm hụt mậu dịch của Trung Quốc trong các giao dịch với Á Châu trung bình hàng tháng lên tới khoảng 10 tỉ đôla, đây là một sự lật ngược tình thế toàn diện, so với hồi năm 1998, khi mức thặng dư mậu dịch của Trung Quốc với Á Châu, trung bình hàng tháng là 21 tỉ đôla.”

Chính nhu cầu của nền kinh tế nội địa Trung Quốc là yếu tố đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu trong khu vực, Nền kinh tế Trung Quốc tăng tới 9,1% hồi năm ngoái, mà một số ngân hàng đầu tư còn nói rằng con số thực thụ còn có thể cao hơn con số vừa kể từ 2 tới 3%. Sức tăng trưởng mạnh mẽ đó đòi hỏi nhiều tài nguyên, mà Trung Quốc không có đủ trong nước, và chính vì lý do này, Trung Quốc đã phải quay sang các nước Á Châu để nhập khẩu các món hoặc nguyên vật liệu cần thiết cho các hoạt động kinh tế của Trung Quốc.

Kinh tế gia Chi Lo còn nhận định là đà tăng trưởng kinh tế vượt trội của Trung Quốc và mãi lực của Trung Quốc là điều hiển nhiên, xét dân số Trung Quốc, và sự kiện nước này chỉ mới gia nhập cộng đồng kinh tế thế giới cách đây không bao lâu. Vẫn theo ông Lo, cứ theo đà này, Trung Quốc có triển vọng thay thế cả Hoa Kỳ trong tư cách là thị trường chủ yếu cho các hàng hóa do Châu Á xuất khẩu, và từng bước, nước này đang dần dà trở thành một nguồn đầu tư đáng kể trong khu vực.

Trên thực tế, Trung Quốc đã là một nước đầu tư lớn của khu vực. Trong năm 2003, Bộ Thương Mại Trung Quốc đã chấp thuận 510 dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, trị giá tổng cộng 2 tỉ 87 triệu đôla, tăng 112,3% so với năm 2002.

Nhưng các nhà kinh tế cảnh giác là vấn đề nằm ở chỗ nền kinh tế Trung Quốc không thể nào tiếp tục gia tăng theo đà hiện nay. Những lo ngại về nguy cơ nền kinh tế Trung Quốc có thể quá tải là một quan tâm lớn, và hầu hết mọi người đều trông đợi đã tăng trưởng này sẽ chậm lại. Ngay cả chính phủ Trung Quốc cũng dự đoán là nền kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại, còn khoảng 7% trong năm nay. Điều đó sẽ có tác động lớn đến khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, nhất là các nước mà nền kinh tế lệ thuộc nặng nề vào nguồn đầu tư đến từ Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG