Đường dẫn truy cập

Hạ viện Pháp thông qua dự luật cấm học sinh trường công không được mang khăn choàng đầu của phụ nữ theo đạo Hồi. - 2004-02-17


Hạ viện Pháp mới đây đã thông qua một dự luật cấm học sinh trường công không được mang khăn choàng đầu của phụ nữ theo đạo Hồi và những biểu tượng lộ liễu của các tôn giáo khác, như mũ chóp của người Do Thái, hoặc Thánh giá lớn quá khổ, đến trường. Với 494 phiếu thuận và 36 phiếu chống, Hạ viện của quốc gia có đông dân Hồi giáo nhất Âu châu này đã thông qua dự luật vừa kể hôm mồng 10 tháng 2, bất chấp những lời cảnh cáo của nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo là biện pháp cấm đoán này là một hành động bách hại người Hồi giáo và sẽ khích động chủ nghĩa quá khích trong số người theo đạo Hồi ở Pháp.

Theo dự liệu, dự luật này sẽ được Thượng viện biểu quyết chấp thuận trong tháng 3 và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9 năm nay. Biện pháp cấm đoán này không áp dụng cho các học sinh trường tư và những trường của Pháp ở nước ngoài.

Các nhà lãnh đạo Pháp gọi cuộc biểu quyết hôm thứ 3 tuần trước là một chiến thắng của sự trung lập về mặt tôn giáo của nhà nước và của nữ quyền; và theo lời Bộ trưởng Giáo dục Pháp, ông Luc Ferry, thì đây là một thắng lợi trong nỗ lực chống lại sự gia tăng đáng kể của những hành vi kỳ thị chủng tộc và kỳ thị người Do Thái trong 3 năm vừa qua tại các trường ở những vùng có nhiều sắc dân chung sống với nhau. Chủ tịch Hạ viện Pháp, ông Jean-Louis Debré nói rằng: dự luật này là một sự khẳng định rõ ràng của quan điểm cho rằng trường học là nơi để học tập chứ không phải để có những hoạt động tranh đấu hoặc truyền đạo.

Dự luật vừa kể có sự hậu thuẫn rộng rãi của công chúng ở Pháp và nhắm đến mục tiêu duy trì tính chất thế tục của quốc gia để chống lại điều mà họ cho là mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan trong số những người theo đạo Hồi. Một số chính khách ủng hộ dự luật cho rằng những nữ sinh Hồi giáo mang khăn choàng đầu đến trường đã bị thao túng bởi những phần tử Hồi giáo quá khích, và biện pháp cấm đoán này sẽ giúp cho các em đó phá vỡ tình trạng lệ thuộc để được hưởng sự bình đẳng và tự do của xã hội Pháp.

Với mục đích bác bỏ những lời chỉ trích cho rằng dự luật này có tính chất kỳ thị tôn giáo, thủ tướng Jean-Pierre Raffarin tuyên bố hôm mồng ba tháng này tại phiên khai mạc của cuộc tranh luận ở Hạ viện rằng: một số dấu hiệu tôn giáo đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các trường học của Pháp, và theo ông, những dấu hiệu đó đã mang lấy một ý nghĩa chính trị và vì thế, không thể tiếp tục được xem là một dấu hiệu tôn giáo.

Các nhà lãnh đạo Pháp hy vọng rằng dự luật này sẽ giúp cho cộng đồng người Hồi giáo thiểu số hội nhập nhanh chóng hơn vào xã hội Pháp, và có thể chấm dứt cuộc tranh cãi về khăn choàng đầu đã gây xôn xao dư luận từ năm 1989, khi hai nữ sinh của một trường ở ngoại ô Paris bị đuổi học vì mang khăn choàng đầu đến trường.

Từ đó đến nay đã có nhiều nữ sinh Hồi giáo bị phạt hoặc bị cho nghỉ học vì lý do tương tự, nhưng những quyết định đó hoàn toàn tùy thuộc vào ý kiến của các giới chức quản trị học đường. Sau khi dự luật được thông qua, dân biểu Martine David thuộc đảng Xã hội nói rằng: dự luật này rất cần thiết vì các giáo viên cần có một cơ sở pháp lý rõ rệt để bảo vệ cho sự tách biệt giữa nhà nước với tôn giáo và để duy trì truyền thống thế tục bắt nguồn từ cuộc Cách mạng Pháp năm 1789.

Tuy có được sự ủng hộ rộng rãi trong công chúng Pháp, nhưng dự luật cấm nữ sinh Hồi giáo mang khăn choàng đầu đến trường cũng đã gặp phải sự chỉ trích từ nhiều phía, chẳng những từ các cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới mà còn từ những nhà lãnh đạo các tôn giáo khác, như Đức Giáo Hoàng của Thiên Chúa Giáo La Mã, tổng giám mục Canterbury của Anh quốc giáo, và một số nhà lãnh đạo của người theo Do Thái giáo và người Sikh ở Ấn Độ. Nhiều nhà lãnh đạo Hồi giáo ở Pháp cho rằng dự luật này có tính cách kỳ thị và sẽ tạo ra nhiều vấn đề khó khăn.

Tường thuật của tờ The Guardian ở Anh trích lời người cầm đầu Liên hiệp các Tổ chức Hồi giáo Pháp, ông Lhaj-Thami Breze nói rằng dự luật vừa được thông qua là một hành vi bách hại người Hồi giáo và điều đó sẽ khiến cho họ trở nên quá khích. Một nhà xã hội học ở Pháp, ông Farhad Khosrokhavar cho biết: chỉ có khoảng 20% trong số 5 triệu tín đồ Hồi giáo ở Pháp được xem là những người ngoan đạo, nhưng ngay cả những người vốn không muốn mang khăn choàng đầu cũng cảm thấy bị xúc phạm vì lệnh cấm này chính là một hành vi tước đoạt quyền tự do cá nhân. Tường thuật của hãng thông tấn AP hôm thứ 3 vừa qua trích lời phó chủ tịch Nghị hội Do thái Thế giới, ông Greville Janner nói rằng: quyết định của Hạ viện Pháp là một quyết định đáng buồn. Theo ông Janner, các công dân trong một xã hội đa văn hóa có quyền được ăn bận hay đeo những biểu tượng tôn giáo thích đáng mà họ muốn.

Bên cạnh các nhân vật lãnh đạo tôn giáo, một số chính khách ở Âu châu cũng bày tỏ quan tâm đối với lệnh cấm khăn choàng đầu ở Pháp. Một nhà lập pháp của quốc hội Âu châu, ông Claude Moraes cho biết: ông đã yêu cầu Ủy hội Liên hiệp Âu châu và Hội đồng Âu châu nghiên cứu xem dự luật của Pháp có mâu thuẫn với hai chỉ thị về sự bình đẳng trong công ăn việc làm và bình đẳng chủng tộc mà Liên hiệp này đã đưa ra hồi năm ngoái hay không. Ngoài ra, thị trưởng London, ông Ken Livingstone cũng đã viết thư cho thủ tướng Jean-Pierre Raffarin của Pháp để yêu cầu cứu xét lại dự luật mà ông cho là có thể tạo ra nhiều mối căng thẳng chẳng những ở Pháp mà còn lan rộng trên khắp Âu châu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG