Đường dẫn truy cập

Các khoa học gia hàng đầu của Pháp lên tiếng phản đối sự bỏ rơi của nhà nước đối với các hoạt động khảo cứu. - 2004-01-19


Thưa quí thính giả và các bạn sinh viên học sinh, hơn 5300 khoa học gia hàng đầu của Pháp mới đây đã lên tiếng phản đối điều mà họ gọi là “sự bỏ rơi của nhà nước” đối với các hoạt động khảo cứu, và yêu cầu chính phủ gia tăng ngân sách nghiên cứu, ngưng phong tỏa các ngân khoản dành cho các phòng thí nghiệm quốc gia, và đảo ngược quyết định cắt giảm công ăn việc làm của các nghiên cứu sinh.

Trong một thỉnh nguyện thư phổ biến trên Internet hồi đầu tháng này, các khoa học gia Pháp nói rằng mặc dù lúc nào cũng tuyên bố là đặt công tác khảo cứu khoa học làm ưu tiên hàng đầu của quốc gia, nhưng trên thực tế, chính phủ Pháp đang đóng cửa khu vực nghiên cứu công. Thỉnh nguyện thư này nói thêm rằng nếu giới hữu trách không nhận thức được tính chất nghiêm trọng của tình hình, đặc biệt là sự tuyệt vọng của các nhà nghiên cứu trẻ, thì những nhà khoa học ký tên trong thỉnh nguyện thư, trong đó có những người cầm đầu một số các phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu quốc gia nổi tiếng, sẽ đồng loạt từ chức.

Trước sự bất mãn của các nhà nghiên cứu, tổng thống Pháp, ông Jacques Chirac, đã lên tiếng cam kết sẽ triển khai một kế hoạch quốc gia mà ông cho là "sẽ mang lại một nguồn sinh lực mới cho lãnh vực nghiên cứu-phát triển". Nhà lãnh đạo Pháp nói thêm rằng khi kế hoạch này được hoàn tất vào năm 2010, tỉ lệ 2% tổng sản lượng quốc gia mà nước Pháp đang chi tiêu cho công tác nghiên cứu-phát triển hiện nay sẽ được tăng lên tới mức 3%, tương đương với mức chi tiêu của các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Đức.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Le Monde hôm thứ Năm vừa qua, ông AlainTrautmann, đồng giám đốc khoa sinh học tế bào của Viện Cochin, nói rằng: năm 2003 là "Một năm đen tối" của giới nghiên cứu ở Pháp và triển vọng của năm 2004 cũng u ám không kém.

Theo ông Trautmann, ngân sách nghiên cứu bị sút giảm đáng kể đã gây tác động tiêu cực đến công tác khảo cứu trong năm 2003 và số chỗ làm dành cho các nhà nghiên cứu trẻ trong năm 2004 đã bị sút giảm mạnh. Ông nêu lên trường hợp của Viện Nghiên cứu Y khoa Quốc gia Inserm làm thí dụ và cho biết số nghiên cứu sinh làm việc ở viện này đã từ con số 95 trong năm 2002 giảm xuống chỉ còn 30 trong năm nay. Tường thuật của tờ The Guardian ở Anh, số ra ngày thứ Ba vừa qua, cho biết có đến 550 việc làm thường trực dành cho nghiên cứu sinh ở các trung tâm nghiên cứu của Pháp bị cắt giảm trong năm 2004.

Các nhà khoa học Pháp nói rằng trong hai năm vừa qua, ngân sách và các khoản tài trợ dành cho các cơ quan nghiên cứu nổi tiếng thế giới của Pháp, như các phòng thí nghiệm Curie và Pasteur, trung tâm nghiên cứu y khoa Inserm, và trung tâm nghiên cứu khoa học ứng dụng Inra, đã bị cắt giảm với một mức độ chưa từng có trong lịch sử nước Pháp. Điều này đã khiến cho các nhà khoa học Pháp phải hủy bỏ nhiều dự án nghiên cứu, đình hoãn việc mua sắm trang thiết bị, và công tác nghiên cứu của Pháp nói chung đang tiến vào giai đoạn mà họ gọi là giai đoạn kém phát triển.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Le Monde, nhà nghiên cứu AlainTrautmann của Viện Cochin cho biết hiện nay, xét về số lượng những bài nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí khoa học, nước Pháp còn tụt hậu so với nước Đức và kém xa Thụy Ðiển, và toàn bộ Âu Châu nói chung vẫn còn tụt hậu so với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada. Ông nói thêm rằng các nhà khoa học Âu Châu đang có khuynh hướng đòi hỏi các chính phủ triển khai một "kế hoạch Marshall" cho công cuộc nghiên cứu-phát triển thông qua việc gia tăng đáng kể những tài nguyên nhân lực và vật lực để hỗ trợ và thăng tiến khu vực nghiên cứu công.

Theo ông Trautmann, ủy viên đặc trách nghiên cứu phát triển của Liên hiệp Âu châu, ông Phillipe Busquin, ước tính rằng từ nay cho đến năm 2010, Âu châu cần có thêm 700,000 nhà khoa học để có thể đứng ngang tầm với Hoa Kỳ trong lãnh vực nghiên cứu, nhưng điều mà chính phủ Pháp đang làm hiện nay, giảm thiểu số lượng các nhà nghiên cứu, lại đi ngược với những gì mà nước Pháp và Âu Châu đang cần.

Tường thuật của tờ The Guardian trích lời ông Axel Kahn, một nhà di truyền học nổi tiếng đang giữ chức giám đốc Viện Cochin, nói rằng thỉnh nguyện thư của các nhà khoa học Pháp là một lời kêu gào của lo lắng và là một hiện tượng có tính cách lịch sử vì chúng tôi đang ở trong một tình trạng nghiêm trọng chưa từng có.

Ông Kahn nói thêm rằng số khoa học gia trẻ của Pháp đi tìm việc làm ở nước ngoài, phần lớn là ở Mỹ, mỗi lúc một đông. Lý do là vì các cơ quan nghiên cứu ở Pháp chẳng những chỉ có thể dành cho họ những hợp đồng ngắn hạn với số lương từ 1800 đến 2000 Euro mỗi tháng, mà còn không có sự hỗ trợ thích đáng về kỹ thuật và hoàn toàn không có bảo đảm gì cho công ăn việc làm của họ.

Theo tờ The Guardian, hiện tượng xuất não của Pháp có thể thấy được qua việc khoảng 4% giới nghiên cứu Pháp đang định cư ở Mỹ, trong số đó có ông Luc Montagnier, người đồng khám phá vi rút HIV, và ông Jean-Loup Chrétien, phi hành gia đầu tiên của Pháp. Ông Claude Allègre, một nhà địa chất học nổi tiếng thế giới từng giữ chức Bộ trưởng Giáo dục Pháp, cũng cho biết là ông đang tính đến chuyện di cư sang Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG