Đường dẫn truy cập

Quan hệ Việt - Hoa trong thế kỷ 21. - 2003-12-17


Tại một cuộc hội thảo về phát triển cho Việt Nam, một nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã trình bày cái nhìn của ông về quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong thời gian qua và đưa ra một số nhận định về mối quan hệ này. Huy Phương đến dư hội thảo và ghi lại những nét chính trong các ý kiến của ông.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày nay đã thay đổi rất nhiều so năm 1979, là năm mà lãnh tụ Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc tuyên bố sẽ dạy cho Việt Nam một bài học.

Đó là phần mở đầu trong bài tham luận của Tiến Sĩ Henry Kenny, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược của tổ chức CAN, trụ sở ở thủ đô Washington. Bài tham luận đã được đọc trước cuộc hội thảo về Phát triển Việt Nam do hội Chuyên Gia Việt Nam trong vùng Washington tổ chức.

Sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục có những vụ giao tranh lẻ tẻ trong khoảng 10 năm. Cùng lúc với sự kiện Việt Nam rút quân khỏi Kampuchia vào năm 1989, Trung Quốc và Việt Nam đã mở lại các cuộc tiếp xúc sơ bộ và dần dần tiến đến chuyện nối lại bang giao vào năm 1991, mà đỉnh cao là hiệp định tại Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, vào năm 1991.

Sau hiệp định Thành Đô, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam đã cải tiến. Trung Quốc tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong những dự án đã được đề từ thập niên 1960 hoặc 1970; đó là những dự án này về sắt thép, phân bón và hóa chất. Trung Quốc cũng giúp nâng cấp nhà máy gang thép Thái Nguyên vào năm 1999, và gần đây hứa xóa nợ cho Việt Nam 50 triệu đôla.

Cũng vào năm 1999, Việt Nam và Trung Quốc ký hiệp định trên bộ và một năm sau đó ký hiệp định trên biển. Cả 2 hiệp định này đều bị các học giả và cộng đồng người Việt ở nước ngoài chỉ trích mạnh mẽ, vì cho rằng Việt Nam đã nhường đất quá nhiều cho Trung Quốc; trong khi chính phủ Việt Nam thì nói rằng các hiệp định đó cần thiết để Việt Nam có hòa bình và phát triển kinh tế.

Theo lời Tiến sĩ Kenny, chính sách của Việt Nam nhượng bộ quá nhiều cho Trung Quốc không còn thích hợp trong khung cảnh quốc tế hiện nay. Ông nói tiếp:

Chắc chắn là sự cẩn thận thì bao giờ cũng tốt hơn, nhưng trong lĩnh vực kinh tế hiện nay Việt Nam sẽ được lợi nhiều hơn nếu phát triển quan hệ kinh tế với Nhật Bản, Nam Triều Tiên , Đài Loan , các nước ASEAN, các nước châu Âu và Hoa Kỳ. Bằng chứng là trong 10 năm qua, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam rất ít, và hầu hết các dự án được Trung Quốc tài trợ đều là những dự án nhỏ; lớn nhất là dự án chế xuất Linh Trung tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 14 triệu đôla. Trung Quốc đứng hàng thứ 17 về đầu tư tại Việt Nam. Đó là chưa kể tình hình cạnh tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc trên thị trường thế giới về một vài mặt hàng, ví dụ như hàng dệt may và giày dép.

Tiến Sĩ Kenny còn cho rằng vì muốn chiều lòng Trung Quốc , Việt Nam có xu hướng muốn phát triển kinh tế dựa trên mô hình của Trung Quốc.

Tôi xin nhấn mạnh là khi dựa chủ yếu vào mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc, Việt Nam tư đặt mình vào một số rủi ro. Tôi không phủ nhận thành tích tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nhưng chỉ xin lưu ý rằng những số liệu về tăng trưởng của Trung Quốc, tuy rất ấn tượng, nhưng cũng đã được thổi phồng. Hiện tượng tham nhũng tại Trung Quốc đang lan tràn, môi trường đang bị hủy hoại, các món nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc ước tính từ 350 tỉ đến 750 tỉ đôla, số người thất nghiệp thực sự và thất nghiệp trá hình lên đến 170 triệu.

Sau phần tham luận, Tiến Sĩ Kenny trả lời một số câu hỏi liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Về cuộc tranh chấp tại quần đảo Trường Sa, ông Kenny cho biết:

Cuộc tranh chấp tại đó không có nhiều căng thẳng. Có lẽ Bắc Kinh đã nhận ra rằng những lời rêu rao trước đây của Nga, nói rằng trữ lượng dầu hỏa tại Trường Sa rất lớn, là điều không đúng sự thực. Lý do quần đảo này nằm quá xa thềm lục địa, rất khó có dầu hỏa, mà nếu có đi chăng nữa thì với mực nước sâu như vậy thì chuyện khai thác rất tốn kém. Do đó, hiện nay cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều bảo lưu ý kiến mình tại đó, và cam kết sẽ không dùng vũ lực vì cuộc tranh chấp này.

Và dĩ nhiên là câu hỏi về chuyến đi Hoa Kỳ mới đây của Bộ Trưởng Quốc Phòng Phạm Văn Trà cũng đã được nêu ra. Tiến sĩ Kenny trả lời như sau:

Không phải là ngẫu nhiên mà chuyến đi Washington của Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam diễn ra chỉ một tuần lễ sau khi có chuyến đi của Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc. Trong vòng 2 năm qua, quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở mức tốt đẹp, và Trung Quốc đang tìm cách đóng một vai trò mới tại Đông Nam Á ; do đó, tôi nghĩ rằng chuyến đi của tướng Trà đã diễn ra trong bối cảnh này. Điều này cho thấy chính sách ngoại giao của Việt Nam, giả sử như muốn thân thiện hơn nữa với Hoa Kỳ, cũng gặp vài mặt hạn chế vì Việt Nam không muốn làm phật lòng Trung Quốc.

Tiếp lời Tiến Sĩ Kenny, một diễn giả khác có mặt trong cuộc hội thảo là giáo sư Carl Thayer cũng đóng góp ý kiến về chuyến đi này. Giáo sư Thayer đang dạy tại Học Viện Quốc Phòng của Australia :

Tôi cho rằng Hoa Kỳ đưa 3 thành viên trong nội các ra tiếp tướng Phạm Văn Trà không phải chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Dĩ nhiên qua các cuộc thảo luận thì không thể nào mang lại tất cả kết quả trông đợi, nhưng tôi tin rồi đây, Việt Nam sẽ được mời tham gia chương trình huấn luyện quân sự quốc tế của Hoa Kỳ. Việt Nam rồi đây có thể sẽ buộc những quân nhân nào muốn thăng quan tiến chức phải tốt nghiệp một khóa học cụ thể nào đó, và nếu khóa học đó diễn ra ở nước ngoài thì càng càng có thế giá hơn.

Ảnh hưởng của mặt này về lâu về dài rất quan trọng. Ngoài ra, sau chuyến đi này, tôi nghĩ trong tương lai Hoa Kỳ có thể cho phép các công ty Hoa Kỳ bán những mặt hàng quân sự nhạy cảm cho Việt Nam. Tóm lại, tôi cho rằng rồi đây quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tiến xa hơn những cái bắt tay xã giao mà các Bộ Trưởng đã cho chúng ta thấy.

Câu hỏi cuối cùng có liên quan đến bài tham luận của Tiến sĩ Kenny, là trước tình hình quan hệ hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam, Hoa Kỳ nên đi theo một chính sách nào. Tiến sĩ Kenny trả lời:

Hoa Kỳ có thể đóng vai trò tích cực bằng cách giao tiếp với Việt Nam dựa trên đặc tính thực sự của Việt Nam, thay vì dùng Việt Nam làm quân cờ để đối phó với Trung Quốc. Thông qua các khoản đầu tư, thương mại, giúp đỡ tư nhân, trao đổi văn hóa, nhấn mạnh đến những lợi điểm của một xã hội đa nguyên, thì Hoa Kỳ có thể làm giảm bớt một vài mặt tiêu cực đang gặp phải, do mối quan hệ ngày càng cải tiến giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Quý vị vừa theo dõi những phát biểu của một số nhà nghiên cứu liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các phát biểu này được đưa ra trong một cuộc hội thảo mới đây do Hội Gia Việt Nam trong vùng thủ đô Washington tổ chức.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG