Đường dẫn truy cập

Indonesia và phong trào ly khai tỉnh Aceh: Cuộc chiến bị lãng quên. - 2003-11-24


Lời Dẫn: Thưa quý thính giả, trong khi thế giới đang tập trung theo dõi các diễn biến liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, thì tại một góc của Châu Á, một cuộc chiến khác đang diễn ra trước sự thờ ơ của quốc tế. Đó là cuộc chiến do quân đội Indonesia tiến hành chống thành phần đòi ly khai tại tỉnh Aceh. Một số chi tiết về phong trào đấu tranh đòi ly khai tại Aceh, và những gì đang xảy ra tại nơi này sẽ được trình bày trong Tiết mục Nhìn Về Á Châu do Hoài Hương phụ trách sau đây:

Thưa quý thính giả, cuộc chiến do chính phủ Indonesia phát động chống thành phần đòi ly khai tại tỉnh Aceh đã bước sang tháng thứ 7, mà xem chừng như vẫn chưa thấy ánh sáng nào le lói ở cuối con đường hầm để có thể hy vọng là cuộc đổ máu sẽ chấm dứt. Tính cho tới nay, đã có 16,000 người thiệt mạng trong cuộc hành quân được mô tả là chiến dịch quân sự quy mô nhất mà Jakarta đã phát động trong 25 năm qua.

Hôm thứ Tư, Tổng Thống Megawatti Sukarnoputri đã hạ lệnh gia hạn thiết quân luật tại Aceh thêm 6 tháng nữa cho tới tháng Năm sang năm, và Tướng Bamgbang Darmono, Tư Lệnh lực lượng quân đội Indonesia tại Aceh tuyên bố lực lượng dưới quyền ông đang thắng thế trong trận chiến để gọi là “chiếm trái tim và khối óc của nhân dân Aceh”.

Thế nhưng, chính phủ Indonesia hầu như đã kéo một bức màn dầy đặc để che lấp chiến dịch quân sự đang tiếp diễn tại Aceh, cấm chỉ người tây phương lai vãng đến khu vực, và tìm cách chận đứng, không để cho thông tin thoát ra khỏi tỉnh Aceh, khiến nhiều người không khỏi thắc mắc về những gì đang thực sự xảy ra đàng sau bức màn của Jakarta?

Aceh nằm tại miền bắc đảo Sumatra thuộc Indonesia. Tỉnh này có dân số lên tới 4 triệu 300 ngàn người, và có nguồn tài nguyên phong phú về năng lượng, kể cả dầu hỏa và khí đốt. Khu vực này còn là cứ địa của nhiều thành phần bảo thủ Hồi giáo. Hồi năm ngoái, luật Hồi giáo nghiêm ngặt đã được mang ra áp dụng tại đây. Phong trào Giải Phóng Aceh, tiếng Indonesia là Gerakan Aceh Merdeka, gọi tắt là GAM, đặt căn cứ tại đây và đã phát động cuộc nổi dậy đòi ly khai từ hơn 25 năm nay.

Phong Trào Giải Phóng Aceh ra đời vào ngày 4 tháng 12 năm 1976, sáng lập viên là Hasan di Tiro, hậu duệ của tiểu vương cuối cùng tỉnh Aceh. Cho tới nay, Phong Trào này vẫn duy trì lập trường là ngay từ năm 1949, lúc các vùng lãnh thổ dưới quyền đô hộ của Hà Lan được gộp lại để thành lập Nước Cộng Hòa Indonesia, lẽ ra vương quốc Aceh không nên được sát nhập vào với các lãnh thổ này bởi lẽ Aceh chưa từng chính thức thuộc quyền cai trị của người Hà Lan.

Qua thời gian, Phong trào Giải Phóng Aceh đã phát triển từ 150 thành viên đầu tiên, thành một lực lượng vũ trang được ước lượng vào khoảng từ 2,000 đến 3,000 người, hiện nay do Mahmood Malik cầm đầu. Nhưng lực lượng của GAM không sao sánh được với các lực lượng an ninh của Indonesia gồm 20,000 quân và 8,000 nhân viên cảnh sát trú đóng tại tỉnh Aceh, con số này đương nhiên đã được tăng cường trong những tuần lễ trước khi cuộc tranh chấp mới nhất bùng nổ. Chiến dịch quân sự vẫn đang tiếp diễn tại Aceh khởi sự sau khi các cuộc hòa đàm tại Tokyo thất bại. Ngày 19 tháng Năm năm nay, Jakarta rút ra khỏi thỏa thuận ngưng bắn, điều động 40,000 quân nhân và cảnh sát đến tỉnh Aceh, trong nỗ lực nhằm đập tan, một lần cuối cùng, phong trào đòi ly khai tại Aceh, với một sức mạnh quân sự áp đảo.

Chỉ mới hồi cuối năm ngoái, người ta đã hy vọng là cuộc tranh chấp tại Aceh có dấu hiệu sắp sửa chấm dứt. Chính phủ Indonesia và Phong Trào Giải Phóng Aceh đã đi đến một thỏa thuận hòa bình, vào lúc đó được hoan nghênh là có triển vọng chấm dứt 26 năm bạo động.

Theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 12 năm 2002, Jakarta tuyên bố Aceh có thể có một chính phủ tự trị trước năm 2004, và chính phủ tự trị sẽ được quyền duy trì 70% lợi tức do nguồn tài nguyên dầu hỏa của Aceh mang lại. Đánh đổi lại, thành phần nổi dậy tại Aceh đồng ý buông súng và giao nạp vũ khí cho Jakarta, và từ bỏ đòi hỏi giành độc lập cho Aceh.

Về những lý do vì sao thỏa thuận hòa bình giữa Jakarta với Phong Trào Giải Phóng Aceh tan vỡ, bà Sidney Jones, người cầm đầu Nhóm Can Thiệp ngăn chận Khủng Hoảng Quốc Tế tại Indonesia, nói rằng các cuộc thương thuyết đã đi vào bế tắc, vì thỏa thuận đạt được hồi tháng 12 năm ngoái, không lấp đầy được khoảng cách biệt quan điểm quá sâu rộng giữa hai bên.

Mục tiêu chủ yếu của Phong Trào Giải Phóng Aceh là độc lập, tách hẳn khỏi Indonesia, một đòi hỏi khó có thể trở thành hiện thực bởi vì Jakarta quyết tâm chống đối giải pháp độc lập, sau kinh nghiệm đầy cay đắng với Đông Timor. Theo bà Sidney Jones, thì khác biệt quan điểm căn bản đó đã không hề được đào sâu trong thỏa thuận hòa bình đạt được hồi cuối năm ngoái.

Trong cuộc tranh chấp tại Aceh, cả hai bên đều bị cáo buộc đã vi phạm các hành động vi phạm nhân quyền. Trong tuần lễ đầu tiên của chiến dịch quân sự mới nhất, nhiều dân làng kể với phóng viên Hãng Thông Tấn AP rằng họ đã thấy quân đội Indonesia nổ súng vào nhiều người không vũ trang bị các binh sĩ Indonesia nghi là phần tử nổi loạn. Từ khi chiến dịch quân sự khởi sự, quân đội Indonesia đã giết chết 1,000 người bị họ cáo buộc là phần tử nổi loạn, và bắt giữ ít nhất 2000 người khác. Phe nổi dậy tại Ache tố cáo phần lớn những người bị sát hại là dân thường.

Trong một lời phát biểu cách đây vài ngày, Tướng Darmono, Tư lệnh lực lượng Indonesia tại Aceh, thú nhận rằng đánh đập các nghi can là một cung cách hành xử có thể chấp nhận được, và mặc dù ông nói thêm rằng ông không chấp nhận các hành động tra tấn khiến cho các nạn nhân trở nên tàn phế, thế nhưng lời thú nhận đó của vị tướng lãnh đã từng được Australia đào tạo này, cũng đã gây phẫn nộ và quan ngại trong giới bênh vực quyền làm người quốc tế. Quốc Hội Liên Hiệp Châu Âu đã lên án quyết định của Jakarta gia hạn thiết quân luật và kêu gọi Indonesia hãy tái tục các cuộc hòa đàm với phe nổi dậy đòi ly khai. Mặt khác, Liên Hiệp Châu Âu cũng kêu gọi Phong Trào Giải Phóng Aceh hãy buông súng, và đeo đuổi nguyện vọng của mình qua tiến trình dân chủ.

Song song với chiến dịch quân sự, chính phủ của Tổng Thống Megawatti Sukarnoputri hứa sẽ thu phục nhân tâm của dân Aceh, nhưng sau nhiều thập niên nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Indonesia, thường bị cáo buộc đã có hành động vi phạm nhân quyền có hệ thống, dân cư tỉnh Aceh khó có thể quên được những kinh nghiệm cay đắng đã trải qua trong suốt thời kỳ cai trị đầy áp bức của Indonesia, bất kể những “món quà” từ Jakarta, những chiếc máy cày và vật phẩm khác được đưa đến Aceh trong thời gian gần đây, trong chiến dịch, gọi là để giành con tim và khối óc của nhân dân Aceh. Phản ánh tâm trạng tuyệt vọng của người dân Aceh trong lúc này, bà Syarifah Murlina, thuộc Hội Hỗ Trợ Pháp Lý Aceh, phát biểu:

Chúng tôi hy vọng sẽ trông thấy ánh sáng, sau khi thời kỳ đen tối này chấm dứt.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG