Đường dẫn truy cập

Một số nhà làm luật ở Mỹ đề xuất một dự luật nhằm ngăn chận đà gia tăng nhanh chóng của học phí đại học hiện nay. - 2003-10-20


Hôm thứ Năm vừa qua, một số nhà làm luật ở Mỹ đã tỏ ý lo ngại về tình trạng học phí đại học gia tăng quá nhanh và đã đề xuất một dự luật nhằm phá bỏ một chướng ngại mà họ nói là sẽ ngăn không cho khoảng 2 triệu học sinh theo học đại học trong vòng 10 năm tới đây.

Hôm thứ Năm vừa qua, dân biểu Howard McKeon, một trong các nhà làm luật thuộc đảng Cộng hòa phụ trách công tác lập pháp liên quan đến giáo dục bậc cao đẳng ở Hạ viện Mỹ, đã đề xuất một dự luật nhằm ngăn chận đà gia tăng nhanh chóng của học phí đại học hiện nay. Nếu dự luật này được thông qua, những đại học nào tăng học phí với tỉ lệ cao hơn gấp đôi tỉ lệ vật giá leo thang trong 3 năm liên tiếp sẽ bị liệt kê vào danh sách những trường cần được theo dõi, và nếu tình trạng không được cải thiện trong vòng 3 năm, các trường đó sẽ không được nhận những khoản trợ cấp nhiều triệu đô la của chính phủ liên bang.

Theo tường thuật của nhật báo New York Times, số ra ngày thứ Sáu vừa qua, dân biểu McKeon cảnh cáo rằng nếu học phí và lệ phí đại học tiếp tục gia tăng như hiện nay thì trong vòng 10 năm tới đây sẽ có khoảng 2 triệu học sinh thuộc những gia đình có mức thu nhập thấp không thể theo học đại học vì không đủ khả năng đài thọ. Vị dân biểu đại diện tiểu bang California và là thành viên cao cấp của Ủy ban Giáo dục Hạ viện này nói thêm rằng: ông hy vọng là dự luật của ông sẽ thu hút sự chú ý của các giới chức đại học và những giới chức này sẽ hiểu rằng vấn đề tăng học phí là một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Theo ước tính của một hiệp hội toàn quốc của các cơ sở giáo dục, Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ: nếu dự luật của dân biểu Howard McKeon có hiệu lực ngay từ bây giờ thì trong danh sách những trường cần được theo dõi sẽ có ít nhất 225 đại học công, 470 đại học tư và 625 trường huấn nghệ bậc cao đẳng. Con số vừa kể chiếm 24% của tổng số các cơ sở giáo dục cao đẳng và đại học trên cả nước. Các chuyên gia làm việc cho Ủy ban Giáo dục Hạ viện nói rằng con số vừa kể cho thấy mức độ nghiêm trọng của tệ nạn gia tăng học phí một cách bừa bãi.

Tờ New York Times trích lời phát ngôn viên của Ủy ban Giáo dục Hạ viện, ông David Schnittger, nói rằng điều này cho thấy một cách rõ ràng là có hàng trăm trường đại học hiện đang tham gia trong một cuộc chạy đua gia tăng học phí và gây thiệt hại cho quyền lợi của các vị phụ huynh và các em học sinh.

Để bênh vực cho quyết định gia tăng học phí, các giới chức đại học nói rằng chi phí điều hành đại học đã gia tăng trong những năm gần đây vì những khoản chi tiêu vượt ngoài tầm kiểm soát của họ; chẳng hạn như tiền bảo hiểm sức khỏe và tiền điện nước đã gia tăng với tỉ lệ từ mười đến hai mươi hoặc ba mươi phần trăm mỗi năm.

Bên cạnh đó, các trường đại học công lập cho rằng việc áp đặt những biện pháp có tính chất trừng phạt đối với họ là không công bằng, vì lý do chủ yếu khiến họ phải tăng học phí là để bù vào những khoản cắt giảm quá lớn trong số chi tiêu của chính phủ tiểu bang dành cho công tác giáo dục cao đẳng và đại học. Ngoài ra, các giới chức quản trị của những đại học công lập còn nói rằng hầu hết các đại học công không nắm quyền kiểm soát đối với vấn đề ấn định mức học phí, mà quyền này nằm trong tay của các vị thống đốc và các viện lập pháp của tiểu bang hoặc của những hội đồng gồm những thành viên do chính phủ bổ nhiệm.

Các giới chức đại học cũng đưa ra một lập luận khá vững chắc để phản bác đề nghị của dân biểu Howard McKeon, dự luật này rốt cuộc sẽ mang lại những thiệt hại cho chính những sinh viên mà dự luật định giúp đỡ. Mặc dù dự luật McKeon sẽ không ảnh hưởng tới hai nguồn trợ giúp chính của những sinh viên nghèo là chương trình tài trợ Pell và chương trình cho vay Stafford; nhưng một số chương trình trợ giúp của chính phủ liên bang dành cho các trường đại học sẽ bị ngưng; đặc biệt là những khoản tiền dành để giúp trả lương cho những sinh viên làm việc thêm ở nhà trường, cấp học bỗng cho sinh viên nghèo, và tài trợ cho những chương trình cho vay nhẹ lãi.

Cũng liên quan đến vấn đề học phí đại học gia tăng quá nhanh, tin tức báo chí ở Mỹ trong vài ngày qua cho biết học phí gia tăng nhanh hơn dự liệu cộng với sự sút giảm của lợi nhuận từ những khoản tiền đầu tư đã khiến giới hữu trách ở một số tiểu bang quyết định tạm ngưng những chương trình trả trước học phí đại học. Những chương trình này được thiết kế để giúp các gia đình có con định vào đại học được trả trước học phí của các đại học công với mức học phí hiện nay.

Các chính phủ tiểu bang dùng những khoản tiền trả trước này để đầu tư với hy vọng là lợi nhuận từ đó sẽ đủ để trang trải số học phí sau này khi đứa bé đến tuổi vào đại học. Theo ước tính, hiện có khoảng 1 triệu 700 ngàn người ở Mỹ tham gia những chương trình được ưu đãi về mặt thuế khóa này.

Tuần qua, tiểu bang Ohio loan báo là họ sẽ ngưng chương trình này trong vòng 1 năm. Các tiểu bang West Virginia, Kentucky và Texas cũng quyết định tạm thời ngưng nhận đơn, trong lúc chính phủ tiểu bang Colorado trước đây trong năm nay loan báo ngưng chỉ hoàn toàn chương trình trả trước học phí. Mới đây, tiểu bang Maryland cũng quyết định hoãn lại vô hạn định ngày bắt đầu của khoảng thời gian hàng năm dùng để đăng ký tham gia chương trình trả trước học phí.

Theo bài tường thuật hôm thứ 7 vừa qua của hãng thông tấn AP: phát ngôn viên của Kế Hoạch Trả Trước Học Phí của tiểu bang West Virginia, ông Charles Bockway, nói rằng thông thường, học phí tăng nhanh trong thời kỳ lạm phát ở mức cao, và trong thời kỳ mà tỉ lệ lạm phát cao thì tiền lời có được từ đầu tư trái phiếu và thị trường chứng khoán cũng ở mức cao. Ông Bockway nói thêm rằng: nhiều chuyên gia tài chánh đã ngạc nhiên khi thấy học phí tăng nhanh trong lúc nền kinh tế phát triển chậm lại và đây là một hiện tượng chưa từng có ở nước Mỹ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG