Đường dẫn truy cập

4 triệu rưỡi trẻ em Iraq trở lại trường học để bắt đầu năm học đầu tiên của thời hậu chiến. - 2003-09-29


Thứ tư tới đây, khoảng 4 triệu rưỡi trẻ em Iraq sẽ trở lại trường học để bắt đầu năm học đầu tiên của thời hậu chiến trong lúc các giới chức giáo dục ở đây đang ra sức để mang lại sức sống cho một hệ thống đã bị mất gần hết sinh khí sau 30 năm nằm dưới chế độ độc tài của Saddam Hussein.

Thưa quí thính giả và các bạn sinh viên học sinh, mãi cho đến những năm đầu của thập niên 1980, hệ thống giáo dục ở Iraq vẫn được nhiều người xem là một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất trong vùng Trung Đông, với tỉ lệ trẻ em theo học bậc tiểu học đạt tới mức phổ cập và tỉ lệ phụ nữ biết chữ nằm ở mức khá cao. Tuy nhiên, vì những tác động của cuộc chiến tranh với Iran, từ năm 1980 đến năm 1988, và cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 cùng với những biện pháp cấm vận quốc tế sau đó, hệ thống giáo dục của quốc gia có nhiều dầu lửa này đã bị suy sụp.

Các giới chức giáo dục Iraq cho biết: từ năm 1985, chính phủ ở Baghdad đã ngưng xây dựng và sửa chữa trường sở, khiến cho nhiều trường không có điện nước và thiếu thốn bàn ghế. Ngay cả trước khi xảy ra cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ cầm đầu nhằm lật đổ chế độ Saddam Hussein, các giới chức Liên hiệp quốc ước tính rằng có đến 80% cơ sở trường ốc ở Iraq là không thích hợp để xử dụng. Đến đầu năm nay, tình trạng thê thảm này đã trở nên tệ hại hơn nữa vì những vụ cướp phá và hôi của xảy ra giữa khung cảnh hỗn loạn sau khi chính quyền Saddam Hussein bị tan rã. Những kẻ hôi của đã nổi lửa đốt trụ sở Bộ Giáo dục và thiêu rụi những giấy tờ, hồ sơ của bộ này. Nhiều trường học cũng bị những kẻ bất lương đập phá và cướp đi các trang thiết bị như máy vi tính, máy lạnh, tủ lạnh, quạt máy và bàn ghế.

Bên cạnh những điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, hệ thống giáo dục Iraq hiện nay còn có những thách thức rất lớn về mặt nhân sự. Một trong những biện pháp đầu tiên mà lực lượng liên minh ở Iraq đã áp dụng sau khi tiến vào thủ đô Baghdad là sa thải ngay tức khắc 37 viên chức cao cấp trong bộ giáo dục mà họ cho là những đảng viên của đảng Baath, trung thành với Saddam Hussein; và điều này khiến cho guồng máy chỉ đạo ngành giáo dục bị ngưng trệ. Tân Bộ trưởng Giáo dục, ông Alladin Alwan, chỉ mới được bổ nhiệm hồi đầu tháng này cùng với các thành viên khác trong nội các.

Bài tường thuật của nhật báo Los Angeles Times, số ra ngày 21 tháng 9, trích lời một viên cố vấn của bộ giáo dục, ông Fuad Hussein cho biết: trong những tuần lễ tới đây, giới hữu trách dự trù sa thải 12 ngàn giáo viên có liên hệ với đảng Baath. Ông Fuad Hussein vừa trở về Iraq trong mấy tháng gần đây sau 28 năm sống lưu vong ở Hà Lan. Ông cho biết là ông muốn sa thải nhiều hơn nữa, nhưng ông e rằng một cuộc thanh lọc kỹ lưỡng sẽ khiến cho quá nhiều lớp học không có giáo viên.

Với mục đích giải quyết phần nào tình trạng thiếu giáo viên, các giới chức Hoa Kỳ ở Iraq đã quyết định tăng lương khá nhiều cho những người làm nghề "gõ đầu trẻ". Khoảng 350 ngàn giáo viên ở Iraq, trước đây lãnh lương từ 5 đến 8 Mỹ kim một tháng, bây giờ có thể lãnh được từ 60 đến 300 đô la mỗi tháng. Mức lương mới này đã khiến cho nhiều nữ giáo viên độc thân bỗng nhiên trở thành những đối tượng được nhiều người ngắm nghé cầu hôn.

Trong thời gian vừa qua, bên cạnh việc xây dựng và sửa chữa trường ốc, giới hữu trách ngành giáo dục Iraq còn mở những khoá học cấp tốc, với sự trợ giúp của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và các cơ quan của Liên hiệp quốc, để huấn luyện cho một số giáo chức Iraq về phương pháp sư phạm hiện đại. Cố vấn bộ giáo dục Iraq, ông Fuad Hussein nói rằng: kỹ thuật giảng dạy của giáo viên Iraq hiện nay đã quá lỗi thời và phần lớn những giáo án mà họ soạn thảo đều chú trọng tới việc học thuộc lòng. Theo ông Hussein, những khái niệm cần thiết để xây dựng một nước Iraq tự do và khai phóng, như tự do ngôn luận, cần phải được truyền bá cho cả học sinh lẫn giáo viên ngõ hầu Iraq có thể có được một thế hệ công dân mới.

Ngoài ra, giới hữu trách ngành giáo dục Iraq cũng đã cố gắng tranh thủ để có thể cung cấp những sách giáo khoa mới cho học sinh trước ngày khai giảng. Lý do là vì những sách giáo khoa của thời Saddam Hussein chẳng những có nội dung quá lỗi thời và chú trọng đến cách học nhồi sọ mà còn chứa đựng rất nhiều những bài vở có mục đích thần thánh hóa Saddam Hussein và tuyên truyền cho đảng Baath. Một dự án, với kinh phí 82 triệu đô la do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Quĩ Nhi đồng Liên hiệp quốc tài trợ, đã được thực hiện để gấp rút in lại 75 triệu cuốn sách giáo khoa mới mà họ gọi là những cuốn sách ỏđã được tẩy sạchõ, để phân phát cho học sinh Iraq.

Theo bài tường thuật hôm thứ 7 vừa qua của phái viên Ian Simpson của hãng thông tấn Reuters, vị hiệu trưởng của một trường tiểu học có 2 ngàn học sinh ở Baghdad, bà Fadiya Abdul Wahhab, cho biết: hiện giờ bà chưa có sách giáo khoa mới mà cũng chẳng thấy các giới chức của bộ giáo dục đả động gì đến việc sửa chữa trường ốc. Tuy nhiên, bà cùng với 8 giáo viên của trường này cũng cảm thấy vui mừng vì sẽ không còn phải giảng dạy cho học sinh những vấn đề chính trị như trước nữa.

Trong khi đó, một người tài xế taxi ở Baghdad, ông Salman Alwan, nói với phái viên Simpson rằng ông quan tâm đến vấn đề an ninh nhiều hơn là quan tâm đến tình trạng của các lớp học hay những gì mà ba đứa con của ông sẽ học ở trường.

Theo lời ông Alwan, những mối lo lớn nhất của ông hiện giờ là điều kiện an ninh, tình hình kinh tế, và vấn đề làm thế nào để có tiền mua cặp mới và quần áo mới cho những đứa con của ông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG