Đường dẫn truy cập

NASA: An toàn cho các phi thuyền con thoi. - 2003-09-05


Vừa qua Ủy ban Điều tra về Tai nạn Phi thuyền Con thoi Columbia của Hoa Kỳ đã cho công bố phúc trình chính thức về công tác tìm hiểu nguyên nhân gây ra vụ nổ phi thuyền này vào ngày mồng 1 tháng 2 năm nay. Ủy ban cũng đưa ra một số khuyến nghị về việc cải tiến phương thức điều hành và hoạt động của Cơ quan Không gian Hoa Kỳ, tức NASA, nhằm ngăn ngừa những tai nạn tương tự trong tương lai. Nguyễn Lê xin dành câu chuyện “Khoa học Không gian” hôm nay để trình bày với quý thính giả một số kết luận của ủy ban điều tra này và triển vọng cải thiện sự an toàn của các chuyến bay do NASA thực hiện trong tương lai.

Trong phúc trình của mình, Ủy ban điều tra nhấn mạnh rằng nếu muốn tiếp tục sử dụng 3 phi thuyền con thoi còn lại hiện nay để thực hiện các chuyến bay vào không gian quá năm 2010, NASA phải bảo đảm cho được sự an toàn của các phi thuyền này, bằng cách tìm hiểu đầy đủ những hao mòn do các chuyến bay vào không gian gây ra, cũng như tác động của môi trường ẩm thấp, nhiều chất muối của vùng duyên hải phía đông trong bang Florida, đối với khả năng hoạt động của phi thuyền.

Trong nhiều năm qua, phi hành gia Sid Gutierrez, 1 cựu chỉ huy trưởng phi thuyền con thoi và hiện là thành viên của Ủy ban Giám sát về An toàn của NASA, đã kêu gọi nên có biện pháp giúp cho đội bay có thể thoát khỏi một phi thuyền đã mất khả năng hạ cánh an toàn. Tuy nhiên, ủy ban điều tra lần này kết luận là nên để cho NASA tự giải quyết vấn đề có nên trang bị các hệ thống thoát hiểm cho số phi thuyền con thoi hiện nay hay không.

Về phần mình, NASA đã quyết định sẽ không bao giờ chế tạo một phi thuyền cho con người bay vào vũ trụ mà không có phương tiện cho phi hành đoàn thoát hiểm như các phi thuyền con thoi.

Trước mắt thì việc sửa chữa các yếu kém của NASA là nhiệm vụ chính mà Tổng giám đốc của cơ quan này, ông Sean O’Keefe, phải giải quyết trước khi một phi thuyền con thoi có thể bay vào không gian trở lại. Ông O’Keefe đã được ủy ban các chuyên viên điều tra chỉ thị phải thực hiện các thay đổi, sau khi các chuyên viên này xác định rằng tập quán hoạt động của NASA cũng chịu một phần trách nhiệm ngang với sự cố gây hư hại một cánh của phi thuyền trong giai đoạn phóng, khiến phi thuyền bị tan rã khi quay về trái đất.

Ủy ban điều tra kết luận rằng ban quản lý của NASA cũng có một phần trách nhiệm để xảy ra tai nạn vừa kể vì lề lối hoạt động riêng rẽ, cứng nhắc của mình, và cũng vì tập quán ngăn chặn những tiếng nói bất đồng. Ông John Logsdon, giám đốc Viện Chính sách Không gian thuộc Đại học George Washington, tại thủ đô Washington, và cũng là một thành viên của ủy ban điều tra, nói rằng NASA đã tạo ra tập quán hoạt động đó trong thời kỳ sôi động của chương trình thám hiểm không gian đầu tiên, khi cơ quan được cấp một ngân sách lớn để cạnh tranh với Liên bang Sô-viết trong cuộc chạy đua lên cung trăng. Ông Logsdon nói:

NASA dần dần tự xem mình như là một cơ quan độc nhất vô nhị, gần như là toàn hảo, không cần đến các thông tin từ bên ngoài, bởi vì tất cả mọi phương tiện và khả năng cần thiết đều nằm cả bên trong NASA. Đó là điều đã xảy ra trước đây rất lâu, nhưng về cơ bản tập quán đó vẫn chưa thay đổi.

Giờ đây, ủy ban điều tra do Đô đốc hồi hưu Harold Gehman cầm đầu, nói rằng NASA phải thay đổi nếu muốn tránh một tai nạn phi thuyền con thoi khác. Tổng giám đốc NASA, Sean O’Keefe, cho biết ông đang theo đúng những khuyến nghị của ủy ban. Ông nói:

Chúng tôi hiểu. Chúng tôi hiểu rõ điều ủy ban muốn nói. Không còn phải thắc mắc gì nữa. Điều chúng tôi cần làm là xem xét các quy tắc và giá trị mà chúng tôi đang tuân thủ như một phương tiện để cải thiện những mục tiêu về an toàn, cũng như nhiệm vụ to lớn hơn trước mắt, đó là thăm dò và khám phá không gian vì lợi ích của nhân dân Mỹ.

Ngoài những việc khác, các chuyên viên điều tra khuyến nghị rằng NASA phải xác lập các bộ phận nội bộ đủ mạnh để bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, và trao cho các bộ phận này quyền được đình chỉ các cuộc phóng phi thuyền con thoi, nếu các quan ngại về an toàn không được giải quyết. Các khuyến nghị này phản ánh sự kiện là ban quản lý của NASA đã không chú ý đến những mối lo ngại của các kỹ sư khi một cánh của phi thuyền con thoi Columbia bị hư hại trong giai đoạn phóng, và đã không làm gì cả để thử tìm cách sửa chữa hư hỏng này trong suốt chuyến bay.

Nhưng đối với ông Alex Roland, sử gia của NASA, hiện giảng dạy tại Đại học Duke của Hoa Kỳ, tình hình hiện nay là một dư âm đáng lo ngại của vụ nổ phi thuyền con thoi Challenger năm 1986. Tai nạn đó được điều tra bởi một ủy ban gọi là Ủy ban Rogers. Sử gia Roland thuật lại như sau:

Nhiều khuyến nghị của Ủy ban Rogers đã không được NASA thực hiện một chút nào, hoặc đã được bắt đầu thực hiện rồi sau đó để cho suy giảm dần. Lý do là không có một cơ quan độc lập nào để giám sát việc thực hiện đó. Tuy nhiên, Ủy ban Gehman không đề nghị thành lập một cơ chế giám sát độc lập bên ngoài để bảo đảm rằng NASA thực sự thi hành những điều mà ủy ban khuyến nghị.

Bà Donna Shirley, cựu chủ nhiệm chương trình thám hiểm Sao Hỏa của NASA, cũng nói với một người phỏng vấn thuộc hãng truyền hình công cộng P-B-S của Mỹ rằng việc thay đổi tập quán hoạt động của NASA sẽ khó thực hiện vì một lý do khác nữa. Đó là tình trạng phân cấp của cơ quan này. Bà Shirley giải thích:

Như quý vị thấy, NASA được chia ra thành nhiều trung tâm đầy quyền lực phân tán trên khắp nước Mỹ, với nhiều khối cử tri rất mạnh của các đoàn đại biểu Quốc hội và các tập đoàn công nghiệp chung quanh các trung tâm đó. Họ có rất nhiều quyền lực vì họ có thể gây ảnh hưởng đối với việc chuẩn chi ngân sách. Người ta vẫn chưa rõ là liệu họ có sẽ tỏ ra uyển chuyển và chấp nhận bất cứ thay đổi nào mà ban quản lý trung ương của NASA muốn thực hiện hay không.

Nhưng ủy ban điều tra cũng ám chỉ là các chính trị gia cũng có trách nhiệm trong những năm qua, vì đã không cung cấp đủ kinh phí cho NASA. Ngân sách cho phi thuyền con thoi sụt giảm 40 phần trăm trong thập niên 1990, đúng vào lúc mà các chuyến bay lên Trạm không gian quốc tế tăng thêm yêu cầu đối với các phi vụ của phi thuyền con thoi. Bà Shirley nói rằng NASA đã không cắt giảm hoạt động để thích ứng với tình hình ngân sách giảm sút đó, cho nên không còn bao nhiều tiền để dành cho công tác bảo đảm an toàn. Sau đây vẫn là lời của bà Shirley:

NASA tìm cách làm mọi việc và hy vọng rằng, bằng cách nào đó, rồi ra họ cũng sẽ nhận được những nguồn tài nguyên cần thiết để hoàn thành sứ mạng của mình. Tuy nhiên, họ đã không bao giờ nhận được các nguồn tài nguyên đó.

Ủy ban điều tra về tai nạn phi thuyền con thoi Columbia đã kêu gọi tổ chức một cuộc tranh luận toàn quốc về tương lai của các chuyến bay có người vào không gian. Một thành viên của ủy ban, ông John Logsdon, nói rằng kinh phí phải là vấn đề trọng tâm của cuộc thảo luận này. Theo ông, người ta không thể thực hiện các chuyến bay có người vào không gian một cách tiết kiệm được. Điều đó có quá nhiều rủi ro. Người ta phải thực hiện công tác này một cách đúng đắn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG