Đường dẫn truy cập

Minh Phượng phỏng vấn ông Jason Gibbs về âm nhạc Việt Nam. - 2003-08-12


Ông Jason Gibbs đậu bằng tiến sĩ về Lý Thuyết và Soạn Nhạc tại trường đại học Pittsburgh và hiện làm quản thủ thư viện tại San Francisco. Ông đi Việt Nam lần đầu tiên năm 1993 và đã khảo cứu về ca khúc tân nhạc Việt Nam cùng ảnh hưởng tây phương trong âm nhạc Việt. Ông đã có nhiều bài viết về âm nhạc Việt Nam đương đại được đăng trên các tạp chí Experimental Musical Instruments, Asian Music, Nhạc Việt, Âm Nhạc, Văn Hoá Nghệ Thuật, Văn và trên trang web Things Asian.

Nhân dịp đi thăm gia đình ở miền đông Hoa Kỳ, ông Jason Gibbs đã ghé thăm Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ và dành cho Minh Phượng một cuộc phỏng vấn.

Mời quý vị nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn được thực hiện tại phòng ghi âm của đài.

Q: Xin ông vui lòng cho thính giả biết sơ qua tiểu sử của ông (sinh quán, học vấn và công việc hiện nay)

A. Tôi sinh ra ở tiểu bang Tennesse ở một thành thị nhỏ tên là Clinton. Tôi lớn lên ở tiểu bang Virginia và đi học ở trường đại học William&Mary, rồi tôi đã chuyên về âm nhạc từ hồi đó là về sáng tác âm nhạc. Rồi tôi đi học thêm ở trường đại học University of Pittsburgh ở tiểu bang Pennsylvania, học thêm về sáng tác, nhưng cũng có điều kiện học về dân tộc nhạc học, gọi là ethnomusicology, và từ đó bắt đầu quan tâm đến nhạc của toàn cầu. Tôi đang làm ở thư viện công cộng của thành phố San Francisco, California.

Q. Ông quan tâm đến Việt Nam từ khi nào? Ông học tiếng Việt ra sao, và điểm gì khiến ông chú tâm nghiên cứu về nhạc Việt?

A. Tôi lớn lên trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam và tò mò về Việt Nam. Rồi vì có nhiều người Việt tỵ nạn ở Mỹ thì tôi được đến nhiều nhà hàng ăn Việt Nam, cũng nghe nhạc trong các nhà hàng, thấy cũng lạ. Khi tôi đến San Francisco thì thư viện gần một khu phố có thể gọi là khu phố của người Việt Nam, thì tôi có làm quen với một số người và đã có một người đàn bà giúp tôi học tiếng Việt. Đã có dịp tôi sợ bị mất việc thì tôi thấy có thể đi du lịch thoải mái thì tôi muốn đi Đông Nam Á; tôi biết rằng nếu muốn đi và thực sự hiểu biết thì phải biết tiếng nói, thì bà ấy giúp tôi nhiều, và sau khi tôi học khoảng 5 tháng tôi đi Việt Nam lần đầu tiên là năm 1993.

Q. Ông có những nhận định tổng quát ra sao về nhạc Việt và quá trình phát triển của nó?

A. Tôi rất thích nhạc truyền thống Việt Nam nhưng tôi thấy là tôi chưa có khả năng để mà hiểu biết sâu về nhạc ấy. Tôi nghĩ rằng tôi phải ở Việt Nam một thời gian lâu và học một thứ đàn, hay ngâm thơ hay một cái gì đó để ma hiểu biết sâu. Nhưng mà tôi cũng rất thích nhạc phổ thông, và tôi nghe nhạc phổ thông Việt Nam có một phần theo truyền thống Việt Nam, nhưng cũng có một phần tây hóa thì tôi thấy nhạc đó gần hơn với tôi. Và khi tôi quyết định nghiên cứu về nhạc Việt Nam đó là năm 1995, tôi đã được ở Việt Nam 6 tháng, và tôi thấy rằng đã có một loại nhạc gọi là tân nhạc, hồi xưa gọi là nhạc cải cách mới bắt đầu hồi thập niên 30 thì vẫn có những người vẫn sống đã lớn lên trong thời ấy thì đó là một điều kiện rất tốt vì được hiểu biết cả quá trình về sự tiến bộ của nhạc ấy. Tôi đã đi gặp và phỏng vấn những người sáng tác nhạc gọi là "tiền chiến" ở Hà Nội, ở Saigon, ở Mỹ có rất nhiều người vùng quận Cam, ở vùng Washington DC. Tôi đã viết thư cho những người ở Pháp, ở Úc, ở Canada…

Q. Vậy trong khi làm công tác nghiên cứu nhạc mới Việt Nam đó, ông có tham gia các hoạt động văn hóa có liên quan đến nhạc Việt không ạ?

A. Ở Mỹ có rất nhiều hội về các loại nhạc thì có một hội gọi là Society of Ethnic Musicology, tức là hội về Dân Tộc Nhạc Học thì tôi đã đọc một bài ở đó nói về truyền thống và cái tân tiến trong nhạc tiền chiến, nói về nhạc của Nguyễn Xuân Khoát và Dương Thiệu Tước. Rồi một lần tôi đã đến một hội như vậy nhưng mà ở địa phương California nói về quốc nhạc, hồi xưa gọi là cổ nhạc Huế, các khúc ca của miền nam hồi xưa và của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sắp tới đây, tôi sẽ đến dự một hội gọi là International Association for the Study of Popular Music, đó là một hôäi nghiên cứu về nhạc phổ thông, tôi sẽ nói về một loại nhạc mà tôi thấy là rất đặc biệt của Việt Nam là nhạc theo nhịp điệu bolero. Nói chung là các bài hát dân gian có ảnh hưởng âm nhạc của miền nam Việt Nam và tôi sẽ đi từ nguồn gốc là từ khi có phong trào khiêu vũ ở Việt Nam, điều đặc biệt là mặc dù rất ít khi người ta khiêu vũ theo điệu bolero, nhưng mà nhịp điệu bolero rất hợp với giai điệu nhạc dân gian Việt Nam. Tôi sẽ so sánh nhạc truyền thống với nhạc bolero Việt Nam.

Q. Thế ông có thể cho biết một bản nhạc bolero nào của Việt Nam mà ông thấy là tiêu biểu?

A. Tôi rất thích nhạc của nhạc sĩ Trúc Phương và chắc tôi sẽ dùng bài "Hai Lối Mộng" làm tiêu biểu.

Q. Ông đã đi thăm Việt Nam bao nhiêu lần, và xin ông cho biết điều gì đã khiến ông trở lại đất nước này?

A. Tôi đã đi Việt Nam tất cả 8 lần. Phải nói là lần đầu tiên tôi đã gặp nhiều người rất tốt đã hướng dẫn và giúp tôi, trong đó có một phụ nữ rất xinh đẹp bây giờ sau một thời gian rất lâu đã trở thành vợ tôi, gặp nhau năm 93, và đó có thể là lý do chính mà tiếng Việt của tôi đã được phát triển vì cô ấy đã không biết tiếng Anh nào cả. Thì tôi gặp vợ tương lai của tôi, rồi về Mỹ phải tranh thủ viết lá thư với sự giúp đỡ của người bạn ở nhà hàng, rồi trao đổi khoảng một chục lá thư, rồi về Việt Nam gặp lại nhau và được nói chuyện với nhau. Lần đầu tiên nói chuyện tôi chỉ biết độ 200 từ Việt Nam, phải viết trong một cuốn sổ để mà hiểu nhau.

Q. Vậy là ông đã thành hôn với một cô bạn người Việt đó. Ông có nhận xét ra sao về phụ nữ Việt Nam?

A. Tất nhiên là có rất nhiều loại người. Nhưng cái nét hay của phụ nữ Việt Nam là người đàn bà Việt Nam rất là đảm đang, rất lo cho gia đình. Phải nói ở Mỹ cũng có những người như vậy, nhưng ở Việt Nam vẫn giữ những nét truyền thống nhiều hơn ở Mỹ.

Q. Cuối cùng, ông muốn nói gì với thính giả đang nghe chương trình này? A. Tôi chỉ muốn nói là tôi rất hân hạnh được nói chuyện với thính giả ở Việt Nam. Tôi thấy là Việt Nam có thể nói là quê hương thứ hai của tôi. Tôi đã đi Việt Nam 8 lần và sẽ đi Việt Nam nhiều lần nữa.

Q. Ông vừa có một cháu gái, ông có định để cháu học nói tiếng Việt không?

A. Đó là yêu cầu của vợ tôi, nhưng tôi cũng đồng ý vì khi là đứa con trẻ thì rất dễ học và cũng có ông bà ngoại ở Việt Nam thì tất nhiên phải biết nói chuyện với ông bà ngoại.

Chúc ông một chuyến đi trở lại San Francisco tốt đẹp và cảm ơn ông đã dành thời giờ trả lời phỏng vấn của đài VOA.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG