Đường dẫn truy cập

Hội chứng giàu nhanh. - 2003-08-11


Với sự phát triển tột độ của các công ty kỹ thuật cao trong khoảng thập niên 1990, một số chuyên gia làm việc cho các công ty này đã trở nên giàu có chỉ trong một sớm một chiều, vào một lứa tuổi còn quá trẻ. Sự kiện này cũng lại tạo nên một số vấn đề cho rất nhiều người trong giới này. Lá thư Mỹ quốc tuần này sẽ thuật lại một vài trường hợp được coi là hội chứng giàu nhanh và giải pháp gỡ rối cho hội chứng tâm lý này.

Trước đây những người làm việc cho công ty Microsoft của nhà tỉ phú Bill Gates được quyền mua một số cổ phần với giá thấp, và lớp người bắt đầu việc làm với công ty này khoảng thập niên 1980 sang tới thập niên 1990 là lúc giá cổ phần của công ty tăng vọt thì họ bán đi và đã trở thành triệu phú. Giàu có, với tài sản hàng triệu dô la trong lứa tuổi còn quá trẻ mới trên 30, những triệu phú này thích ứng ra sao với tình trạng mới này. Theo ước tính thì số tiền mà giới người này thu được nhờ bán số cổ phần của họ trong khoảng giữa những năm 1995 và 2002 lên tới 30 tỉ đô la, phần lớn là cổ phần của công ty Microsoft.

Nếu dùng số tiền này chia đều cho tổng số dân 3 triệu 300 ngàn người tại thành phố Seattle thì mỗi nguời sẽ được 10 ngàn đô la, nhưng chúng ta phải hiểu rằng 30 tỉ đô la này chỉ tập trung trong tay một số ít người làm việc toàn thời gian cho công ty Microsoft trong thập niên 1990.

Trẻ trung, có nhiều tiền, những triệu phú này làm gì ? Họ đã giúp cho nền kinh tế thành phố tăng vọt. Họ mua những căn nhà đồ sộ, đắt tiền nhìn ra bờ vịnh Puget, bên bờ hồ, hay trên các sườn núi nhìn xuống thành phố, những xe hơi đắt tiền và du thuyền. Con số xe hơi mới bán ra ào ạt và rất nhiều người mua ngựa để cưỡi, ở Hoa Kỳ, đây là một thú thể thao đắt giá của giới nhà giàu mà thôi.

Báo Washington Post đơn cử trường hợp của ông Randall Thatcher làm phụ tá tiếp thị cho công ty từ năm 1987 và đến năm 1997 ông hết cổ phần, thu được món tiền lớn rồi nghỉ việc về hưu. Lúc ông mới có 38 tuổi. Trước khi trở nên giàu có, ông cũng là một trong số những người trẻ xa lạ với tiền bạc, thông minh, làm việc cật lực và có định hướng rõ rệt trong cuộc sống. Nhưng sau khi trở thành giàu có quá nhanh, nhiều người trong số này đã mất định hướng.

Ngay sau khi nghỉ việc xin về hưu, ông Thatcher cùng vợ làm chuyến chu du thế giới trong suốt 1 năm. Hai ông bà đã dừng chân lại nước Miến Điện, một trong nhhững quốc gia nghèo khó nhất thế giới, trong một thời gian khá lâu. Trong những tháng ngày ở đây, ông Thatcher thường lâm vào tâm trạng buồn rầu khi thấy mình quá sung sướng, tiền bạc dư thừa, trong khi dân tình chung quanh hết sức khốn khó. Buồn rầu chỉ là một triệu chứng.

Theo các chuyên gia tâm lý, nhiều người giàu có bất ngờ thường hay ngờ vực các mối tương quan với bạn gái, bạn trai, anh chị em và những người thân khác trong gia đình. Họ không biết là họ có được yêu thương, quí mến thực lòng hay chỉ vì họ có tiền ? Đôi khi họ lại có thái độ hống hách, phách lối với những người chung quanh nữa.

Hiện chưa có cuộc nghiên cứu có hệ thống nào về ảnh hưởng của tình trạng giàu có nhanh chóng của thế hệ làm việc cho công ty Microsoft khoảng thập niên 1980 đến năm 2000 nhờ được mua cổ phần với giá rẻ của công ty.

Chuyên gia Stephen Golberg tại San Francisco vẫn chữa trị tâm lý và tổ chức các buổi hội thảo cho hàng ngàn chuyên viên trở nên giàu có nhanh trong ngành kỹ thuật cao từ 8 năm nay, sáng lập viên của học viện có tên là Tiền Bạc, Ý Nghĩa và Những Chọn Lựa, là người đã nghĩ ra từ “Hội chứng Giàu Nhanh”, và ông cũng đã chữa trị tâm lý cho nhiều nguời đang hoặc đã làm việc cho công ty Microsoft.

Theo ông cho biết thì tiền bạc gây ra một số rối loạn trong mối liên hệ giữa những nguuoì trở nên giàu có trong một sớm một chiều với cha mẹ, anh em, bạn bè, và rồi họ xa lánh những nguời thân. Hầu hết ï thường trải qua một năm đầu tiêu xài vung vãi, mua xe, mua du thuyền, và thực hiện những chuyến du lịch nghỉ mát sang trọng, đắt tiền v..v.. Sau đó thì họ dần dần trở lại cuộc sống bình thường, nhưng một số ít thì không bao giờ thoát ra khỏi hội chứng giàu nhanh đó.

Tuy nhiên không phải là không có giải pháp cho hội chứng này. Một tổ chức đã mặt tại Seattle, do chính những người trở nên giàu có nhanh chóng thành lập, với tên gọi là “Những Đối Tác Hợp Doanh về Xã Hội:”. Tổ chức này đã làm việc với hàng trăm người từ công ty Microsoft, chỉ dẫn cho họ cách tặng dữ tiền bạc và tìm ra những chân giá trị của đời sống.

Một người muốn trở thành hội viên của tổ chức phải cam kết tặng 5,500 đô la mỗi năm trong 2 năm liên tiếp, và tổ chức này mạnh mẽ khuyến khích hội viên bỏ ra thật nhiều thời giờ làm việc cho các hội từ thiện nhỏ tại địa phương.

Ông Paul Shoemaker, trước đây làm việc cho công ty Microsoft, hiện là giám đốc tổ chức này, cho biết dù muốn dù không, tiền bạc hay làm cho con nguời biến đổi, và cần phải có ý thức và chọn lựa rõ ràng để giúp cho mình tỉnh trí. Ông cho biết các hội viên của tổ chức là những triệu phú với tài sản từ 5 đến 15 triệu đô la.

Theo tờ báo Washington Post thì một trong những người nhất quyết không để cho hội chứng giàu nhanh này quấy rầy mình nữa là trường hợp của ông Gideon Rosenblatt.

Ông và vợ ông cùng làm cho Microsoft, đã trở nên giàu có nhanh chóng trong thập niên 1990. Ông đã mua một căn nhà đồ sộ ở ngoại ô thành phố Seattle, nhưng theo với thời gian, khi con số trong trương mục ngân hàng của hai ông bà càng lớn thì họ cảm thấy không thoải mái chút nào. Số tiền mà ông bà có gây cho họ cái ấn tượng rằng đây là 1 món quà tặng lạ thường, và họ không muốn tiêu xài ngu xuẩn và phung phí.

Sau khi ngồi xuống suy xét kỹ xem là họ muốn làm gì với số tiền mà họ có, Ông bà bèn nghỉ việc tại Microsoft, ông quay sang làm giám đốc cho một mạng lưới bất vụ lợi trên internet, qui tụ 60 ngàn người tranh đấu bảo vệ môi sinh trong vùng.

Ông bà cũng bán luôn căn nhà đồ sộ ở ngoại ô, dọn về 1 căn vừa phải ở 1 khu vực trung lưu trong thành phố. Ông Rosenblatt thấy rằng điều quan trong nhất cho cuộc sống của hai ông bà hiện nay là chăm sóc hai con nhỏ tuổi từ 2 đến 4. Tín điều của gia đình ông là “Làm việc cần mẫn, giữ lòng hăng say, và biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn”.

Để đạt mục tiêu đó, hai ông bà Rosenblatt đang quyết định hạn chế bớt số tài sản để lại cho các con và đem tặng cho các tổ chức từ thiện. Hai ông bà cho biết là họ muốn thấy con họ sau này sẽ phải làm việc thực sự, phải tranh đấu để vươn lên chứ không phải sống nhờ tiền của có sẵn của bố mẹ.

Giống như hầu hết những nguời được tờ Washington Post phỏng vấn, ông Rosenblatt nói rằng trong tiến trình tìm hiểu xem chân giá trị cuộc đời là gì, thì ông Bill Gates chính là mẫu người tạo hứng khởi cho ông. Ông Bill Gates và hiền thê, bà Melinda Gates, đã thành lập 1 sáng hội với tài sản 24 tỉ đô la, hàng năm hai ông bà tặng hàng trăm triệu đô la cho rất nhiều nơi, chú trọng đến việc cải thiện tình trạng sức khỏe cho nguời dân trong thế giới đang phát triển, nhất là tại Phi Châu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG