Đường dẫn truy cập

Hồng Kông, sáu năm sau - Một quốc gia, hai thể chế ? - 2003-07-07


Lời dẫn: Thưa quý thính giả, 6 năm về trước, Anh Quốc giao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc, kết thúc một giai đoạn lịch sử và mở ra một thời đại mới khi Hong Kong trở thành một đặc khu hành chánh thuộc Trung Quốc dưới cái gọi là nguyên tắc Một Quốc Gia, Hai Thể Chế. Nhưng không ai ngờ rằng từ ngày vùng lãnh thổ này quay về với đất mẹ, Hồng Kông đã bị xoáy vào một cơn lốc, kinh tế trì trệ và các quyền tự do căn bản ngày càng bị hạn chế. Sự bất mãn dâng cao tới cao điểm khi gần nửa triệu cư dân Hồng Kông rầm rộ xuống đường trong một cuộc biểu tình ôn hòa để phản đối chính quyền. Một số các chi tiết về những nguyên nhân gây bất mãn trong công chúng Hồng Kông sẽ được mổ xẻ trong Tiết mục Nhìn Về Á Châu do Hoài Hương phụ trách sau đây:

Thưa quý thính giả, chính phủ Hồng Kông dự định thông qua một đạo luật chống các hoạt động lật đổ chính phủ. Theo tinh thần đạo luật này, cảnh sát Hồng Kông sẽ có quyền chận và lục soát bất cứ ai bị tình nghi mà không cần phải có án lệnh của tòa án, giới hữu quan có quyền đặt ra ngoài vòng pháp luật các đoàn thể hoặc tổ chức bị quy là có tính cách chống phá chính phủ hay có âm mưu lật đổ nhà nước, đồng thời đạo luật này cũng sẽ cho phép tòa áp đặt án tù chung thân cho những kẻ bị kết tội là đã vi phạm đạo luật về an ninh.

Bất chấp thời tiết oi ả một cách bất thường, cư dân Hồng Kông tuôn ra đường như một dòng thác chảy, đám đông được mô tả là vĩ đại chen chúc nhau trong công viên Victoria, tràn ngập các đường phố chạy giữa những tòa nhà chọc trời -chứng tích của một thời đại huy hoàng đã qua. Phần lớn những người biểu tình mặc trang phục màu đen như một dấu hiệu để tang cho những quyền tự do căn bản của công dân, mà ho nghĩ rằng họ sắp sửa đánh mất.

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Hồng Kông, và dường như cũng là cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra bất cứ đâu trên lãnh thổ Trung Quốc, tính từ sau các cuộc biểu tình năm 1989, khi 1 triệu cư dân Hồng Kông xuống đường chống đối vụ thảm sát tại Quảng Trường Thiên An Môn, thời Hồng Kông vẫn còn là thuộc địa của nước Anh và là một trong những trung tâm thương mại năng động nhất thế giới.

Nhưng vì sao người dân Hồng Kông, mà quan tâm hàng đầu thường là chuyện làm ăn mua bán hơn là các hoạt động chính trị, lại rầm rộ kéo nhau xuống đường biểu tình, đúng sáu năm sau khi vùng lãnh thổ này quay về với vùng đất mẹ?

Một thanh niên tham gia cuộc tuần hành kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ nói rằng anh ta lo sợ rằng Hồng Kông sẽ trở thành một nhà tù lớn. Mục tiêu của cuộc phản đối là một điều khoản mới, điều khoản 23 trong đạo luật an ninh, đặt ra ngoài vòng pháp luật các hành động bị coi là phản nghịch, đòi ly khai, xúi giục lật đổ hoặc lật đổ nhà nước.

Những quan ngại là điều khoản 23 sẽ hạn chế những quyền tự do cơ bản, như quyền tự do phát biểu, tự do hội họp, và sinh hoạt chính trị là một số nguyên nhân được đưa ra.

Trước khi giao quyền kiểm soát Hong Kong lại cho Trung Quốc, sau một cuộc mặc cả vô cùng gay cấn, London và Bắc Kinh đã soạn thảo môt văn bản mang tên là Luật Căn Bản, được coi như một bản hiến pháp bỏ túi cho Hong Kong. Luật Căn Bản cho phép Hồng Kông duy trì hệ thống chính trị và kinh tế riêng trong 50 năm, kể từ khi được bàn giao lại cho Bắc Kinh, theo nguyên tắc Một Quốc Gia, Hai Thể Chế.

Nhưng Luật Căn Bản cũng đòi hỏi Hồng Kông phải ban hành các luật mới về an ninh. Mùa hè năm ngoái, sau khi Bắc Kinh than phiền rằng đạo luật an ninh mới vẫn chưa được ban hành, chính quyền Hồng Kông soạn thảo dự luật phạt tù dài hạn những ai bị quy là có những hoạt động có tính cách xúi giục, lật đổ chính phủ hoặc phản nghịch. Điều gây tranh cãi nhiều nhất, và gây nhiều quan ngại nhất, là điều khoản mới cho phép chính phủ cấm hoạt động bất cứ tổ chức hay đoàn thể nào tại Hồng Kông có liên hệ với một tổ chức đã bị cấm hoạt động tại Hoa Lục, vì những lý do gọi là an ninh quốc gia.

Những người chỉ trích lo ngại rằng việc ban hành đạo luật về an ninh mới là dấu hiệu cho thấy Hồng Kông đang chuẩn bị để kiếm chế các tổ chức hoặc đoàn thể bị coi như một mối đe dọa đối với Bắc Kinh, chẳng hạn như Giáo Hội Công Giáo và Pháp Luân Công, một phong trào tâm linh bị cấm hoạt động ở Hoa Lục nhưng vẫn được sinh hoạt tại Hồng Kông.

Nhưng bên cạnh những lo ngại về nguy cơ có thể đánh mất các quyền tự do căn bản, giới phân tích cho rằng dân chúng Hồng Kông còn muốn bày tỏ nỗi bất mãn sâu xa của họ về khả năng lãnh đạo của Trưởng Quan Hành Chánh Đổng Kiến Hoa, nhân vật được Bắc Kinh chọn lên nắm quyền, và về tình trạng kinh tế trì trệ, liên tục xuống dốc của Hồng Kông từ khi ông lên nắm quyền.

Thưa quý thính giả, đông đảo cư dân Hồng Kông đã kéo nhau xuống đường phản đối, mặc dù chính quyền Hồng Kông đã đề ra một số biển pháp để cố tìm cách giới hạn số người tham dự. 10 ngàn vé coi ciné xuất buổi sáng đã được phân phát miễn phí, và trong thời tiết nóng bức khác thường, các hồ bơi công cộng và các bảo tàng viện đều mở cửa miễn phí. Bộ đặc trách các hoạt động Giải Trí và Văn Hóa Hồng Kông nói rằng các biện pháp đó là để ăn mừng Hồng Kông khống chế được bệnh Sars, nhưng dường như ít có ai tin vào lời giải thích đó. Một số đông đảo trong dân chúng vùng lãnh thổ này đã chọn nói lên tiếng nói của mình qua hành động, khi tham dự cuộc tuần hành lớn nhất diễn ra trên lãnh thổ Trung Quốc, kể từ biến cố Thiên An Môn.

Tòa Bạch Ốc, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu đều lên tiếng bày tỏ quan ngại, và kêu gọi chính quyền Hồng Kông chớ nên vội vã ban hành đạo luật về an ninh, trước khi đề ra các điều khoản để bảo đảm các quyền công dân. Giáo sư Joseph Cheng thuộc Đại Học Hồng Kông cảnh giác rằng chính quyền và Quốc Hội Hồng Kông sẽ mất tính chính đáng, nếu đạo luật này được thông qua, bất chấp sự chống đối của dân chúng.

Câu hỏi được đặt ra tại đây là, liệu chính quyền Hồng Kông do Trưởng Quan Hành Chánh Đổng Kiến Hoa lãnh đạo, và Bắc Kinh, có lắng nghe tiếng nói của nhân dân hay không, và ý nghĩa của cuộc tuần hành ngày 1 tháng 7 năm 2003 sẽ được diễn giải như thế nào tại các nơi khác trên lãnh thổ Trung Quốc và trên thế giới, nhất là tại Đài Loan, mục tiêu kế tiếp của Bắc Kinh trong một chiến dịch kêu gọi về nguồn, như đã từng kêu gọi Hồng Kông và Ma Cao hãy quay về với đất mẹ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG