Đường dẫn truy cập

Kinh tế thế giới suy trầm, di dân đến châu Âu giảm


<!-- IMAGE -->

Chính phủ Pháp và Tây Ban Nha mới đây đã loan báo con số di dân bất hợp pháp đến các vùng bờ biển của họ giảm, một phần do các chính sách di trú cứng rắn hơn, tuy nhiên cũng phần nào do tình hình kinh tế suy trầm.Thông tín viên Lisa Bryant tường thuật rằng khuynh hướng tương tự cũng đang xảy ra tại các nước khác ở Châu Âu.

Chính phủ Tây Ban Nha nói rằng số dự phóng di dân đến từ châu Phi giảm gần một nửa, từ 13.000 trong năm 2008 xuống chỉ còn trên 7.000 trong năm 2009.Số di dân bất hợp pháp đến Pháp cũng giảm, và theo Bộ trưởng Bộ Di dân Eric Besson lý do là vì cuộc khủng hoảng kinh tế và các chính sách về di trú cứng rắn hơn.

Chuyên gia về di trú Georges Lemaitre, thuộc Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế, OECD, không ngạc nhiên với các phúc trình này.

Ông Lemaitre nói: “Yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến di dân là thực tế giới chủ nhân không cần nhiều công nhân nữa.Họ không tìm cách thuê mướn nhiều di dân nữa.Vì vậy đây là yếu tố đầu tiên khiến mức di dân giảm.Yếu tố thứ hai là chính các di dân không thấy còn có nhiều cơ hội.Vì vậy chính họ có khuynh hướng giảm đến các nước đó.”

Theo ông Lemaitre xu hướng này cũng được nhìn thấy ở các nước châu Âu khác và ở các nước giàu hơn, nói chung.

Ông Lemaitre nói: “Hai nước có số di dân lao động rất cao là Ireland và Anh quốc, và 2 nước này đã nhận thấy số di dân lao động giảm sút đáng kể.”

Ông Lemaitre nói rằng Thụy Điển là một trong một vài quốc gia có khuynh hướng ngược lại. Nước này đã mở cửa đối với một số lãnh vực cho di dân từ khi xảy ra khủng hoảng kinh tế và số di dân đã tăng 30%.

Tuy nhiên ông nói rằng ngay cả khi Pháp không nương tay đối với trường hợp di dân theo diện gia đình, và gởi trả những người di trú bất hợp pháp về nước, thì quốc gia này lại dễ dàng hơn đối những di dân có kỹ năng cao được vào nước họ.

Và vì lực lượng lao động của châu Âu già đi và số trẻ sinh ra ở châu Âu ít hơn, ông Lemaitre tiên đoán rằng các chính phủ sẽ bị sức ép phải mở cửa nhận thêm di dân.:

Ông Lemaitre nói “Tôi nghĩ rằng các chính phủ sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn, hoặc phải mở cửa trong những lãnh vực mà họ thực sự cần công nhân, và một số lãnh vực quả thật liên quan đến các nghề kỹ năng thấp, hoặc sẽ phải đối phó với sức ép rất lớn đối với di dân không chính qui.”

Các áp lực đó có phần chắc sẽ gia tăng khi các nền kinh tế châu Âu phục hồi và bắt đầu tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG