Đường dẫn truy cập

Indonesia sử dụng cách 'mềm dẻo' để kiềm chế mối nguy khủng bố


<!-- IMAGE -->

Những tổ chức khủng bố có liên hệ với chủ nghĩa Hồi giáo quá khích có vẻ như đang gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới – từ Yemen và Pakistan tới miền Nam Thái Lan và Philippinnes. Nhưng, tại Indonesia – một nước mà các chuyên gia an ninh e ngại là có thể trở thành căn cứ huấn luyện và nơi cung cấp các phần tử tranh đấu do tổ chức al-Qaida tuyển mộ – các hoạt động khủng bố đã sụt giảm đáng kể trong 5 năm vừa qua. Thông tín viên đài VOA, Brian Patten, từ Jakarta tường thuật rằng cách ứng phó của chính phủ Indonesia trước vấn đề khủng bố là sử dụng đường lối mềm dẻo để xử lý các hành vi khủng bố như một tội phạm chứ không phải một cuộc chiến tranh và đường lối này có vẻ hữu hiệu.

Vào tháng Bảy năm 2009, các phần tử khủng bố lại tấn công trung tâm thủ đô Indonesia. Các phần tử có liên hệ với tổ chức Jemaah Islamiyah (JI), một tổ chức khủng bố có liên hệ với mạng lưới al-Qaida, đã kích nổ bom tại hai khách sạn của các nước phương Tây ở Jakarta làm chín người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương.

Vụ đánh bom gây chết chóc này nhắc nhở rằng nạn khủng bố vẫn còn là một mối đe dọa tại Indonesia. Nhưng trên thực tế thì hoạt động khủng bố tại Indonesia đã sụt giảm đáng kể trong mấy năm vừa qua. Vụ đánh bom gây chết chóc vừa kể là cuộc tấn công khủng bố quan trọng duy nhất trong năm 2009. Trong năm 2008 không có trường hợp tử vong nào liên quan tới hoạt động khủng bố.

Nhà phân tích tình hình chống khủng bố, bà Sidney Jones, nói rằng, chỉ có khoảng 2 ngàn thành viên của tổ chức JI tại Indonesia, quốc gia có dân số 250 triệu người. Những cải thiện về chính trị và xã hội ở nước này đã khiến các tổ chức khủng bố khó tuyển mộ thêm người.

Bà Jones cho biết: “Chính phủ Indonesia không có tính cách đàn áp. Nước này cũng không bị nước ngoài chiếm đóng. Cũng không có một nhóm thiểu số bất mãn. Và cũng không có nước láng giềng thù nghịch nào xúi giục xáo trộn hoặc có khuynh hướng gây lộn xộn.”

Bà Jones nói rằng điều này khác xa cuối thập niên 1990, khi mà hoạt động khủng bố có chiều hướng gia tăng tại Indonesia, và trong năm 2001, có e ngại rằng các phần tử khủng bố được công chúng ủng hộ, vào lúc đầu óc chống Mỹ lan truyền khắp các nước Hồi giáo.

Bà Jones nói: “Sau khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 và ngay sau khi Hoa Kỳ tiến quân vào Afghanistan, thì ít nhất cũng có sự ủng hộ thụ động nơi một số người Indonesia đối với các biện pháp tấn công trả đũa Hoa Kỳ; dù một số người Indonesia cho rằng cuộc tiến quân của Mỹ vào Afghanistan là không chính đáng.”

Vụ đánh bom tại Bali năm 2002 làm 202 người thiệt mạng đã khiến thế giới chú ý tới vấn đề khủng bố tại Indonesia. Thay vì đối phó với những hành động khủng bố đó bằng lực lượng quân sự đông đảo, chính phủ Indonesia đã quyết định áp dụng đường lối mềm dẻo hơn, đối xử với các phần tử khủng bố như những tội phạm chứ không phải các chiến binh địch bị bắt tại chiến trường.

Giáo sư Sử học Azyumardi Azra, thuộc trường Đại học Hồi giáo Quốc gia ở Jakarta, nói rằng, khi xét xử các phần tử khủng bố tại những tòa án công khai, chính phủ có thể thuyết phục thành phần quần chúng vẫn còn hoài nghi và các tổ chức Hồi giáo không có lập trường dứt khoát rằng những hành vi khủng bố này là tội ác giữa những người Hồi giáo với nhau, chứ không phải là âm mưu của các nước phương Tây.

Giáo sư Azra nói: “Sau khi đưa một số tội phạm trong vụ đánh bom tại Bali ra trước công lý, thì rõ ràng là mọi người đều thấy bọn họ đã tự mình thực hiện vụ đánh bom tự sát này chứ không phải do sắp đặt của thế lực tình báo bên ngoài nào. Đây là một trong những lý do khiến các tổ chức Hồi giáo ôn hòa thay đổi thái độ của họ.”

Bà Jones nói rằng, ở bên ngoài Indonesia, có những chỉ trích cho là một số các bản án đối với các phần tử khủng bố quá khoan hồng.

Thí dụ giáo sĩ Hồi giáo Abu Bakar Bashir – một người bị xem là thủ lãnh của JI – chỉ bị kết án tù 30 tháng sau khi xét thấy là có liên quan tới những vụ đánh bom ở Bali. Giáo sĩ này đã được phóng thích sau khi thọ án tù gần một năm. Sau đo, Tòa án Tối cao Indonesia đã bãi bỏ án tù của ông.

Bà Jones nói rằng, mặc dù hệ thống công lý Indonesia không hoàn hảo, sự trong sáng của tiến trình pháp lý đã giúp xây dựng lòng tin và sự ủng hộ của công chúng.

Bà nói: “Hầu như đã có được sự củng cố của một chế độ pháp quyền do cách xử lý vụ án khủng bố này.”

Giáo sư Sử học Azar nói rằng, các tổ chức Hồi giáo Indonesia cũng đóng một vai trò quan trọng để quảng bá khung cảnh đa văn hóa và bao dung, khiến cho các tổ chức cực đoan ở bên ngoài như các giáo phái Wahabi và Salabi có được chỗ đứng.

Giáo sư nói: “Trong hai hoặc ba năm vừa qua, các tổ chức Hồi giáo ôn hòa như Nahdlatul Ulama và Muhammadiyah đã nhận thức được rằng cần phải rất cẩn thận, cần phải chú ý hơn tới sự xâm nhập của các tín đồ Hồi giáo theo đường lối của các giáo phái Wahabi hay Salafi, là những nhóm tìm cách kiểm soát các đền thờ. ”

Sự can thiệp của các cường quốc phương Tây như Hoa Kỳ vẫn còn ở hậu trường, hầu như chỉ chia sẻ thông tin tình báo và cung cấp huấn luyện quân sự chống khủng bố. Bà Jones nói rằng, nhiều triệu đô la viện trợ sau khi có trận sóng thần do Hoa Kỳ và các tổ chức tư nhân cung cấp không làm gì nhiều để gia tăng hình ảnh của Hoa Kỳ tại Indonesia, một phần là vì việc này không được báo chí địa phương nhấn mạnh. Nhưng bà nói rằng, việc bầu ông Barack Obama làm Tổng thống Hoa Kỳ đã giành được trái tim và khối óc của một số đông đảo nhân dân Indonesia.

Bà nói: “Tôi nghĩ rằng, việc chuyển từ Tổng thống Bush, một người bị khắp nơi trên thế giới đả kích sang một người lớn lên ở Indonesia, một người đã nói về thứ thức ăn Indonesia mà ông ưa thích và còn nhớ một số ngôn ngữ Indonesia, đã đem lại tất cả những thay đổi đó.”

Bà Jones nói rằng, mặc dầu mối đe dọa khủng bố vẫn còn, Indonesia đã trấn áp được vấn đề này mà không cần tuyên chiến với bọn khủng bố.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG