Đường dẫn truy cập

Xe đua sử dụng nhiên liệu sinh học - Xe thiết kế cho tài xế mù


Xe đua sử dụng nhiên liệu sinh học - Xe thiết kế cho tài xế mù
Xe đua sử dụng nhiên liệu sinh học - Xe thiết kế cho tài xế mù
<!-- IMAGE -->

Thưa quý vị, mục Khoa học và Đời Sống tuần này xin được dành để giới thiệu một chiếc xe được thiết kế đặc biệt cho người mù điều khiển, và chiếc xe thể thao đầu tiên trên thế giới hội đủ tiêu chuẩn xe đua Formula Three, được chế tạo phần lớn bằng các vật liệu tái tạo và chạy bằng nhiên liệu sinh học.

Xe đua sử dụng nhiên liệu sinh học


Các nhà nghiên cứu ở Anh đang đưa phong trào bảo vệ môi sinh lên một tầm cao mới. Một toán nghiên cứu thuộc Đại học Warwick đã chế ra chiếc xe đua đầu tiên trên thế giới thân thiện với môi trường và đạt tiêu chuẩn để dự giải vô địch xe hơi - Công thức 3, Formula Three.

Chiếc xe được chế tạo phần lớn bằng các nguyên liệu có thể tái tạo hoặc tái chế biến, kể cả cây và rau cỏ. Khung xe được chế bằng sợi thực vật và khoai tây, cùng với sợi carbon tái sử dụng, còn thừa của các hãng sản xuất máy bay. Tay lái làm bằng xác cà rốt và nhựa resin. Máy thì sử dụng nhiên liệu sinh học chế từ dầu thực vật và sôcôla thải ra từ các hãng làm mứt, kẹo, và rượu thừa.

Chiếc xe tốn kém 500,000 bảng Anh. Mui xe và bánh xe thông thường được sử dụng để bảo đảm an toàn.

Tiến sĩ Kerry Kirwan, một nhà nghiên cứu nhiều năm kinh nghiệm nói nhóm nghiên cứu muốn chứng tỏ rằng bảo vệ môi sinh trong nhiều trường hợp cũng mang lại hứng thú, chứ không phải lúc nào cũng nhàm chán. Ông nói ông tin rằng đây là chiếc xe đua thân thiện với môi trường nhất thế giới. Ông Kirwan nói công chúng, già trẻ lớn bé, đã có phản ứng tích cực đối với chiếc xe đua hợp thời đại này. (About.com)

Là xe đua, chiếc xe chạy với tốc độ cực nhanh, tối đa lên tới 215 km-giờ. Xe có thể tăng tốc từ 0 đến 95 km-giờ trong 2 giây rưỡi đồng hồ. Chiếc xe được đánh giá đủ tiêu chuẩn để tham gia Giải đấu Formula Three, ngoại trừ một đòi hỏi duy nhất, là động cơ sử dụng nhiên liệu sinh học chứ không là động cơ xăng như quy định hiện hành.

Chiếc xe là kết quả của nỗ lực hợp tác giữa Nhóm Chế tạo Sản xuất thuộc Đại học WarwickTrung tâm Nghiên cứu Sáng kiến Công nghiệp Warwick. Hai nhóm này cho biết họ đã chế ra chiếc xe Worldfirst vì kỹ nghệ đua xe thường bị giới quan tâm đến môi trường chỉ trích.

Đua xe là một trong những môn thể thao thu hút nhiều khán giả nhất thế giới. Tuy nhiên môn thể thao này cũng bị chỉ trích là có hại cho môi trường. Các xe đua đốt một số lượng nhiên liệu lớn và góp phần gây ô nhiễm không khí.

Trong những năm gần đây, kỹ nghệ đua xe đã đề ra những bước nhằm bảo vệ môi trường. Nhiều công ty tham gia các giải đua xe Grand Prix đang dồn nỗ lực để sản xuất các loại xe sử dụng ít nhiên liệu hơn, và bớt gây ô nhiễm hơn, so với xe chạy bằng nhiên liệu thông thường như xăng.

Hồi năm ngoái, 2 cơ quan chính phủ Hoa Kỳ và một tổ chức quốc tế loan báo một số chính sách với mục đích buộc các giải đua xe phải quan tâm hơn tới môi trường, các chính sách ấy được gọi chung là “Nghi thức Xanh cho công nghiệp xe thể thao.”

Trong nỗ lực này, Bộ Năng lượngCơ quan Bảo vệ Môi trường của Hoa Kỳ đã hiệp lực với tổ chức quốc tế SAE International, là hội đại diện cho các kỹ sư và chuyên gia công nghệ ngành vận tải. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của các giới chức đặc trách giải đua xe Le Mans Series tại Hoa Kỳ.

Giải đấu Le Mans Series - Hoa Kỳ, trở thành giải đua xe thể thao đầu tiên áp dụng các “Nghi thức Xanh” trong cuộc thi đấu Green Challenge, Thách thức Xanh, tổ chức vào tháng 10 năm ngoái.

Hồi tháng 10, chiếc xe WorldFirst Formula Three đã được chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cuộc đua đầu tiên trong Giải Formula Three ở Brands Hatch. Chiếc xe lẽ ra đã trở thành chiếc xe đua đầu tiên sử dụng nhiên liệu sinh học được tham gia giải đua xe Công thức 3. Tuy nhiên theo các quy định hiện hành, chỉ có xe có động cơ xăng mới được tham gia thi đấu. Các giới chức cần được phép của tất cả các tay đua mới có thể cho phép chiếc WorldFirst sử dụng nhiên liệu sinh học được tham gia cuộc đua. Họ không tiếp xúc được với một trong các tay đua, và vì lý do đó, chiếc WorldFirst đành bỏ lỡ cơ hội để làm nên lịch sử.

Trong các cuộc đua thử nghiệm, chiếc WorldFirst về hạng 5 khi so tài với các xe đua Formula Three. Giới ủng hộ hy vọng vấn đề nhiên liệu sẽ được giải quyết kịp thời để chiếc Worldfirst được góp mặt trong mùa đua năm tới.

Xe thiết kế cho tài xế mù

<!-- IMAGE -->

Trong cuốn phim Scent of a Woman, sản xuất năm 1992, một người đàn ông mù, Frank Slade, lái xe Ferrari đưa một người khác, là Charlie Simms, chạy thật nhanh trên các đường phố New York. Charlie là người chỉ đường trong khi người đàn ông mù cầm tay lái. Đối với nhân vật Frank trong phim Scent of a Woman, thì đây là một trong những giây phút hứng thú nhất trong cuộc đời.

Mới đây, nhiều người Mỹ bị mù cũng được trải nghiệm những giây phút đầy hứng khởi ấy trong một cuộc thí nghiệm do Đại học Maryland thực hiện tại bang Maryland, kế cận thủ đô Washington.

Lần này, các bác tài khiếm thị không cần cả người ngồi bên cạnh để chỉ đường. Chiếc xe đã được trang bị để thi hành công việc ấy.

Các sinh viên Khoa Nghiên cứu việc Sử dụng Người máy và Phòng Thí nghiệm Cơ giới của trường Virginia Tech đã thiết kế chiếc xe này trong dự án chế tạo “Xe dành cho Tài Xế Mù.” Toán nghiên cứu đặt một phần tử nhạy bằng tia laser ở đầu xe để quan sát các hoạt động chung quanh. Thiết bị này đánh đi các tín hiệu đến một máy tính đặt ở sau xe. Máy tính nhận tín hiệu và dùng các tín hiệu ấy để hướng dẫn tài xế tránh tai nạn.

Chẳng hạn, máy tính đưa ra những chỉ thị ngắn, như: “Đi thẳng! Quẹo phải sau khi quay tay lái lách cách 2 lần. Quẹo trái lách cách 5 lần”. Tài xế cứ làm y như hướng dẫn để lái xe cho an toàn.

Một chiếc áo vét đặc biệt mà tài xế mặc sẽ truyền các thông tin về tốc độ đang chạy. Ngoài ra còn một số thiết bị nhạy khác để xe tự động tắt máy, trong trường hợp xe chạy quá gần bất cứ vật nào.

Trong ngày thí nghiệm, tất cả các tài xế mù đều lái thành công qua khu thử nghiệm, mà không gặp bất cứ khó khăn nào.

Những người đầu tiên lái thử xe là nhân viên Hội Người mù Quốc gia. Một trong các bác tài này nhận định những chỉ dẫn do xe phát ra chính xác và đáng tin cậy hơn là có người ngồi bên cạnh chỉ đường.

Toán nghiên cứu thuộc Đại học Virginia Tech nói rằng các tài xế mù được chấm điểm cao hơn so với những bác tài có nhãn quan bình thường bị che mắt, cũng tham gia cuộc thử nghiệm.

Toán nghiên cứu nói đây là chiếc xe đầu tiên và duy nhất cho phép một người mù nắm toàn bộ quyền kiểm soát chiếc xe. Họ rất phấn khởi về triển vọng thành công của dự án. Các nhà nghiên cứu tin rằng công nghệ mới sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho các dự án khác nhằm giúp đỡ người khiếm thị.

(Ngày phát sóng: 05/11/2009)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG