Đường dẫn truy cập

VN phản đối EU gia hạn thuế chống bán phá giá giày mũ da


<!-- IMAGE -->

Việt Nam lên tiếng mạnh mẽ phản đối quyết định của Liên hiệp Âu Châu gia hạn áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Châu Âu.

Bản tin của Tân Hoa Xã cho hay lời phản đối này được đưa ra tại một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương Việt Nam hôm thứ Tư sau khi Liên hiệp Âu Châu đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 22/12 trong đó gia hạn áp thuế đối với mặt hàng giày mũ da của Việt Nam thêm 15 tháng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga nói rằng Việt Nam rất bất bình trước quyết định này và đây là một quyết định không công bằng, không hợp lý, không phản ánh đúng thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam, đi ngược lại tinh thần tự do hóa thương mại mà Liên minh Châu Âu vẫn thúc đẩy.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh cho hay đa số các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hình thức sản xuất kinh doanh chủ yếu là gia công và thị phần giày da của Việt Nam trong tổng mức nhập khẩu của cộng đồng Châu Âu chỉ ở mức 10%, nên không thể dùng biện pháp bán phá giá nhằm bóp méo cạnh tranh, tạo sức mạnh thị trường và đe dọa việc sản xuất, kinh doanh của các nhà sản xuất của Cộng đồng Châu Âu.

Ông Vĩnh khẳng định những phân tích của chính Ủy ban Châu Âu đã cho thấy bên khởi kiện là các nhà sản xuất giày Châu Âu không phải gánh chịu những thiệt hại trong giai đoạn hiện nay, thị phần của các nhà sản xuất Châu Âu vẫn duy trì ở mức ổn định trong giai đoạn điều tra rà soát so với năm 2006.

Cũng theo lời ông Vĩnh, ngành công nghiệp da giày Việt Nam là một ngành công nghiệp quan trọng sử dụng trên 650.000 lao động với đa số là lao động nữ, đang phải chịu tác động hết sức tiêu cực, do đồng thời bị áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày mũ da xuất khẩu sang cộng đồng Châu Âu và việc Cộng đồng Châu Âu loại mặt hàng giày dép xuất khẩu của Việt Nam khỏi diện được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) trong giai đoạn 2009 - 2011.

Liên hiệp Châu Âu đã áp đặt mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày da của Việt Nam vào năm 2006 sau khi các nhà sản xuất giày ở Châu Âu khiếu nại rằng họ không thể cạnh tranh với các nhà sản xuất được hưởng lợi từ chi phí thấp của Việt Nam.

Nguồn: Xinhua, AFP

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG