Đường dẫn truy cập

What Is The What (Cái Ngươi Muốn Là Cái Gì) - Dave Eggers


Theo dõi thông tin báo chí chúng ta có thể biết đôi chút về hoàn cảnh khốn khổ của những người tỵ nạn Sudan, về cuộc chiến tàn bạo và dai dẳng ở Darfur, nhưng nếu đọc quyển What Is The What của Dave Eggers, ta sẽ như được sống qua những cảnh huống của Valentino Achak Deng, một đứa trẻ khốn khổ trong đám Những Đứa Trẻ Thất Lạc đã hứng chịu tất cả mọi hình thức tàn bạo khổ cực từ ở quê nhà cũng như trong các trại tỵ nạn. Nhân dịp quyển tiểu thuyết What Is The What/Cái Ngươi Muốn Là Cái Gì của nhà văn trẻ Mỹ Dave Eggers vừa được trao giải văn chương Medicis năm 2009 của Pháp, trong chương trình hôm nay chúng tôi xin giới thiệu tác phẩm này với quý vị và các bạn.

Dave Eggers sinh năm 1970 tại Boston, Massachusetts, cha là luật sư và mẹ là giáo viên. Khi anh còn nhỏ gia đình rời về sống ở Lake Forest, kế cận Chicago. Gia đình có 4 anh chị em, người anh lớn Bill và người chi Beth cùng với người em trai Christopher (“Toph”). Anh theo học Đại học Illinois với ý định lấy văn bằng về báo chí nhưng năm 1991 mẹ anh mất vì chứng ung thư bao tử và cha anh cũng từ trần vì ung thư não và phổi. Khi đó Dave mới 21 tuổi và Toph mới 8 tuổi và cả anh Bill lẫn chị Beth đều không dám nhận việc nuôi dậy Toph nên Dave phải nhận lãnh trách nhiệm này.

Kinh nghiệm mồ côi nuôi em được anh làm chất liệu cho quyển hồi ký A Heartbreaking Work of Staggering Genius/Một Công Việc Não Lòng của Thiên Tài Loạng Quạng xuất bản năm 2000 và rất được độc giả ở Mỹ hâm mộ và được vào chung kết giải Pulitzer. Anh bỏ học ở đại học Chicago, rời về Berkeley, California cùng với người bạn gái tên Kirsten và Toph, lúc đầu ở chung với chị Beth khi đó đang học Luật và người bạn chung phòng, nhưng sau đó dọn ra ở riêng tiền nhà trả được nhờ một số tiền cha mẹ còn để lại.

Dave cho Toph đi học một trường tư nhỏ còn anh đi làm công việc tạm thời trang trí cho một tờ báo. Cùng người bạn tên David Moodie, anh sang nhượng một tờ báo địa phương phát không tên Cups rồi biến tờ báo này thành một tờ báo khôi hài mang tên là Might. Năm 1998 Dave Eggers tự thành lập cơ sở xuất bản độc lập McSweeney xuất bản sách, tạo chí The Believers ra hàng quý, và một trang mạng khôi hài.

Năm 2002 cùng với nhà giáo dục Nínive Clements Calegari anh mở lớp 826 Valencia dạy học sinh trung học viết văn và lớp sáng tác mùa hè. Hiện nay Lớp 826 Valencia được mở cả ở Los Angeles, New York City, Seattle, Chicago, Ann Arbor, Michigan và Boston. Tất cả những cơ sở này đều là thiện nguyện, vô vụ lợi. Tác phẩm của các nhà văn nhi đồng được in thành tuyển tập The Best American Nonrequired Reading.

Dave Eggers được bạn bè, học sinh tình nguyện đóng góp, nhiều cơ quan văn hóa xã hội hỗ trợ, cộng với tiền bản quyền sách của anh để nuôi sống những cơ sở này. Anh được trao nhiều giải thưởng vinh danh hoạt động cho trường học và cộng đồng. Hiện nay Dave Eggers sống ở San Francisco, với vợ và 2 con.

Tựa đề đầy đủ của quyển truyện là: Cái Ngươi Muốn Là Cái Gì: Tiểu Sử của Valentino Achak Deng. Tác giả mở đầu bằng Lời Tựa của nhân vật chính viết ở Atlanta năm 2006: “Quyển sách này là bản kê khai cảm động của đời tôi: suốt từ khi tôi bị chia cách với gia đình tôi ở Marial Bai, rồi qua mười ba năm tôi trải qua trong những trại tỵ nạn ở Ethiopia và Kenya, cho tới những cuộc chạm trán của tôi với những nền văn hóa Tây phương sôi động, ở Atlanta và những nơi khác.”

Nguyên Dave Eggers gặp Valentino Achak Deng – một thanh niên tỵ nạn người Sudan - vào năm 2002 khi đó đang ở Atlanta. Sau nghe người thanh niên này kể lại sơ lược đời mình bèn nảy ý định viết sách nói lên những nỗi khổ đau của dân chúng Sudan nhân dịp cuộc chiến tranh diệt chủng ở Dayfur vẫn đang tiếp diễn ác liệt. Dave làm nhiều cuộc phỏng vấn có ghi âm với Achak làm tài liệu nhưng khi bắt tay vào viết quyển hồi ký thì gặp trở ngại về kỹ thuật kể truyện.

Nếu viết thành một cuốn hồi ký thì những điều Achak kể lại về thời quá khứ xa không mấy chính xác, vả lại sách hồi ký nay đã xuất hiện quá nhiều e rằng không thu hút được sự chú ý của người đọc. Cuối cùng cả Dave và Achak đều đi đến quyết định quyển sách sẽ vừa là hồi ký vừa là tiểu thuyết vì cả hai cùng cho rằng nếu Dave Eggers viết lại cuộc đời của Valentino Achak Deng thành một cuốn tiểu thuyết thì số người người đọc sẽ nhiều và nhờ tính hấp dẫn của tiểu thuyết có thể sẽ hiểu được những hành động tàn ác của những chính quyền Sudan đã phạm phải từ trước và trong cuộc nội chiến đẫm máu xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 1983 đến năm 2005 hơn.

Về tên sách nghe lạ tai What Is The What, người đọc được cho biết đây là một câu nói lấy từ một truyện thần thoại xứ Dinka là nơi sinh trưởng của Achak: Ngày bé Achak được cha kể cho nghe truyện thần thoại này như sau: Ngày xửa ngày xưa sau khi Thượng đế sáng tạo nên người nam và người nữ, ngài ban cho họ súc vật “là nguồn gốc của mọi loại sữa, thịt, và thịnh vượng.” Nhưng Thượng đế cũng ban cho nhân loại một sự chọn lựa khi nói “Các ngươi hoặc có thể lấy những súc vật này, đó là tặng phẩm của ta, hoặc các ngươi cũng có thể lấy Cái Ngươi Muốn.”

Quyển What Is The What bản bìa cứng do nhà xuất bản McSweeney’s của tác giả in gồm 475 trang sách, chia làm 26 chương, và quyển truyện sau đó được nhà xuất bản Vantage in loại bìa mỏng để phổ biến rộng hơn. Sau trang Lời Tựa của Valentino Achak Deng, với nhân vật kể chuyện là Achak, hiện đang vừa đi học ở đại học cộng đồng vừa đi làm ở phòng tập thể dục Century Club.

Truyện mở đầu bằng tình huống Achak khi đó đã ở trong một căn chung cư tại Atlanta với một người bạn thì một buổi tối nọ bị một nữ da đen tên Tonya xí gạt xin vào phỏng giả vờ mượn điện thoại để kêu cảnh sát vì xe bị hư nhưng sau đó một nam da đen tên Powder lẻn vào rồi cả hai không những uy hiếp trấn lột của cải mà còn dùng thứ ngôn ngữ khinh miệt khi nói với Achak và trước khi bỏ đi Powder còn nện cho anh một cú đấm như trời giáng, dùng dây điện thoại trói gô và lấy băng keo dán cứng miệng anh, và Achak ngất xỉu.

Khi tỉnh dậy anh thấy có một đứa bé khoảng 10 tuổi đang ngồi trong căn bếp tỉnh bơ xem truyền hình, không quen biết thằng bé Achak gọi nó là TV Boy. Nằm trên sàn nhà, lòng buồn thảm vì thấy ở Mỹ anh cũng vẫn bị bạo động trấn áp chẳng khác gì thời còn ở quê nhà hay thời ở trại tỵ nạn. Achak than thở:

“Tôi chán cái xứ này quá rồi. Tôi cám ơn đã đến xứ này, đúng thế, trong ba năm tôi ở đây tôi đã yêu thích rất nhiều mặt của xứ này, nhưng tôi chán ngán những hứa hẹn. Tôi đến đây, bốn ngàn người chúng tôi tới đây, lặng lẽ chiêm ngưỡng và trải nghiệm.”

Rồi anh nghĩ đến những kỷ niệm êm đềm với cô bạn gái Tabitha quen biết nhau từ khi còn ở trại tỵ nạn, sau Tabitha sang Mỹ, định cư ở Seatle và vẫn sang thăm anh và yêu anh. Nhưng hình ảnh thằng bé TV Boy gợi nhớ những kỷ niệm quá khứ khi Achak còn nhỏ.

Trong những chương sách tiếp theo kể lại quãng đời của Achak từ khi 7 tuổi ở làng Dinka thuộc tỉnh Marial Bai. Gia đình Achak đang sống bình yên thì một hôm bị một toán lính Ả Rập được chính quyền hậu thuẫn ập tới cướp bóc. Cha Achak có một cửa tiệm bán đường, bọn lính ập vào tiệm không những lấy hết đường mà còn hành hạ đánh đập cha Achak một cách tàn nhẫn.

Thằng bé Achak may sao chạy thoát trong khi làng nó bị thiêu rụi, dân làng hoặc bị sát hại hoặc bị bắt đi theo bọn lính cướp bóc. Cắm cổ chạy thoát thân, không biết cha mẹ còn sống hay đã bị giết chết, Achak nhập vào đoàn những đứa trẻ chạy loạn – danh từ thời đó gọi lũ trẻ hàng nhiều ngàn đứa này là “Lost Boys”, Những Đứa Trẻ Thất Lạc.

Chúng mải miết trốn chạy ngày đêm, băng qua những con đường băng ngang biên giới qua những vùng lãnh thổ mênh mông bị chiến tranh tàn phá cùng cực với hy vọng phía trước mặt là xứ Ethiopia, nơi chúng mong ước sẽ có thể an lành nương náu. Nhưng niềm hy vọng của Achak cũng như của hàng ngàn đưa bé trên đường trốn chạy chiến tranh và bạo động này hóa ra lại dẫn đến những cảnh tượng khủng khiếp ngoài sự mong đợi của chúng.

Trong nhiều chương sách kế tiếp Achak kể lại những sự việc khủng khiếp trên đường trốn chạy như: thú dữ rình rập, những bãi mìn giăng khắp, những cuộc thảm sát, thái độ hành vi độc ác của dân chúng địa phương những vùng chúng đi qua, đói khát, bệnh tật, sự sợ hãi và cô đơn. Nghĩa là mọi hình thức của sự tàn bạo. Valentina Achak Deng đã phải than: “Ở Sudan một đứa trẻ dễ chết như chơi,” và nhiều lúc nó cầu mong sao mình chết đi cho rồi.

Nhưng những đứa trẻ thất lạc này cũng tìm thấy được, dù rất hiếm hoi, khiến chúc ngạc nhiên, cái tình người giữa bọn chúng và đôi khi nơi những kẻ xa lạ. Cuộc sống trong những trại tỵ nạn mọc lên trùng điệp với hàng triệu dân tỵ nạn ở Kenya và Ethiopia cũng được Dave Eggers mô tả rất hiện thực và sống động. Nhưng đến được biên giới để vào xứ Ethiopia cũng chưa phải là an toàn. Trên đường trốn chạy những đứa trẻ đã tìm cách giữ vững tinh thần bằng cách tin vào những cảnh tượng trong những truyện thần thoại về một thiên đàng ngày bé chúng được cha mẹ kể cho nghe.

Nhưng khi đoàn trẻ trong đó có Achak đến được Ethiopia thì xứ này vừa xảy ra một cuộc đảo chính bạo loạn, chính quyền Ethopia bị lật đổ, cảnh hỗn loạn diễn ra, hận thù vây bủa, người chẳng thể tin nhau. Chẳng hạn một đứa trẻ trong bọn chúng gặp một người đàn bà trong bộ quân phục, mụ ngon ngọt đón chào nó, nhưng khi nó bước tới gần mụ thình lình rút khẩu súng dấu dưới cỏ lạnh lùng bắn xuyên ngực đứa trẻ.

Trong tất cả những chương sách mô tả những cảnh khốn khổ của người tỵ nạn cũng như sự tàn bạo giữa người với người, giọng văn của Dave Eggers không quá đà, đôi khi còn xen vào những câu văn khôi hài nhẹ nhàng.

Trong chương cuối quyển truyện Valentino Achak Deng đã có quyết tâm sẽ bỏ việc, bỏ Atlanta để ra đi. Dù đi về đâu cũng được, như đi Macon sống với vợ chồng người bạn quen thân ở trại tỵ nạn mới có đứa con đầu lòng, nhân tiện đi Florida ghé thăm Phil và Stacey cùng hai đứa con song sinh của họ, hoặc lái xe suốt đêm đến Seatle thăm Moses.

Như người trong mơ, Achak mơ một ngày sẽ mặc đồ bộ lên máy bay về thăm cha mẹ ở quê nhà, mang theo mảnh bằng tốt nghiệp dù rằng cha anh đã dặn chỉ về khi nào ông đã gầy dựng lại được cửa hàng buôn bán. Nhưng giờ đây, việc trước tiên là anh phải kể lại câu chuyện đời mình cho mọi người nghe.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG