Đường dẫn truy cập

Chuyên gia Úc giới thiệu phương pháp trị liệu cho trẻ tự kỷ ở VN


Chuyên gia Úc giới thiệu phương pháp trị liệu cho trẻ tự kỷ ở VN
Chuyên gia Úc giới thiệu phương pháp trị liệu cho trẻ tự kỷ ở VN

Hai chuyên gia trị liệu ngữ âm, bà Christine Kendall và bà Gloria Staios, tại tổ chức Spectrum Speech Pathology Services, một tổ chức tư nhân được thành lập vào năm 1998 ở bang Victoria của Australia, đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trị liệu cho trẻ em mắc chứng tự kỷ. Cuối tháng 9 vừa qua, với sự tài trợ của Chương trình Quốc tế, Bệnh viện Nhi Hoàng gia ở Melbourne, Australia, hai bà đã có dịp sang Việt Nam để thực hiện một chương trình đào tạo cho các bác sĩ Nhi khoa, các nhà sư phạm đặc biệt taị bệnh viện Nhi ở Hà Nội. Chương trình cũng có sự tham gia của các bậc phụ huynh có con em mắc chứng tự kỷ. Một số trẻ em tự kỷ đang được điều trị tại bệnh viện cũng đã được các chuyên gia trị liệu bằng một phương thức mới để giúp các em phát triển khả năng giao tiếp của mình. VOA đã có cuộc trao đổi với hai vị chuyên gia về chứng tự kỷ cũng như phương pháp trị liệu mà hai bà đã giới thiệu ở Việt Nam trong chuyến đi này.

Theo Viện Nghiên cứu Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ của Hoa Kỳ (National Institute of Neurological Disorder and Stroke) tự kỷ là một dạng rối loạn chức năng phức tạp trong quá trình phát triển, thường xuất hiện trong 3 năm đầu đời.

Chứng tự kỷ làm rối loạn các kỹ năng xã hội và kỹ năng giao tiếp của trẻ. Những trẻ em bị tự kỷ gặp khó khăn trong việc giao tiếp bằng lời hoặc cử chỉ, thiếu các kỹ năng xã hội và kỹ năng chơi. Rối loạn này cũng gây khó khăn cho trẻ trong việc giao tiếp với người khác hoặc thiết lập các mối quan hệ bên ngoài.

VOA: Thưa bà Christine là chuyên gia trong lĩnh vực trị liệu cho trẻ em mắc chứng tự kỷ, xin bà cho biết một số hành vi thường xuất hiện ở những em này mà cha mẹ các em nên phát hiện sớm?

Christine Kendall: Những biểu hiện ban đầu thường là việc trẻ em phản ứng rất chậm khi được gọi tên. Các em không biết chỉ vào đồ vật, thường thì những đứa trẻ bình thường sẽ chỉ cho cha mẹ thấy những đồ vật mà các em muốn có hoặc các em cảm thấy thích, nhưng đối với những em bị tự kỷ thì không có hành động đó. Hoặc một biểu hiện khác là các em không hứng thú chơi đồ chơi, và sự thiếu hứng thú này lặp đi lặp lại. Các em không chơi giống như những đứa trẻ bình thường khác. Ví dụ như thay vì đẩy một chiếc xe ôtô đồ chơi cho xe chạy thì em bé lại lật ngược xe lên, hay là nằm xuống để nhìn xe thôi chứ không muốn chơi với chiếc xe đó. Một điều quan trọng theo quan điểm của chúng tôi là các em không phát triển được khả năng giao tiếp bằng bất cứ hình thức nào, quí vị sẽ không nhìn thấy các cử chỉ như đưa tay lên khi muốn được mẹ bế ẵm. Các em sẽ kéo cha mẹ chẳng hạn khi các em muốn có vật gì đó chứ không chỉ vào đồ vật như tôi đã nói trên đây. Trong các trường hợp này các em rất chậm nói, nhiều em mà chúng tôi gặp ở Hà Nội không biết nói hoặc nói rất ít so với độ tuổi của các em.

VOA: Vậy khi phát hiện thấy những biểu hiện như vậy, điều đầu tiên mà cha mẹ nên làm là gì, thưa bà?

Christine: Điều đầu tiên cần làm là nên đi tới bác sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa nhi và nói lên những điều mà họ thấy bất thường. Theo nghiên cứu của chúng tôi đối với trẻ em tự kỷ nếu càng can thiệp sớm thì kết quả càng cao. Trong chương trình mà chúng tôi làm, chúng tôi thấy có nhiều trẻ em dưới 2 tuổi được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, về mặt kết quả thì điều tốt nhất là bắt đầu trị liệu thật sớm. Vậy nên điều vô cùng quan trọng là cha mẹ nên phát hiện sớm các biểu hiện của trẻ tự kỷ để có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ hoặc các chuyên gia.

VOA: Thưa bà Gloria vậy bà có thể cho biết phương pháp trị liệu mà hai bà đã giới thiệu trong chuyến đi Việt Nam là gì, và phương pháp này có ưu thế gì so với những phương pháp khác?

Gloria Staios: Tôi nghĩ là phương pháp mà chúng tôi sử dụng không hoàn toàn giống với những phương pháp trị liệu ngữ âm được sử dụng ở các nước có nhiều chuyên gia về lĩnh vực này. Những gì chúng tôi có thể làm được là hướng dẫn cho các gia đình và những người tham gia chương trình về cách thức làm sao để khiến các em nhỏ tập trung chú ý, cũng như cách sử dụng các đồ chơi và các vật dụng khác để phát triển kỹ năng tương tác ban đầu cho các em. Ví dụ như làm thế nào để các em cùng tham gia chơi đồ chơi hay thực hiện một hoạt động nào đó với quí vị, hay khi chơi thì các em chăm chú nhìn vào đồ chơi và có phản ứng bằng mắt nhanh hơn, bởi đó là những kỹ năng chính mà trẻ em tự kỷ không có. Chúng tôi chỉ cho họ cách tương tác với trẻ em để các em có thể phát triển khả năng dùng cử chỉ để giao tiếp hay nói lên điều mà các em muốn. Ví dụ như chúng tôi dạy cho các em biết đưa một đồ vật tới cho cha mẹ để biểu lộ rằng đó là cái các em muốn. Bởi vì những em bé này không hiểu rõ phải giao tiếp hay tương tác với người khác ra sao, và chính vì sự chán nản với khả năng giao tiếp của mình đã khiến các em có vấn đề về hành vi. Đối với các trẻ em tự kỷ chúng tôi cũng sử dụng phương pháp gọi là hình thức giao tiếp thay thế hoặc là bằng tranh, ảnh. Chúng tôi cũng hướng dẫn cho những người tham gia chương trình biết cách dùng những công cụ đó để phát triển kỹ giao tiếp của các em bị chứng tự kỷ.

VOA: Còn đối với những em mắc chứng tự kỷ ở Việt Nam nhưng thuộc các gia đình nghèo, không đủ tiền chữa trị thì phương pháp này có tốn kém không thưa bà Gloria?

Gloria: Một điều mà chúng tôi làm là đưa các nhân viên tới các cửa hàng ở Hà Nội để họ thấy rằng trên thực tế có rất nhiều nguyên liệu rẻ tiền mà họ có thể mua để làm công cụ trong quá trình giúp trẻ em học cách giao tiếp và chơi với các em. Vì vậy điều mà chúng tôi muốn họ thấy là không cần phải có các dụng cụ đắt tiền để phát các triển kỹ năng giao tiếp ban đầu cho trẻ tự kỷ.

VOA: Thưa bà Christine trong chuyến đi đó bà tìm hiểu được điều gì về các chương trình trị liệu hiện nay cho trẻ mắc chứng tự kỷ ở Việt Nam?

Christine: Ở Hà Nội có một số nơi khám bệnh tư có các chương trình trị liệu mà trẻ em có thể tham gia. Tại bệnh viện Nhi ở Hà Nội cũng có một chương trình kéo dài 3 tuần. Những trẻ em bị chẩn đoán mắc chứng tự kỷ sẽ được sắp xếp lịch chờ để tham gia vào chương trình này. Chương trình do các chuyên gia tâm lý và các nhà sư phạm đặc biệt thực hiện. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh ở miền nam có một chương trình khác kéo dài khoảng 8 tuần chủ yếu là để huấn luyện cho cha mẹ của các em mắc chứng này. Theo chúng tôi được biết thì đó là những chương trình chính đang được thực hiện cho trẻ em mắc chứng tự kỷ ở Việt Nam, vì vậy mà họ đang muốn có thêm nhiều người ở các tỉnh khác tham gia vào chương trình của chúng tôi.

VOA: Thưa bà Gloria bà đánh giá thế nào về nhận thức của các bậc phụ huynh ở Việt Nam đối với chứng tự kỷ của trẻ em?

Gloria: Tôi thấy là các bậc phụ huynh ở Việt Nam cũng tìm cách để có được càng nhiều thông tin càng tốt để họ có thể hiểu về chứng tự kỷ. Nhưng một vấn đề theo tôi là vì họ chỉ nói được tiếng Việt trong khi rất nhiều các tài liệu về chứng tự kỷ lại bằng tiếng Anh, cho nên cơ hội tìm hiểu về chứng bệnh này của họ bị hạn chế. Thế nên tôi nghĩ rằng những chương trình đào tạo như chương trình chúng tôi đang thực hiện rất quan trọng cho các gia đình ở đó.

VOA: Vậy hai bà có kế hoạch trở lại Việt Nam và thực hiện các chương trình tương tự không ạ?

Christine: Chúng tôi có kế hoạch trở lại trong vòng 6 tháng nữa, tức là khoảng tháng 3 hoặc tháng 4 năm tới để theo dõi chương trình đào tạo và tiến hành thêm một số buổi tư vấn cho nhân viên của bệnh viện và đánh giá các chương trình mà chúng tôi đã thiết lập, cũng như hỗ trợ cho chương trình đào tạo ở đó.

Gloria: Dĩ nhiên điều đó phụ thuộc vào vấn đề tài chính, chúng tôi đã được Chương trình Quốc tế của Bệnh viện Nhi Hoàng gia hỗ trợ, và Giáo sư Garry Warne, giám đốc chương trình đã khích lệ chúng tôi rất nhiều trong các hoạt động của chúng tôi ở Việt Nam

Xin cảm ơn bà Christine Kendall và bà Gloria Staios đã dành cho đài VOA buổi phỏng vấn ngày hôm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG