Đường dẫn truy cập

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố phúc trình về tự do tôn giáo


Phúc trình thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về vấn đề tự do tôn giáo trên toàn thế giới được công bố ngày hôm qua đã chỉ trích điều mà phúc trình này gọi là những nỗ lực quốc tế nhằm hạn chế tự do ngôn luận nhân danh việc chống lại sự báng bổ tôn giáo. Tổ chức Hội nghị Hồi giáo, gọi tắt là OIC, đã thúc giục các cơ quan của Liên Hiệp Quốc thông qua những biện pháp chống báng bổ này. Thông tín viên David Gollust của đài VOA có bài tường trình chi tiết từ Bộ Ngoại giao.

Phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tường trình rằng Hoa Kỳ lên án những hành động biểu lộ sự thiếu tôn trọng các truyền thống tôn giáo, trong đó có đạo Hồi.

Tuy nhiên Hoa Kỳ cho rằng các biện pháp chống báng bổ mà Hội nghị Hồi giáo đang theo đuổi sẽ có tác dụng hạn chế cuộc tranh luận về các vấn đề tôn giáo và nên được bãi bỏ để hỗ trợ cho việc bảo vệ của chính phủ đối với tự do tôn giáo và tự do ngôn luận.

Đây là những nhận định quan trọng nhất từ trước đến nay của Hoa Kỳ về nỗ lực của OIC nhằm vận động cho các nghị quyết về chống báng bổ được thông qua tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Trong các nhận định giới thiệu bản phúc trình thường niên này, Ngoại trường Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng Hoa Kỳ sẽ luôn luôn chống lại hành động phân biệt đối xử và ngược đãi vì lý do tôn giáo, nhưng Hoa Kỳ kiên quyết không đồng tình với những ai tìm cách chống lại những vấn đề như vậy bằng việc hạn chế tự do ngôn luận.

Bà Clinton nói: “Liều thuốc tốt nhất cho sự không khoan dung không phải là phương pháp chống ‘Báng bổ Tôn giáo’ bằng việc cấm đoán hay trừng phạt những lời phản đối, mà nên là một sự kết hợp các biện pháp bảo vệ lành mạnh về mặt luật pháp để chống lại sự phân biệt đối xử và những tội ác mang tính thù hận, các phương pháp tiếp cận năng động của chính phủ đối với các nhóm tôn giáo thiểu số cùng với sự bảo vệ một cách mạnh mẽ cả tự do tôn giáo lẫn tự do bày tỏ ý kiến.”

Bản phúc trình theo chỉ thị của quốc hội có liên quan đến 189 quốc gia và lãnh thổ bao gồm những lời chỉ trích gay gắt thành tích tôn giáo của những nước mà Hoa Kỳ còn liệt kê vào danh sách những nước vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, trong đó có Iran và Bắc Triều Tiên.

Iran được nhắc đến trong phúc trình là đã tạo nên một “môi trường mang tính hăm dọa” đối với hầu hết các nhóm tôn giáo không phải là Shia, đặc biệt là nhóm Baha’is, cũng như những người Hồi giáo Sufi, người Cơ đốc giáo và Do Thái giáo. Phúc trình nói rằng Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad vẫn tiếp tục thực hiện một “chiến dịch bài-Do Thái hiểm độc”, nêu nghi vấn về sự tồn tại và qui mô của vụ Holocaust, là chiến dịch bài trừ người Do Thái ở Châu Aâu của Đức Quốc xã.

Phúc trình nói rằng chưa có thay đổi nào đối với mức độ tôn trọng tự do tôn giáo cực kỳ yếu kém ở Bắc Triều Tiên, nơi một số trong 200.000 người bị giam giữ trong các trại tù chính trị được cho là vì lý do tôn giáo.

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông Michael Posner nói rằng Trung Quốc, nước mà Tổng thống Obama dự định sẽ đi thăm vào tháng tới, có xu hướng qui kết sự bày tỏ tín ngưỡng của Phật tử Tây Tạng và người Hồi giáo Uighur ở các khu vực miền tây với vấn đề tự trị và độc lập.

Ông Posner nói: “Các tu sĩ Phật giáo nêu lên vấn đề nhân quyền đã bị nhắm làm mục tiêu. Điều tương tự cũng xảy ra đối với khu vực tự trị của người Uighur với các giáo sĩ Hồi giáo và những người khác. Chính phủ đã đàn áp một cách hết sức mạnh mẽ kể từ cuộc bạo động ở đó vài tháng trước đây đối với các lãnh đạo tôn giáo và những người theo Đạo Hồi.”

Trung Quốc đã từ lâu bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt vào danh sách “những nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo” vì thành tích tự do tôn giáo của họ, cũng như Vịnh Ba Tư và Ả Rập Saudi.

Trợ lý Ngoại trưởng Posner nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ sáng kiến của Quốc vương Abdullah của Saudi về việc đối thoại giữa các tôn giáo, tuy nhiên tình hình tự do tôn giáo ở nước này vẫn là một chủ đề rất đáng quan ngại.

Ông Posner nói tiếp: “Người dân không được phép thực hành một cách công khai các nghi thức tôn giáo của họ, nếu họ không phải là đạo Hồi. Vẫn còn có các cảnh sát tôn giáo can thiệp vào các sự kiện tôn giáo của người dân. Và chúng tôi vẫn quan ngại về những quyển sách giáo khoa vẫn tiếp tục được phổ biến không chỉ ở Ả Rập Saudi mà ở trên khắp thế giới - tới các trường Hồi giáo Madrassas chẳng hạn, đó là những cuốn sách vẫn có những nội dung mà chúng tôi cho là vượt ra khỏi giới hạn cho phép”.

Phúc trình khen ngợi một số nước có những bước tiến tích cực về tín ngưỡng trong đó có Jordan và Philippines. Phúc trình cũng nói rằng điều kiện tôn giáo đã được cải thiện ở Việt Nam, Cuba và một số quốc gia Trung Á.

Tuy nhiên Miến Điện bị chỉ trích về việc hạn chế “một cách có hệ thống” các nỗ lực nhân quyền của các tu sĩ Phật giáo và phúc trình cũng bày tỏ quan ngại về các vụ chống lại người Do Thái ở Venezuela.

Trợ lý Ngoại trưởng Posner nói rằng Bộ Ngoại giao dự kiến sẽ công bố danh sách những nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo vào trước cuối năm nay, những nước này có thể sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ.

Danh sách hiện tại được công bố vào cuối nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Bush, gồm có Miến Điện, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Saudi Arabia, Sudan và Uzbekistan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG