Đường dẫn truy cập

9 người đào tỵ Bắc Triều Tiên rời khỏi sứ quán Đan Mạch


9 người đào tỵ Bắc Triều Tiên đã rời sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội để lên đường sang Seoul hôm thứ Ba, chỉ vài giờ trước khi Tổng Thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak đặt chân xuống phi trường Hà Nội trong chuyến công du chính thức đến Việt Nam.

Hãng Thông Tấn Pháp AFP trích một nguồn tin ngoại giao Việt Nam yêu cầu xin được dấu tên, cho biết là sáng sớm thứ Ba, sau khi rời đại sứ quán Đan Mạch, 9 người Bắc Triều Tiên đã được đưa đến phi trường Nội Bài để bay sang Singapore, rồi sau đó trực chỉ Seoul.

Một nhà ngoại giao Đan Mạch đã từ chối, không trả lời câu hỏi của thông tín viên Pháp Tấn Xã về vụ này.

Trong khi đó, Bộ Ngoại Giao Nam Triều Tiên và các cơ quan hữu trách khác của nước này vẫn giữ vị thế từ trước tới nay, là không bình luận về những người Bắc Triều Tiên ở nước ngoài.

Ông Kim Sang-Hun, một nhà hoạt động tích cực, nói nhóm của ông đã giúp đưa 9 người Bắc Triều Tiên đến sứ quán Đan Mạch. Nói chuyện với Pháp Tấn Xã, ông Kim nói hôm 24 tháng 9, 9 người Bắc Triều Tiên đã vào được khuôn viên sứ quán, với hy vọng sẽ được chấp nhận cho đi tỵ nạn tại Nam Triều Tiên.

Trong tháng qua, nhóm người tỵ nạn đã tạm trú trong một căn lều màu xanh trong khuôn viên sứ quán Đan Mạch ở Hà Nội.

Nhóm hoạt động tích cực cho biết là trong nhóm người tỵ nạn Bắc Triều Tiên, có một bác sĩ và vợ ông, một bà mẹ với cô con gái 13 tuổi, và một phụ nữ từng làm việc như một nô lệ trong một quán karaoke ở Trung Quốc.

Trích nguồn tin ngoại giao Việt Nam, Pháp tấn xã cho biết là dự kiến chiếc máy bay chở nhóm người tỵ nạn cất cánh vào lúc 6:30 giờ quốc tế, 35 phút trước khi phi cơ chở Tổng Thống Nam Triều Tiên hạ cánh tại phi trường Nội Bài.

Được biết, chuyến công du chính thức đầu tiên đến thăm Việt Nam của Tổng Thống Lee Myung-bak sẽ kéo dài đến thứ Năm tuần này.

Các giới chức cho biết mục đích của chuyến đi là để đẩy mạnh quan hệ song phương, bất chấp một vụ xích mích hồi gần đây giữa đôi bên liên quan tới chiến tranh Việt Nam.

Trước đó, ông Leonid Petrov, một giáo sư môn Triều Tiên học tại Đại học Sydney, nói rằng ông tin chắc rằng trường hợp những người đào tỵ Bắc Triều Tiên sẽ được giải quyết mà không phương hại đến các quan hệ giữa Việt Nam với Bắc Triều Tiên, cũng như giữa Hà Nội với Seoul.

Giờ đây sau khi đã giải quyết xong vấn đề người tỵ nạn, Tổng Thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak và Chủ Tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết có thể rảnh tay để tập trung vào việc ký kết một loạt thỏa thuận để nâng mối quan hệ song phương lên tầm quan hệ hợp tác chiến lược.

Nguồn: AFP, Reuters

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG