Đường dẫn truy cập

'Sau thiên tai là nghèo đói’


Ngày 6 tháng 10, 2009

Con số thống kê chính thức hôm 5 tháng 10 cho biết bão số 9 (tên quốc tế là Ketsana), thổi vào miền Trung Việt Nam, ngoài 163 người chết và 11 mất tích, còn 629 người bị thương; khoảng 210,000 người cần được giúp đỡ khẩn cấp vì mất chỗ ở, bão thổi bay mất nhà hay bị hư hại nặng và không có gì để ăn. 21,614 nhà bị sập, trôi; 258,264 nhà hư hại và 294,711 nhà bị ngập.

Một bản tin tổng hợp trên tờ Người Việt cho biết, ông Nguyễn Văn Gia của tổ chức từ thiện quốc tế “Save The Children” khi đến thăm khu vực bị bão ở Quảng Trị cho hay. “Họ thoát chết nhưng bây giờ là phải vật lộn để tồn tại.” Nick Finney của tổ chức “Save The Children” viết trong một blog gửi đi trên Internet: “Một người đàn ông trong đoàn cứu hộ đã thiệt mạng ngày hôm qua. Ông ta bị chết đuối khi cố cứu một bà cụ bị kẹt trên mái nhà tôn.”

Nhiều bản tường trình nói các trường hợp dịch tả, tiêu chảy, sốt rét và các chứng bệnh khác gia tăng nhưng các y viện lại thiếu thuốc. Nước sạch là thứ cũng vô cùng cần thiết để tránh bệnh tật truyền nhiễm nhưng lại không có. Một số người đã tìm cách bắt cá để ăn vì thực phẩm khan hiếm.

Tổ chức Hồng Thập Tự kể lại câu chuyện một bà cụ có căn nhà đã bị hư hại gần như hoàn toàn, không thể ở được nữa nhiều phần sẽ phải phá bỏ. “Không thấy bà cụ khóc nhưng người ta có thể nhìn thấy sự buồn bã trên nét mặt bà cụ khi bà bước vòng quanh để tìm xem có cái gì có thể vớt vát được không.”

Trong khi ở Tây Nguyên, 21 người chết, 5 người mất tích chưa tìm thấy thi thể. Khắp núi rừng Kontum dồn dập tiếng cồng chiêng tiễn biệt não nề. Sáng 29/9 đã trở thành buổi sáng định mệnh, khi ba thầy cô giáo đội mưa gió từ thị trấn Đăk Glei vào Trường Trung học Đăk Choong dự một cuộc họp của các giáo chức. Đến đoạn ngã ba Đăk Tả - Ngọc Linh, bất thần vách núi dựng đứng đổ sụp, may mắn một người thoát kịp, còn thầy hiệu trưởng Ngô Văn Phú và cô giáo Y Linh đã bị những tầng đất đá khổng lồ vùi sâu trong chớp mắt.

Ngay khi cơn bão vừa qua, trên trang VnExpress.net, một người tên Lê Giang Hoàng Phi Hải viết mấy dòng tâm sự chia sẻ với đồng bào Miền Trung:

Chạnh lòng...
Củ mì non,
Trên bờ môi bé xíu.
Bao ngày qua Em đói,
Không hạt cơm lót lòng.
Chạnh lòng...
Giọt nước mắt,
Em khóc cho một người.
Dòng nước nào chảy xiết,
Cướp mất người cha yêu.
Chạnh lòng...
Mẹ già yếu,
Run rẩy trong thủy triều.
Tấm lưng còng còm cõi,
Ngóng chờ gói mì tôm.
Chiều về ngang qua phố,
Tiếng cụng ly ồn ào,
Mùi thịt xào thơm phức,
Ta bỗng nghe chạnh lòng...
Đêm về sương xuống lạnh,
Gió rít từng cơn giông,
Ta chăn êm nệm ấm,
Thấy chạnh lòng...mênh mông
.

Một bài thơ cảm động, nhưng trước biến cố to lớn của đồng bào ruột thịt có lẽ tình cảm trong chữ Chạnh Lòng quá nhẹ không diễn tả hết nỗi đau to lớn này. Đêm khuya ngồi tựa khoang bồng, Sương sa gió lạnh chạnh lòng nhớ anh…

Ngày 7 tháng 8, 1999

Miền Trung của quê hương chúng ta là một miền đất khốn khó. Còn nhớ, trong một ca khúc Tiếng Sông Hương của Phạm Đình Chương có câu “Quê hương em nghèo lắm ai ơi, Mùa đông thiếu áo, Hè thời thiếu ăn, Trời hành cơn lụt mỗi năm, Khiến đau thương thấm tràn ngập Thuận An…” Trời hành cơn lụt mỗi năm…một vùng đất khô cằn sỏi đá, luôn luôn bị thiên tai [và chiến tranh] tàn phá,…Vùng đất ấy với nỗi đau mỗi năm một lần đến với người dân, vết đau năm trước chưa lành, vết thương năm nay lại tới….Cách đây đúng 10 năm, cuối hè năm 1999 trên trang Sổ Tay tháng Chín, 1999 của tạp chí Văn, tôi đã viết về một thiên tai đã dập xuống miền Trung chúng ta… Mười năm và những con số 9 đâu chỉ có điềm lành…

“Mặc dù mùa hè chưa qua, mấy hôm nay trời Bắc Cali đã trở lạnh. Cái nóng khủng khiếp làm chết người trên toàn nước Mỹ chỉ lướt qua nơi chúng tôi đang sống. Chưa kịp chạy đi mua một cái máy lạnh nhỏ, trời đã mát dịu trở lại. Nhưng các nhà khí tượng học cho biết khí hậu địa cầu đang thay đổi. Nước Mỹ đang bị hạn hán và cả Đông Nam Á đang ngập trong bão lụt.

Một bản tin từ trong nước cho biết: Huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận là nơi lãnh chịu hậu quả lũ lụt nặng nhất.

"Bên cầu Sông Le (bị sụp vì lũ), trên Quốc Lộ 1A, thuộc địa bàn huyện Hàm Tân xe hơi nối đuôi nhau dài dằng dặc tắc nghẽn hàng cây số. Bên chân cầu Sông Le, một chiếc xe đò 30 chỗ ngồi bị lũ cuốn trôi xuống ruộng. Trên lộ 51 vào Hàm Tân, một đoạn đường nhựa dài 200m đi ngang thôn 1 xã Tân Xuân bị sạt lỡ mất nửa bên. Mấy căn nhà gạch kiên cố bên bờ con sông nhỏ bị nước cuốn trôi giờ chỉ còn lại cái nền trơ trọi. Dân thôn 1 bất ngờ vì nước lũ lên nhanh quá.

Sáng 29 tháng Bảy, những gia đình ở ven sông thấy nước mấp mé thềm nhà, cứ nghĩ tí nữa sẽ rút, nhưng đến 11 giờ trưa nước đã ngập cao đến hai thước. Nhiều nhà và hàng chục người bị nước cuốn trôi. Hai vợ chồng cụ Phạm Rí, trên 80 tuổi, bị trôi giữa dòng nước, may bám được vào ngọn cây, chờ người đến cứu... Trong hai ngày 29 và 30 tháng Bảy, toàn bộ thị trấn La Gi (Bình Thuận) chìm trong biển nước. Đến sáng 31 tháng Bảy nước mới rút để lại một thị trấn toàn một màu đen bùn đất, không còn một giọt nước để nấu ăn tắm giặt...

Có thể nói, hầu hết các quốc gia châu Á bị chìm trong biển nước vì cuồng phong và mưa lũ. Trung quốc, Ấn Độ là những nơi bị nặng nhất, nhưng Bangladesh, Việt Nam, Nepal, Cambodia, Thái Lan, Phi Luật Tân, bán đảo Triều Tiên cũng không tránh khỏi bị thiệt hại.

Những cơn mưa dầm, hậu quả của hiện tượng thời tiết La Nina đã gây ra nạn lụt thảm thiết châu Á. Đây là hiện tượng thời tiết ngược lại và tiếp nối El Nino. Nếu El Nino nóng gây hạn hán thì La Nina lạnh và làm mưa nhiều. Ở Trung quốc 1 triệu 800 ngàn người lâm cảnh màn trời chiếu đất và 66 triệu người sống trong lưu vực sông Dương tử đang bị đe dọa trực tiếp vì nạn lụt. Ở Việt Nam, mặc dù nạn lụt đã tràn đến đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bình Thuận ở phía nam Trung phần cũng đã có 36 người chết vì lụt.

Nhưng oái ăm thay, tại Hoa Kỳ, El Nino đã làm cho cả nước hạn hán. Hạn hán trầm trọng đến nỗi Thống đốc Maryland ra thông báo nếu ai tưới nước cho cỏ hay rửa xe tại Maryland trong mùa hạn hán này sẽ bị phạt sáu tháng tù và 1,000 đô la. Phải làm như vậy, ông nói, bởi vì "không ai thấy được các dòng sông đang bị khô cạn như thế nào?" Delaware, Pennsylvania, New Jersey, West Virginia,... cũng đã ra những thông cáo tương tự.

Những vườn cỏ và cây cối đang héo dần ở vài vùng nổi tiếng trên toàn quốc, như từ khu Central Park ở thành phố New York cho đến vùng đất đầy cỏ của National Mall ở Washington D.C. Lượng mưa tại sân bay quốc tế Baltimore, Washington thấp hơn lượng nước bình thường trong 12 tháng qua. Các hồ chứa nước nhân tạo ở thành phố Baltimore hiện đang chứa khoảng 41 tỷ gallons thấp hơn mức năng suất, đến nỗi Thống đốc Glendening cũng phải yêu cầu thành phố bắt đầu rút khoảng 137 triệu gallons nước mỗi ngày từ sông Susquehana.

Và con sông này, chính nó, cũng đã bị cạn đi hai phần ba do hạn hán. Có nghĩa là lượng nước này cũng chỉ đủ đáp ứng cho những nhà hàng, khách sạn ở Maryland, và những vòi nước công cộng trong công viên sẽ ngưng hoạt động cho đến khi bớt hạn.

Nhưng cho dù không ai thấy được các dòng sông đang bị khô cạn của nước Mỹ như thế nào cũng không khiếp đảm bằng con “quái vật” mênh mông lênh láng tràn ngập nhà cửa ruộng vườn dìm tất cả con người dưới đáy âm ty. Và những trận mưa liên tu hồ tận đã chôn người dân miền trung quê hương chúng ta xuống tận cùng địa ngục…

Ở Sài gòn thời trước 75, tôi chưa bị những trận cuồng phong mưa lũ ngập trời thối đất kéo tôi xuống… Chỉ là những cơn mưa đẹp đẽ làm thành kỹ niệm trong mỗi chúng ta. Phải bị những trận mưa tuôn xối xả đập đầu chúng ta xuống kề sát bên cái chết mới hiểu được khoảng cách tử sinh. Những cơn mưa dữ, những trận cuồng phong đã lôi đi bao sinh mạng, nhà cửa vườn tược, hoa màu, thuyền bè,... thiên nhiên cũng như con người, cái vẻ đẹp bao giờ cũng chứa đựng trong nó một nghịch lý: sự tàn bạo. Và ngược lại, sự tàn bạo bao giờ cũng mang trong nó vẻ đẹp tiềm ẩn.

không ai thấy những thành phố ngập nước nơi kia
có những dòng sông khô cạn nơi này
không ai thấy trong nụ cười thân thiện
là sự dối trá điêu ngoa
không ai thấy trong lời nói ngọt ngào
chứa đầy những nọc độc rắn rít

không ai thấy bóng đen của những ngọn đèn hàng ngàn watts
không ai thấy đêm sâu giữa trưa nắng
không ai thấy sự chết chóc trên những đôi môi quyến rũ
không ai thấy trái tim thù hận trong tiếng hát quê hương
không ai thấy bên dưới khuôn mặt thơ ngây là
trái tim đã cằn cỗi
không ai thấy con mắt hực lửa căm thù trong những vòng tay âu yếm

không ai thấy những giọt nước mắt của bà mẹ già bên xác con lạnh ngắt
không ai biết đứa bé lên năm nghĩ gì
khi đứng bơ vơ giữa những đống gạch vụn
không ai thấy sự lạnh lẽo trong những lồng ngực cháy bỏng
không ai biết tôi yêu em đến cạn nước những dòng sông
không ai biết tôi đang chết khi đang thở
không ai biết vì sao tôi phải ra đi đêm nay
không ai thấy
không ai biết
không ai hiểu
vì sao vì sao vì sao vì sao

....

Tôi viết những dòng chữ ấy cũng từ một bản tin Miền Trung Việt Nam tứ bề khốn khó trên trang Sổ tay tháng 9, 1999. Tôi không nghĩ đó là một bài thơ. Tôi biết mình đã lãng phí quá nhiều năm tháng. Tôi đã sống ít hơn là tôi đã chết. Tôi đã yêu ít hơn là tôi trái tim tôi đã có. Tôi không nhìn thấy tình yêu đang khô cạn trong lồng ngực tôi…

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG