Đường dẫn truy cập

Làm thế nào để các bệnh viện an toàn hơn?


Thứ tư ngày 14 tháng 10 là Ngày Quốc tế Giảm Tai họa và một hội nghị được tổ chức trong thủ đô London tìm cách giải quyết một vấn đề thường không được chú ý tới - đó là làm thế nào để cho các bệnh viện được an toàn hơn. Thông tín viên Selah Hennessy phỏng vấn phái đoàn Liên hiệp quốc dự hội nghị về nguyên do tại sao vấn đề an toàn của các bệnh viện lại đặc biệt quan trọng đối với các nước đang phát triển.

Khi những vấn đề cấp bách diễn ra thì người ta thường dồn sự chú ý vào việc cứu nạn ngay lập tức, bảo đảm là có nước sạch, lương thực thực phẩm và các phương tiện chữa trị bệnh nhân phải sẵn sàng.

Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra là điều gì xảy ra khi các bệnh viện bị nước cuốn trôi vì lụt, hoặc trở thành đống gạch vụn trong một trận động đất?

Tại hội nghị ở London, các quan chức y tế trên khắp thế giới tụ họp lại để tìm những phương cách làm cho bệnh viện được an toàn hơn, vững chãi hơn để khi tai họa xảy đến, các cơ sở y tế sẽ có thể chịu đựng, tồn tại bền bỉ hơn.

Hội nghị không chỉ qui tụ các bác sĩ, y tá và các phái đoàn từ các tổ chức viện trợ quốc tế, mà còn có sự tham dự của những người ngoài lãnh vực y tế như các nhà qui hoạch, kiến trúc sư và kỹ sư, những người đã thảo luận về cách xây bệnh viện như thế nào để chúng có thể sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp khẩn cấp.

Phó Giám đốc Cơ quan Chiến lược Quốc tế Giảm bớt Tai họa của Liên hiệp quốc, Helena Molin-Valdes nói với đài VOA rằng các cơ sở y tế cần được xem là trung tâm của hoạt động cứu nạn.

Bà Valdes nói: Y tế và bệnh viện là các lãnh vực cơ bản của an sinh, hãy cứ thử nhìn xem khi một tai họa lớn nhỏ xảy ra, nếu chúng ta không có các cơ sở y tế hoạt động tốt và có thể đáp ứng được nhu cầu thì chúng ta lại tạo ra một tai họa ở một mức độ khác.

Nhìn lại một số thiên tai lớn xảy ra trong những năm gần đây chúng ta sẽ thấy rõ là các cơ sở y tế rất dễ gặp nguy cơ. Theo số liệu của Bộ Y tế, trận sóng thần ập vào châu Á năm 2004 đã cuốn trôi hoặc gây hư hại cho 2/3 số bệnh xá trong nguyên một tỉnh của Indonesia. Và cơn bão lốc xảy ra ở Miến Điện năm 2008 đã tàn phá 1 trong 5 bệnh viện của khu vực đó.

Tổ chức Y Tế Thế Giới WHO nói rằng có ít nhất 90 ngàn cơ sở y tế tại 49 nước kém phát triển nhất. Đa số đều là những cơ sở rất dễ bị tàn phá một khi tai họa xảy đến.

Bà Molin-Valdes nói vấn đề tại nhiều quốc gia đang phát triển là ngay cả những cơ sở y tế cơ bản cũng không có.

Bà Valdes nói: “Chúng ta cần phải cải thiện chăm sóc y tế nói chung cho những nhu cầu thường nhật và những mục tiêu thường nhật và nếu điều đó kém hiệu quả ngay trên cơ sở mỗi ngày thì nó cũng chẳng thể đột nhiên trở nên hiệu quả hơn khi có khủng hoảng hoặc thiên tai.”

Bà nói thêm rằng các cơ sở y tế là phần cơ bản trong đời sống cộng đồng và điều quan trọng là các cơ sở đó phải được thiết kế để hữu ích trong trường hợp khẩn cấp.

Bà Valdes nhận định: “Đó là một cơ sở y tế mà trong nhiều trường hợp đã trở nên trung tâm của niềm tin của cộng đồng, có nghĩa là dân chúng trong cộng đồng thường tới đó để được giúp đỡ. Chẳng hạn khi có những chương trình vắc xin, chủng ngừa v..v. . Trong rất nhiều cộng đồng, chính những nhân viên y tế thường đi từ nhà này sang nhà khác và thật sự tạo ra một mạng lưới an toàn trong quần chúng.”

Trong thập niên vừa qua, trung bình có gần 400 chiến dịch mỗi năm đã đáp ứng được tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc khi phải đối phó với một thiên tai. Vào năm 2008, các thiên tai đã làm thiệt mạng 235 ngàn người và gây tổn thất cho cả thế giới khoảng 200 tỉ đôla.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG