Đường dẫn truy cập

Đọc thơ: “Hôm qua em đi hái chè”


Bài ca dao này chắc ai cũng nhớ:

Hôm qua em đi hái chè,
Gặp thằng phải gió nó đè em ra.
Em van mà nó chẳng tha,
Nó đem nó đút đầu thằng cha nó vào.


Đây là lời kể của một cô gái. Chuyện xảy ra ngày hôm trước nhưng khi kể lại, cô vẫn còn tức tối: cô vừa kể vừa chửi.

Lời chửi sau cùng nghe rất sướng tai: cô ví cái đầu của cha tên đàn ông khốn nạn với một cái gì người ta quen xem là "bẩn thỉu" nhất. Những chữ "nó" lặp đi lặp lại nhiều lần càng làm cho lời chửi càng vang vang, càng dữ dội.

Hơn nữa, "nó" lúc nào cũng đối lập với "em": trong khi hai câu lục, nói về "em", thật nhiều vần bằng, nghe dịu dàng vô cùng, thì hai câu bát, nói về "nó", lại ngổn ngang đầy những vần trắc, nghe thật hung hãn và thô bạo.

Thế nhưng, chả cần gì phải tinh tế lắm, chúng ta cũng có thể thấy ngay là thấp thoáng đằng sau cái vẻ tức tối ấy có cái gì như...thinh thích.

Cô gái tức tối nhưng rõ ràng là cô không thù hận cái gã đàn ông đã hiếp dâm cô. Cô gọi nó là "thằng phải gió" mà "phải gió", theo Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên xuất bản tại Hà Nội năm 1992, là "tiếng dùng để rủa nhẹ nhàng", còn theo Từ điển Tiếng Việt của Văn Tân, bản in năm 1994, thì việc rủa nhẹ nhàng ấy có khi chỉ ngụ ý đùa chơi mà thôi.

Chửi kẻ đã hiếp dâm mình là "thằng phải gió", do đó, là một cách...tha bổng nó.

Chính vì ai cũng nhận ra điều đó cho nên ai cũng xem bài ca dao ấy là một bài ca dao hài hước.

Có cái gì như nghịch lý: đọc một bài ca dao kể về chuyện hiếp dâm, tức một tội ác hay một bi kịch mà không ai phẫn nộ hay xót xa gì cả. Người ta chỉ cười. Cười hả hê.

Tiếng cười ấy không những làm trắng án kẻ hiếp dâm mà còn, oái oăm thay, đảo ngược hẳn công việc luận tội: kẻ bị chê trách không phải là tội phạm mà chính là nạn nhân.

Dường như tất cả những thương tổn mà cô gái phải chịu đựng về phương diện tình cảm cũng như xã hội đều nhất loạt bị mọi người xem như không có chỉ vì một lý do duy nhất là xác thịt của cô không kềm chế được những xúc động trước sự đụng chạm dù một cách thô bạo của người khác phái.

Dường như, dưới mắt người đời, những sự xúc động ấy còn đáng chê cười hơn cả việc làm tồi bại của gã đàn ông dâm đãng.

Hơn nữa, khi nhấn mạnh vào những xúc động có tính chất bản năng của cô gái, người ta đã làm cho việc hiếp dâm không còn là một tội ác mà còn, hơn nữa, biến nó thành một ân huệ: nó thoả mãn được những rạo rực trong cơ thể người con gái; nó mang lại cho cô những cảm giác khoái lạc bất ngờ; nghĩa là, nói cách khác, nó đáp ứng những điều cô âm thầm chờ đợi hoặc mong ước.

Cách nhìn như thế rõ ràng là mang tính kỳ thị phái tính.

Ở điểm này, tôi nghĩ các nhà nữ quyền luận của Việt Nam có thể xoáy ngòi bút vào để phân tích.

Bảo đảm có thể moi ra được khối điều thú vị để bàn bạc.

Phải không các bạn?

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG