Đường dẫn truy cập

Châu Á muốn có vai trò lớn hơn trong chính sách kinh tế thế giới


Những dấu hiệu phục hồi kinh tế đang ló dạng vào lúc các lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển hàng đầu chuẩn bị hội họp tại Pittsburgh vào ngày 24 tới 25 tháng này. Theo tường trình của phái viên đài VOA Heda Bayron từ Hồng Kông, các kinh tế gia cho rằng muốn tiến trình phục hồi được vững vàng, nhóm G-20 cần tìm ra các phương kế cân bằng lại nền kinh tế thế giới, và rằng châu Á phải đóng một vai trò đáng kể trong việc hình thành các chính sách.

Cứ vào giữa trưa những ngày làm việc, Bà Trương đều treo những tấm biểu ngữ bên ngoài chi nhánh Citibank tại Hồng Kông, với hàng chữ: “Citibank là một ngân hàng xấu xa”.

Bà Trương nói rằng Citibank lừa bịp lấy đi của bà một triệu đôla Hồng Kông nghĩa là 125 ngàn đôla Mỹ.

Bà Trương là một trong số 30 ngàn người đầu tư Hồng Kông nói rằng họ đã bị lừa mua những trái phiếu nhỏ của Lehman Brothers, là một loại giấy tờ tài chánh liên hệ tới những khoản nợ mua nhà tại Mỹ do ngân hàng đầu tư này đặt ra. Nhiều ngân hàng tại Hồng Kông bán những trái phiếu này trong số có Citibank.

Khi Lehman Brothers bị sụp đổ cách đây một năm, nhiều người đầu tư nói họ không biết rằng họ có dính dáng bất kỳ điều gì với ngân hàng đó. Làm cách nào mà sự phá sản của một ngân hàng lại gây tổn hại cho một người thợ may hưu trí cư ngụ cách đó cả nửa vòng trái đất? Điều này biểu hiện cho tính toàn cầu hóa của hệ thống tài chánh.

Trải qua nhiều năm, hệ thống kinh tế và tài chánh toàn cầu ngày càng trở nên liên kết với nhau, tuy rằng mối liên hệ chính là ở giữa 2 cực: phương Tây tiêu xài lớn và châu Á thích dành dụm.

Người tiêu thụ phương Tây là khách hàng chính mua hàng xuất khẩu rẻ tiền của châu Á, điều đó đã giúp các chính phủ Á châu tích tụ hàng ngàn tỉ đôla trong kho dự trữ ngoại tệ của họ.

Ngoài ra phương Tây cũng vay mượn rất nhiều của châu Á. Và khi cái bong bóng tài sản tại Mỹ bị nổ tung hồi năm ngoái, những người phương Tây cắt giảm tiêu thụ, điều đó đã tác hại nặng nề đối với châu Á.

Ông Nicholas Kwan, kinh tế gia về châu Á của Ngân Hàng Standard Chartered của Anh, cho rằng các nước G-20 cần giải quyết sự mất cân bằng đó, vì đó chính là một trong những nhân tố nằm trong một loạt những nhân tố phức tạp đưa đến khủng hoảng .

Ông Kwan nói: “Chúng ta đều biết rằng cơn khủng hoảng bắt đầu không phải là do vấn đề của riêng một nước nào. Chúng ta cần nghĩ ra một điều gì đó có thể tạo ra một nền kinh tế cân bằng hơn trên khắp thế giới, chẳng hạn giữa phương Tây và phương Đông. Có thể là phương Tây sẽ cần phải tiết kiệm nhiều hơn, nhưng là tiết kiệm theo cách không gây tổn hại cho mức cầu nhiều quá.”

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế Giới mới đây tại Trung quốc, ông David Dollar đại diện Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ tại Trung quốc nói rằng cả phương Tây lẫn phương Đông đều cần có những cải tổ.

Ông Dollar nói: “Hoa Kỳ sẽ không còn là một nguồn chính về mức cầu như là từ một thập niên trước đây. Cho nên chúng ta cảm thấy điều quan trọng bây giờ là những nền kinh tế có mức thặng dư lớn của thời kỳ gần đây, trước tiên là Trung quốc, Nhật và Đức cần phải kích thích thêm mức cầu nội địa và tiêu thụ nhiều hơn hầu đạt đủ mức cầu trên thế giới.”

Các chính phủ từ Trung quốc cho đến Thái Lan đang cố gắng làm như vậy, qua những biện pháp kích hoạt tiêu thụ, trợ cấp và những phương tiện khác. Nhưng còn những nước khác vẫn còn phải qua những chặng đường dài.

Ông Muhammad Lutfi, chủ tịch Ủy Ban Điều Hợp Đầu tư của Indonesia nói rằng nước ông bị cầm chân bởi số người nghèo trong nước quá lớn. Indonesia là một thành viên của nhóm G-20.

Ông Muhammad nói: “Dân số chúng tôi gồm có 240 triệu người, nhưng chỉ có 53% là có điện để dùng. Như vậy có nghĩa là 100 triệu người không được kể trong qui trình sản xuất. Nếu tôi có thể lập một nhà máy điện, số người đó có thể trở thành một giai cấp trung lưu mới và họ có thể sản xuất cũng như tiêu thụ. Và tôi nghĩ đó là trách nhiệm của những thị trường mới nổi như Indonesia.”

Thái độ do dự trong tiêu thụ của người Á châu bắt nguồn từ chuyện thiếu những mạng lưới an toàn trong xã hội, nghĩa là công chúng không có đủ chọn lựa về săn sóc y tế, hưu trí và giáo dục. Tại Hồng Kông, bà Trương nói vợ chồng bà thắt lưng buộc bụng để chuẩn bị cho ngày về hưu, thế mà đã trở thành công cốc.

Việc giải phóng mậu dịch và tiền tệ cũng có liên hệ ít nhiều với tiến trình tái cân bằng. Trung quốc và Hoa Kỳ từ lâu vẫn bất đồng ý kiến về giá trị của đồng Nhân dân tệ.

Washington nói rằng đồng Nhân dân tệ quá yếu, khiến hàng xuất khẩu của họ rẻ đi, một phần gây ra sự mất cân bằng mậu dịch to lớn của nước này. Mới đây, các giới chức Trung quốc đã kêu gọi thay đổi vai trò của đồng Mỹ kim như loại tiền tệ quốc tế để dự trữ, một đề tài chắc sẽ được đưa ra bàn thảo tại Pittsburgh.

Các kinh tế gia cho rằng cần phải có một sự điều chỉnh lại nền kinh tế để đảm bảo sự phục hồi được bền bỉ. Ông Kwan thuộc Ngân Hàng Standard Chartered nói khu vực châu Á vẫn còn chưa vững vàng gì lắm, tuy rằng những dầu hiệu phục hồi đã ló dạng.

Ông Kwan nói: “Chúng tôi khá hơn nhiều so với cách đây 6 tháng. Nhưng chớ nên tưởng rằng sẽ tiếp tục an toàn. Rất nhiều dấu hiệu đó vẫn chỉ là tạm bợ vì chỉ phát xuất từ việc tái kiểm kê, hoặc là nhờ những sự kích hoạt tài chánh, có nghĩa là chẳng bền vững gì lắm.”

Khi nào và làm cách nào để có thể chấm dứt các bước kích hoạt dự kiến sẽ là mục ưu tiên cao trong nghị trình hội nghị thượng đỉnh. Bắc Kinh dự kiến sẽ tiếp tục chính sách tiền lỏng và duy trì mức tiêu thụ của chính phủ.

Các lãnh đạo doanh nghiệp tại châu Á cũng như nhiều nơi nói rằng cơn khủng hoảng đã di chuyển quyền lực kinh tế về phía Á châu.

Nhiều người cho rằng khu vực này đặc biệt là Trung quốc cần có tiếng nói nhiều hơn trong việc đặt những khuôn thước cho tương lai.

Cũng như nhiều nền kinh tế đang phát triển khác, như Ấn Độ và Brazil, các chính phủ Á châu đòi họ phải được góp ý nhiều hơn trong những tổ chức đa phương, chẳng hạn như Ngân Hàng Thế Giới.

Ông Caio Koch-Weser, phó chủ tịch ngân hàng Deutsche Bank của Đức và từng là giới chức tài chánh của nhóm G-20, mói rằng nhóm này là một diễn đàn tốt hơn cho việc hợp tác toàn cầu, so với nhóm G-8 chỉ gồm những nước công nghiệp phát triển.

Ông Caio nói: “Hiện nay chúng ta nên sử dụng nhóm G-20. Theo tôi đây là diễn đàn thích hợp để giải quyết việc điều tiết và giám sát hệ thống tiền tệ và tài chánh quốc tế. Và một lần nữa, lời khẩn cầu của tôi đối với Trung quốc là, quí vị bây giờ đã lớn mạnh, những hệ quả lan tràn của các việc làm của quí vị trên thế giới rất to lớn, cho nên việc lãnh đạo có trách nhiệm của quí vị và không ngần ngại đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong những diễn đàn là điều có lợi ích cho tất cả mọi người.”

Ngoài Trung quốc và Indonesia, những nước Á châu khác tham gia Hội nghị G-20 là Nhật, Nam Triều Tiên và Ấn độ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG