Đường dẫn truy cập

Thái Lan chật vật khống chế bạo lực ở miền nam


Kể từ năm 2004, Thái Lan đã chứng kiến tình trạng bạo lực gia tăng đáng kể ở khu vực miền nam đầy bất ổn, dẫn tới khoảng bốn nghìn người thiệt mạng. Các cuộc tấn công dường như đã giảm bớt cho tới tháng Sáu vừa qua, khi một vụ thảm sát tại một đền thờ lại thổi bùng căng thẳng giữa người theo phật giáo gốc Thái và người Hồi giáo gốc Malay. Thông tín viên đài VOA Daniel Schearf tường thuật từ tỉnh Narathiwat và Pattani ở miền nam Thái Lan.

Các binh sĩ trên một xe thiết giáp tiến tới một chốt kiểm soát trên con đường bao quanh bằng dây thép gai và các bao tải cát.

Được trang bị với súng trường tấn công M16, mặc áo giáp và đội mũ sắt, tất cả đang canh gác.

Ước tính có khoảng 60 nghìn nhân viên an ninh ở các tỉnh Yala, Narathiwat và Pattani ở miền nam Thái Lan. Lực lượng này đang phải chật vật khống chế các vụ bạo lực do quân nổi dậy tiến hành mỗi ngày.

Một số chuyên gia phân tích chính trị nói rằng các phiến quân thiểu số Malay đang chiến đấu đòi một hình thức độc lập nào đó để tách khỏi vương quốc Thái Lan. Nhưng đại tá Parinya Chaidilok, phát ngôn viên của Bộ tư lệnh An ninh Nội địa của Quân đội Thái Lan, nói rằng mục tiêu của những kẻ nổi dậy vẫn còn là một điều bí ẩn.

Ông nói: 'Điều họ muốn gồm nhiều vấn đề nằm sau tình trạng bạo lực: ma túy, buôn lậu, những nhân vật ảnh hưởng, còn bất ổn lại là một vấn đề khác'.

Một thế kỷ trước, khu vực gồm phần đông người Hồi giáo gốc Malay này là một vương quốc độc lập cho tới khi Thái Lan chiếm được.

Các phần tử nổi dậy hoạt động mạnh ở miền nam Thái Lan chưa bao giờ nói họ là ai và họ muốn gì. Tuy nhiên, họ thường giết hại những người được cho là biểu tượng của một nhà nước Phật giáo Thái Lan hay những người cộng sự của nhà nước Thái.

Các nhà sư, giáo viên và nông dân theo đạo Phật thu nhận đồ cúng dường như mỗi ngày luôn luôn phải cảnh giác, nếu không họ có nguy cơ bị bắn hoặc bị chặt đầu.

Phra Palat Manat, một nhà tu hành Phật giáo sống ở Pattani cả cuộc đời của mình, nói rằng các cộng đồng theo đạo Phật và theo đạo Hồi vốn từng có mối quan hệ thân thiện. Nhưng ông nói rằng khi bạo lực bùng ra, họ trở nên nghi kị lẫn nhau.

Nhà sư này nói: 'Trong quá khứ, chúng tôi nương dựa lẫn nhau. Khi người Hồi giáo tổ chức lễ cưới hỏi, họ mời người Phật giáo tham dự. Nhưng từ ngày xảy ra bạo lực, những lần thăm viếng thưa dần và hai cộng đồng ngày càng cách xa nhau. Đôi khi chúng tôi cũng tới tham dự, nhưng luôn có nỗi sợ hãi khi chúng tôi đi tới những chỗ đó'.

Tình trạng bạo lực giảm bớt đầu năm nay. Thế rồi vào tháng Sáu, các tay súng bịt mặt đã xông vào đền thờ Al-Furqan ở tỉnh Narathiwat giữa buổi cầu kinh buổi tối, và sát hại 12 người, trong đó có cả người chủ lễ.

Ayub Cheangoh bị thương trong vụ tấn công, và nói rằng vết thương của ông vẫn còn gây đau đớn: 'Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi không còn tin vào chính quyền nữa. Chúng tôi, những người Hồi giáo, không còn tin vào chính quyền. Tôi đã đề nghị một tổ chức độc lập điều tra chính phủ Thái Lan'.

Một lý do mà cộng đồng Hồi giáo gốc Malay ở Thái Lan không tin chính phủ là bởi họ đã chỉ thị quân đội đảm đương vấn đề an ninh.

Các tổ chức nhân quyền nói rằng các lực lượng an ninh đã tiến hành các vụ giết chóc và tra tấn trái luật nhằm chấm dứt tình trạng nổi dậy. Một số nạn nhân của quân đội đã mất tích.

Hồi năm 2004, các lực lượng an ninh Thái Lan đã chịu trách nhiệm gây ra vụ tấn công vào đền thờ 400 tuổi Krue Se ở Pattani, nơi một nhóm phần tử chủ chiến Hồi giáo trú ngụ.

Nhà phân tích Ahmad Somboon Bualuang nói rằng các binh sĩ Thái Lan đã đã làm ngơ trước lệnh đàm phán từ Bangkok, và thay vào đó là tấn công đền thờ, giết hại 32 phần tử nổi dậy.

Một vài tháng sau, 78 người phản đối chính phủ đã chết ngạt khi họ bị bắt và tống vào các xe tải.

Ông Bualuang nói rằng người Hồi giáo vẫn còn cảm thấy cay đắng vì việc sử dụng vũ lực quá tay đối với họ: 'Tình trạng này vẫn chẳng được giải quyết gì hết. Những diễn biến lại gây thêm đau đớn và khiến người dân tức giận hơn'.

Các nhà phân tích và tổ chức nhân quyền nói rằng chính phủ Thái Lan cần phải trừng phạt những ai có trách nhiệm về các vụ lạm dụng vũ lực trong quá khứ đồng thời dẹp bỏ luật tình trạng khẩn trương, một đạo luật giúp quân đội tránh bị truy tố.

Họ nhận định thêm rằng nếu chính quyền Thái Lan giúp cho người dân thường gốc Malay cảm nhận được rằng họ có được công lý, thì họ sẽ giúp ngăn chặn thêm nhiều cảm tình viên tham gia cuộc nổi dậy.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG