Đường dẫn truy cập

Nghĩ về viết lách: Viết phê bình là thách đố


Viết phê bình, trước hết, cần đúng.

Trước hết là đúng về kiến thức, bao gồm nhiều cấp bậc: đúng sự kiện (ví dụ không lẫn lộn tác giả này với tác giả khác, nhân vật này với nhân vật khác, v.v…); đúng khái niệm (ví dụ không lẫn lộn tính liên văn bản với điển cố, điển tích; siêu phê bình với phê bình cao siêu; đại tự sự với… trường thiên tiểu thuyết, v.v….), và sau cùng, đúng phạm trù (ví dụ, không lẫn lộn văn học và báo chí hay triết học; thơ và vè; truyện và chuyện, v.v…).

Sau nữa, cao hơn, đúng về lập luận, nghĩa là, thứ nhất, tuân thủ các nguyên tắc của lý luận, trong đó, quan trọng nhất là tính nhất quán, và thứ hai, có đủ bằng chứng để bênh vực cho các luận điểm của mình.

Hai cái đúng trên không khó. Chỉ cần được đào tạo bài bản và chịu khó một chút, người ta có thể đạt được hai cái đúng ấy tương đối dễ.

Cái đúng thứ ba này mới khó: Đúng về nhận định, bao gồm ba khía cạnh: Phân tích, diễn dịch và đánh giá. Hai khía cạnh đầu, phân tích và diễn dịch, có thể học tập và rèn luyện được; khía cạnh thứ hai, vượt ra ngoài tầm thao tác, đòi hỏi không những kiến thức mà còn cả kinh lịch, hơn nữa, tầm nhìn và quan trọng nhất, sự nhạy cảm về cả phương diện thẩm mỹ lẫn phương diện lịch sử, qua đó có thể tiên đoán được xu hướng vận động của văn học và mỹ học.

Hai khía cạnh đầu thuộc phạm trù giáo dục. Khía cạnh thứ ba chủ yếu thuộc phạm trù văn hoá và năng khiếu.

Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề tế nhị và phức tạp: Đúng so với cái gì? Có hai tiêu chuẩn chính: Thứ nhất, những quy ước và quy phạm đã và đang được mọi người chấp nhận. Thứ hai, những quy ước và quy phạm đang và sẽ được hình thành.

Từ tiêu chuẩn thứ nhất, viết đúng có nghĩa là viết những gì mọi người – hay hầu hết những người có học – cho là đúng.

Tuy nhiên, viết về những điều ai cũng cho là đúng lại là điều mà bất cứ nhà phê bình tài năng và tự trọng nào cũng tìm cách tránh né. Tại sao? Lý do: thứ nhất, thừa; thứ hai, nhạt; và thứ ba, coi chừng... sai.

Trong lãnh vực khoa học tự nhiên, một chân lý phổ thông có thể vẫn là một chân lý. Không phải vì ai cũng biết quả đất tròn mà tự nhiên quả đất... méo đi một tí. Nhưng trong lãnh vực văn học nghệ thuật, ngược lại, vì bản chất của nó là sáng tạo, là đổi mới liên tục, những kiến thức đã lâu và cũ đủ để thành kiến thức phổ thông đều ít có khả năng còn là chân lý.

Ví dụ: Khi ai cũng nói đến vai trò của yếu tố cảm xúc trong văn học thì cơ sở mỹ học của chủ nghĩa lãng mạn đã bị chủ nghĩa hiện thực làm cho lung lay rồi. Khi ai cũng nói đến chức năng phản ánh hiện thực của văn học thì cơ sở mỹ học của chủ nghĩa hiện thực đã bị chủ nghĩa tượng trưng đặt thành nghi vấn.

Khi ai cũng cho đặc điểm nổi bật nhất của thơ là yếu tố vần điệu thì, với sự phát triển của nền văn hoá in ấn và với ưu thế của yếu tố thị giác, vần điệu chỉ còn là một trong những yếu tố của hình thức thơ mà thôi. Cứ thế, liên tục.

Bởi vậy, theo tôi, tài năng của nhà phê bình không được đo lường ở việc viết đúng mà chính là ở việc dám thách đố lại những gì được mọi người cho là đúng.

Không dám chấp nhận thách đố ấy, nhà phê bình chỉ còn là một kẻ nói leo, nói hùa, nói vuốt đuôi người khác. Nhưng chấp nhận thách đố ấy, nhà phê bình phải đánh cược với tương lai.

Với kẻ đánh cược với tương lai, viết trở thành một cuộc phiêu lưu bất tận.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG