Đường dẫn truy cập

Kinh tế Hoa Kỳ và thế giới buồn vui lẫn lộn


Những số liệu mới được công bố hôm thứ Năm cho thấy suy thoái tại Đức và Pháp giảm nhẹ. Các báo cáo ghi nhận sản lượng nội địa của hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu này tăng 0.3% trong quý hai, hy vọng khắp châu Âu sẽ phục hồi sớm. Kinh tế Hoa Kỳ cũng tỏ ra có sự tăng tiến dù có những tin tức đáng quan ngại về thâm thủng ngân sách quốc gia và về con số nhà bị tịch thu tăng lên. Thông Tín Viên Mil Arcega của Đài VOA có thêm chi tiết như sau:

Thị trường chứng khoán châu Âu tăng hôm thứ Năm tiếp theo sau một sự gia tăng bất ngờ về sản lượng nội địa của Đức và Pháp. Sự gia tăng giá trị sản phẩm và dịch vụ tại hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu đánh dấu một tiến triển đáng kể sau 4 quý sụt giảm liên tiếp.

Ông Christian Dreger, kinh tế gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức, tuyên bố là dữ liệu mới cho thấy 'sự suy thoái đã qua', tuy nhiên nhà kinh doanh đầu tư Stefan Schaffter dè dặt hơn trong dự đánh giá của ông.

Ông nói: “Tôi nghĩ là cần phải suy nghĩ cẩn thận hơn. Các con số đã ổn định như chúng ta được biết. Một vài chuyên gia tiên đoán là vào quý tới, sản lượng nội địa tăng chậm. Chúng ta hy vọng ít nhất chúng ta cũng đã qua khỏi đáy của sự suy thoái.”

Sự phục hồi khiêm nhường này đã đưa đến sự trỗi dậy lạc quan của 16 quốc gia đang sử dụng đồng Euro. Tuy nhiên sự trổi dậy không ngờ này đã làm một số nhà sản xuất tại châu Âu lo lắng. Họ lo khi đồng Euro lên giá sản phẩm của họ đắt hơn trên thị trường xuất khẩu.

Tại Hoa Kỳ, các số liệu của chính phủ cho thấy giá bán lẻ sụt giảm 0,1% trong tháng qua, mặc dù chương trình “Đổi xe cũ lấy tiền mặt” của chính phủ tỏ ra thành công vì làm cho mức bán xe ôtô tăng hơn 2%.

Các kinh tế gia theo dõi mức bán lẻ một cách chặt chẽ bởi vì sự chi dùng của người tiêu thụ chiếm đến 2 phần 3 nền kinh tế Hoa Kỳ.

Tuy nhiên trong khi Ngân hàng Trung ương Mỹ loan báo là các hoạt động kinh tế đã bắt đầu bình ổn, thì một số lượng kỷ lục người Mỹ vẫn còn có nguy cơ mất nhà cửa và việc làm. Nhà bị tịch thu tăng 7% trong tháng qua và tỉ lệ thất nghiệp hàng tuần tăng nhanh hơn dự kiến.

Các chuyên viên thì cho rằng vấn đề nợ nần chồng chất đang gây khó khăn cho tăng trưởng. Tháng qua, thâm thủng của nhà nước tăng thêm 180 tỉ đô la.

Ông Charles Herman, chuyên viên phân tách tài chánh của hệ thống truyền hình ABC News, đưa ra nhận xét: “Thâm thủng ngân sách gia tăng chứng tỏ là chính phủ tiêu nhiều tiền để cố cứu vãn nền kinh tế và tất cả các dấu hiện nhận được đều cho thấy là kinh tế khá hơn trước. Tuy nhiên sự lo lắng có tính cách lâu dài là làm thế nào chúng ta đối phó với sự thâm thủng khổng lồ này.”

Với gần 1.300 tỉ đô la, thiếu hụt ngân sách của Liên bang lớn chưa từng có. Các nhà phân tích cho rằng sự thiếu hụt này có thể lên đến 2.000 tỉ đô la trước tháng 9.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG