Đường dẫn truy cập

VN sẽ có nhà máy điện hạt nhân trước năm 2020


Để đáp ứng nhu cầu ngày điện ngày càng gia tăng, Việt Nam cũng dự kiến sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong vòng 5 năm và đưa vào lưới điện quốc gia trước năm 2020.

Bản tin hôm thứ Năm của Reuters trích lời ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho hay sau khi đưa vào xử dụng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên dự kiến đặt tại tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam cũng muốn nâng công suất lên mức 15.000 megawatt trước năm 2030.

Ông Tấn nói với hãng tin Reuters rằng năng lượng hạt nhân là một giải pháp cho Việt Nam để đạt mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng.

Hiện tại khoảng 60% sản lượng điện của Việt Nam được sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện và 40% là từ các nhà máy thủy điện, tuy nhiên vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và tình trạng cắt điện vẫn thường xảy ra.

Theo ông Tấn thì tình trạng thiếu điện sẽ càng trầm trọng hơn kể từ năm 2015 khi nhu cầu vượt xa sản lượng vì vậy mà việc tìm kiếm nguồn điện mới là một nhiệm vụ cấp bách.

Việt Nam hiện đã ký các thỏa thuận hạt nhân với Trung Quốc, Nga, Nam Triều Tiên, Ấn Độ và Argentina và cũng đang nhắm tới việc ký kết các thỏa thuận tương tự với Pháp, Nhật Bản và Hoa Kỳ trong thời gian tới. Các thỏa thuận này sẽ cho phép các công ty của những nước này cung cấp công nghệ và thiết bị cho Việt Nam.

Tuy nhiênm theo ông Tấn thì hai nhà máy điện đầu tiên sẽ do Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư duy nhất. Nhưng EVN sẽ chỉ đầu tư ¼ tổng chi phí ước tính lên tới 10 tỉ đôla và phần vốn còn lại sẽ là các khoản vay từ các ngân hàng xuất nhập khẩu của các nước đối tác nước ngoài được lựa chọn cho dự án.

Quá trình lựa chọn các đối tác nước ngoài sẽ do Thủ tướng chính phủ quyết định sau khi quốc hội thông qua đề xuất và nghiên cứu khả thi của các dự án đầu tiên này.

Ông Tấn nói ông hy vọng Quốc hội sẽ thông qua dự án này vào tháng 10 hoặc trễ nhất là kỳ họp vào tháng 5 năm sau.

Vấn đề nhân sự cho dự án cũng là một thách thức đối với Việt Nam do Việt Nam thiếu các chương trình đào tạo kỹ sư cho các nhà máy năng lượng hạt nhân và tất cả các kỹ sư này đều phải học tập ở nước ngoài.

Ông Tấn cũng cho biết các dự án này đã được sự hưởng ứng cao của công chúng đặc biệt là những cư dân sống ở gần địa điểm đặt nhà máy Ninh Thuận.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG